Yêu cầu chiếu xạ là bắt buộc khi xuất khẩu nông sản vào thị trường một số nước, trong đó có Mỹ.
Mỗi mùa vải, để có thể xuất khẩu hàng sang Mỹ, các doanh nghiệp phải chuyển quả vải từ Bắc Giang, Hải Dương vào TPHCM (Công ty Sonson) hoặc Long An (Công ty Chiếu xạ Toàn Phát) để xử lý chiếu xạ kiểm dịch.
Đây là 2 công ty được Cục Kiểm dịch động, thực vật Mỹ (APHIS) cho phép xử lý chiếu xạ kiểm dịch sản phẩm nông sản tại Việt Nam trước khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Hiện nay, chưa có cơ sở nào ở miền Bắc được Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép tham gia chương trình tiền thông quan sau khi xử lý chiếu xạ kiểm dịch nên các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản gặp khó khăn nhất định.
Việc quả vải phải chuyển từ Bắc vào Nam để xử lý chiếu xạ kiểm dịch khiến "đội giá", tăng chi phí, thời gian, trong khi quả vải tươi chỉ có thể bảo quản tối đa 35 ngày với các công nghệ hiện có.
TS. Trần Minh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ KH&CN), cho biết, chiếu xạ kiểm dịch nhằm tiêu diệt các loài côn trùng hại quả cũng như ấu trùng và trứng của chúng, ngăn chặn sự xâm nhập, phát tán của các loài côn trùng cần kiểm soát tại quốc gia nhập khẩu.
Xử lý kiểm dịch bằng bức xạ cũng giúp bảo đảm an toàn vệ sinh và kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu khắt khe để hoa quả tươi có thể xuất khẩu tới các thị trường "khó tính".
Thực tế, Việt Nam đã làm chủ được công nghệ chiếu xạ từ lâu và các biện pháp xử lý chiếu xạ thực phẩm bao gồm chiếu xạ kiểm dịch hoa quả tươi xuất khẩu của Việt Nam đều tuân thủ các quy trình thực hành của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), bảo đảm chất lượng và được nhiều nước thành viên của IAEA công nhận.
Là cơ sở chiếu xạ đầu tiên tại Việt Nam, ngay từ những năm 1990, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã thực hiện các nghiên cứu sử dụng chiếu xạ để diệt sâu đầu cuống trên quả vải. Tiếp theo đó là những nghiên cứu chiếu xạ kiểm dịch diệt ruồi đục quả Bactrocera dosalis Hendel trên quả thanh long và Bactrocera corecta trên quả bưởi.
Đến năm 2015, Trung tâm đã nâng cấp hạ tầng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp Australia và Bộ Nông nghiệp Mỹ về xử lý chiếu xạ kiểm dịch. Kết quả là Trung tâm đã được phép xử lý chiếu xạ quả vải (2016), quả xoài (2017) và quả nhãn (2019) vào Australia.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Mỹ, cụ thể là APHIS đề nghị phải có chuyên gia Mỹ trực tiếp kiểm dịch trước khi chiếu xạ, cũng như những yêu cầu khắt khe hơn trong việc kiểm soát liều chiếu và bảo đảm chất lượng chiếu xạ.
Chính vì thế, từ năm 2022, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội tiếp tục hoàn thiện các quy trình xử lý kiểm dịch chuẩn theo yêu cầu, đầu tư mới 2 hệ đo liều theo khuyến cáo của các chuyên gia APHIS.
Trung tâm cũng đã phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) để hoàn thiện các thủ tục pháp lý và hồ sơ gửi APHIS xin cấp phép cơ sở chiếu xạ kiểm dịch.
