27/04/2024 lúc 15:52 (GMT+7)
Breaking News

Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị - Một yếu tố vô cùng quan trọng để đổi mới đất nước thành công

Đổi mới kinh tế kết hợp với đổi mới chính trị là vấn đề cốt lõi trong đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị trên cơ sở nghiên cứu và chuẩn bị nghiêm túc, không cho phép gây mất ổn định chính trị.

Công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được tiến hành từ sau Đại hội VI của Đảng (1986). Sau chặng đường đổi mới với nhiều khó khăn, thách thức ấy, nước ta đã đạt được những bước phát triển đáng tự hào. Giờ đây, nhìn nhận lại những bài học, kinh nghiệm của quá trình đó có lẽ cũng là điều cần thiết để chúng ta củng cố hơn nữa niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập hôm nay. Một trong những vấn đề đó là Mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị theo chủ trương và sự lãnh đạo của Đảng.

Kế thừa tinh thần Đại hội XI, XII, tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục coi quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là một trong các quan hệ lớn cần giải quyết trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam; khẳng định tiếp tục thực hiện “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt”; đề ra nhiệm vụ “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đồng thời “phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam”. Quan điểm này tiếp tục chỉ đạo, soi sáng vấn đề đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị trong thời gian tới của Đảng. Thực tế cho thấy, giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là một nội dung cốt lõi quan trọng trong các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng ta từ khi đổi mới đến nay.

Về vấn đề quan trọng này, ngay từ Hội nghị lần 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá VI đã chỉ rõ: “Chúng ta tập trung sức làm tốt đổi mới kinh tế, đồng thời từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị. Không thể tiến hành cải cách hệ thống chính trị một cách vội vã khi chưa đủ căn cứ, mở rộng dân chủ không có giới hạn, không có mục tiêu cụ thể và không đi đôi với tập trung thì dẫn đến sự mất ổn định về chính trị, gây thiệt hại cho sự nghiệp đổi mới”. Từ quan điểm đó, Đảng đặc biệt quan tâm đến vấn đề xử lý tốt mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị trong suốt quá trình đổi mới đất nước, đặc biệt là vấn đề đổi mới chính trị. Điều này là hoàn toàn đúng đắn, bởi kinh tế và chính trị là hai lĩnh vực quan trọng bậc nhất trong mọi xã hội, có tác động to lớn đến các lĩnh vực khác. Hơn nữa, giữa kinh tế và chính trị có mối quan hệ biện chứng, mật thiết, không tách rời nhau. Để xử lý tốt mối quan hệ này, trong đó có vấn đề đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế, trước hết cần dựa trên cơ sở lý luận khoa học đúng đắn.

Trong nội dung của vấn đề, cần nhận thức rõ rằng: Đổi mới chính trị không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp. Trên cơ sở đó mà từng bước hoàn thiện nhận thức về đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Theo đó, “đổi mới kinh tế” là quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế tập trung, bao cấp, chủ yếu dựa trên chế độ sở hữu toàn dân và tập thể sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN); là bước chuyển từ nền kinh tế cơ bản là “khép kín” sang nền kinh tế “mở”, hội nhập, kết hợp tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Còn đổi mới chính trị là đổi mới tư duy chính trị về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH; đổi mới cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị, trước hết là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước XHCN nhằm giữ vững ổn định chính trị để xây dựng chế độ XHCN ngày càng vững mạnh; thực hiện tốt nền dân chủ XHCN nhằm phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân do Đảng lãnh đạo. Chính vì vậy, không thể tiến hành đổi mới chính trị một cách vội vã khi chưa đủ căn cứ; mở rộng dân chủ không có giới hạn, không có mục tiêu cụ thể và không đi đôi với tập trung thì dẫn đến sự mất ổn định về chính trị, gây thiệt hại cho sự nghiệp đổi mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ, mục tiêu con người, mục tiêu xã hội, mục tiêu nhân đạo, mục tiêu công bằng, bình đẳng không để lại ai ở phía sau là mục tiêu của nền kinh tế chúng ta, khác với mục tiêu săn lùng lợi nhuận. Đây là vấn đề mang tính bản chất nhất liên quan đến nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của chúng ta.