Tuy nhiên, hiện Trung tâm vẫn gặp những khó khăn do các rào cản phi kỹ thuật, cũng như chưa có tổ chức pháp nhân đứng ra làm cầu nối ký hợp đồng làm đối tác (cooperator) với Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Theo TS. Phan Việt Cương, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, nếu quả vải được chiếu xạ kiểm dịch tại Trung tâm (công suất xử lý khoảng 25-30 tấn/ngày), các doanh nghiệp xuất khẩu tại khu vực phía bắc sẽ tiết kiệm đáng kể do rút ngắn được thời gian, giảm được chi phí vận chuyển vào các cơ sở phía nam để chiếu xạ.
TS. Phan Việt Cương cho biết thêm, tháng 8 vừa qua, đoàn chuyên gia Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đến thăm Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội để khảo sát lần 2 về các điều kiện về kỹ thuật và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu xử lý chiếu xạ kiểm dịch trái cây xuất khẩu.
Đoàn đã ghi nhận những nỗ lực của Trung tâm trong việc nâng cấp thiết bị chiếu xạ để tham gia Chương trình tiền thông quan hoa quả tươi xuất khẩu trong thời gian qua.
Tuy nhiên, để có thể tham gia Chương trình tiền thông quan của Mỹ đối với quả tươi kiểm dịch bằng chiếu xạ, cần có đối tác được Bộ Nông nghiệp Mỹ chấp nhận.
Theo đó, đối tác sẽ phải trả cho phía Mỹ khoảng 75.000-100.000 USD để APHIS cử chuyên gia Mỹ thực hiện việc kiểm dịch quả tươi ngay tại cơ sở chiếu xạ trong khoảng thời gian 2 tháng (hoặc 350.000 USD trong thời gian 1 năm). Như vậy, chi phí để được làm đối tác trong việc chiếu xạ kiểm dịch xuất khẩu sang Mỹ là tương đối lớn.
Bên cạnh đó, chủng loại cũng như số lượng sản phẩm quả tươi miền Bắc có thể được chiếu xạ kiểm dịch để xuất khẩu sang các thị trường khó tính, cao cấp, đặc biệt là Mỹ, lại không nhiều (chủ yếu là vải, nhãn) như phía nam (thanh long, chôm chôm, vải, nhãn, xoài, vú sữa...) nên cũng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư cho chiếu xạ kiểm dịch của các đơn vị.
Vì vậy, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trở thành đối tác của APHIS và thực hiện việc kiểm tra cấp phép cơ sở chiếu xạ của Trung tâm trong thời gian sớm nhất, đồng thời có cơ chế để đối tác này bảo đảm kinh phí cho chuyên gia APHIS thực hiện việc lập bản đồ liều và kiểm dịch quả vải trước khi chiếu xạ.
Nếu những khó khăn được tháo gỡ, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội sẽ có thể xử lý chiếu xạ kiểm dịch đối với quả vải xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2025, qua đó giảm giá thành xử lý do phải vận chuyển vào miền Nam như hiện nay, giúp duy trì độ tươi ngon của trái cây để cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Đồng thời đây cũng là bước khởi đầu cho việc xuất khẩu các loại quả khác từ miền Bắc vào thị trường Mỹ.
TS. Trần Chí Thành, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết, để giải quyết được khó khăn, cần có sự chung tay từ nhiều phía, sự phối hợp, đồng thuận giữa các bộ, ngành với nhau để đẩy nhanh các thủ tục cấp giấy phép.
Với tình hình thực tế hiện nay, cần tập trung tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm cung cấp dịch vụ chiếu xạ kiểm dịch trái cây tươi xuất khẩu, nâng cao giá trị nông sản. Phát triển các chương trình hợp tác trong và ngoài nước gồm hợp tác vùng về chiếu xạ thực phẩm.
Bộ KH&CN cũng khuyến khích việc xã hội hóa các cơ sở chiếu xạ kiểm dịch nông sản, thực phẩm, nhất là sản phẩm xuất khẩu tới các thị trường cao cấp, góp phần gia tăng giá trị, mang lại thu nhập cao cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu...
Hoàng Giang - The VGP