Trong quá trình thực hiện đổi mới, để đảm bảo mối quan hệ giữa đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế, cần đi sâu giải quyết những vấn đề cụ thể, những phát sinh và hạn chế cụ thể.  Trong đó, có nơi, có lúc sự chưa đồng bộ, chưa phù hợp của chính trị với kinh tế cũng là biểu hiện của việc chưa phát huy hết vai trò to lớn của chính trị trong đổi mới kinh tế ở nước ta, và hạn chế này có nguy cơ tăng cao trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Bởi vì, cùng với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, các quan hệ kinh tế vận động rất đa dạng, phức tạp. Do đó, một mặt, nếu không kịp thời đổi mới chính trị, phát huy tính tích cực, vốn có của nó thì sẽ có độ trễ, độ vênh giữa chính trị với kinh tế, thậm chí có thể tạo trở lực cho phát triển của kinh tế; mặt khác, việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, cũng nảy sinh những ảnh hưởng tiêu cực. Khắc phục, hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường mới bảo đảm phát triển bền vững, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, đổi mới chính trị để nó có khả năng phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế trở thành yêu cầu cấp bách hiện nay. Làm được như vậy cũng chính là phát huy đúng vai trò, chức năng to lớn vốn có của chính trị - vai trò lãnh đạo, kiến tạo, dẫn dắt kinh tế… Vậy việc giải quyết mối quan hệ giữa con đường XHCN và kinh tế thị trường đòi hỏi phải rất sáng tạo. Đến nay có thể nói Đảng ta, Nhà nước ta đã sáng tạo và thu hoạch được những kết quả rất khả quan trong vấn đề này.

Thành công lớn nhất và quan trọng nhất có ý nghĩa sống còn đối với dân tộc Việt Nam là chúng ta tiến hành quá trình đổi mới không phải bắt đầu từ việc “đổi mới” trong lĩnh vực chính trị như ở Liên Xô và các nước XHCN khác ở Đông Âu trước đây, cũng không đồng thời “đổi mới” ngay lập tức cả hai lĩnh vực chính trị lẫn kinh tế. Đảng ta rất tỉnh táo và đủ bản lĩnh giữ vững ổn định chính trị, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản để làm trục đỡ chính trị cho việc điều chỉnh và đổi mới kinh tế.

Bên cạnh đó, nhờ có định hướng chính trị rõ ràng, bằng các chính sách chuyển đổi cơ chế và cơ cấu phù hợp với yêu cầu khách quan của thực tiễn, kinh tế của nước ta tăng trưởng vượt bậc, đời sống của nhân dân được cải thiện rỡ rệt. Người dân tin tưởng vào đường lối đổi mới khi nhận thấy lợi ích của mình được đảm bảo nên luôn chủ động tham gia vào đời sống kinh tế, đời sống chính trị để xây dựng, phát triển kinh tế, bảo vệ chế độ đã, đang đảm bảo lợi ích cho họ… Nhờ vậy, nước ta đã thực hiện thành công công cuộc đổi mới, ra khỏi tình trạng kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường.

Cần khẳng định rằng, đường lối đổi mới và định hướng đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị của Đảng là đúng đắn. Nhưng hạn chế ở đây lại là hiệu quả của việc thực thi đường lối đó trên từng giai đoạn cụ thể, trong từng cách làm cụ thể, của từng mối quan hệ cụ thể. Theo đó, như Đại hội XI của Đảng thắng thắn nhìn nhận: “Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân chuyển biến chậm”; “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế và quản lý đất nước”; “công tác xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế, yếu kém, chậm được khắc phục”. Mặt khác, trong đổi mới chính trị chúng ta mới chỉ tập trung nhấn mạnh ý nghĩa của đổi mới tư duy về chính trị chứ chưa thực sự tiến hành đổi mới ở con người chính trị-chủ thể hoạt động chính trị và cơ chế hoạt động có hiệu quả của hệ thống chính trị… Đó chính là những vấn đề cần được nhận diện rõ ràng và có những giải pháp khắc phục cụ thể, và cũng là một quá trình với quyết tâm chính trị cao nhất./.

Ths.Nguyễn Quang Thực

...