25/11/2024 lúc 16:55 (GMT+7)
Breaking News

Giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản Vùng ĐBDTTS và miền núi Khánh Hòa

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi Khánh Hòa đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều dự án, chính sách gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023. Qua đó, góp phần khơi thông "dòng chảy" tiêu thụ nông sản, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc và các vùng nông thôn ngày càng phát triển hơn.

 

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi Khánh Hòa có khá nhiều loại nông sản được ưa chuộng, như: Sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt, chôm chôm, chuối... 

Những năm qua, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 10082 để hỗ trợ các hoạt động thu hút đầu tư trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, kế hoạch tập trung vào việc tổ chức hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm; tổ chức hội chợ, giao lưu, diễn đàn, lễ hội gắn với thương mại du lịch; hỗ trợ xây dựng, thực hiện một số mô hình nhằm tiêu thụ nông sản vùng ĐBDTTS, miền núi và cung ứng các mặt hàng thiết yếu; tăng cường quảng bá sản phẩm vùng ĐBDTTS, miền núi; tập huấn phát triển nguồn nhân lực thương mại...

Qua đó, năm 2023 là năm có khá nhiều hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm. Tháng 7, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Phiên chợ nông sản và sản phẩm OCOP, thu hút hơn 10.500 lượt khách với trị giá sản phẩm bán được ước hơn 6,5 tỷ đồng. Tháng 8, Sở Công Thương tổ chức Phiên chợ triển lãm sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh, giới thiệu sản phẩm của 18 đơn vị có sử dụng lao động ở các xã đặc biệt khó khăn vùng ĐBDTTS, miền núi. Tháng 9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức Phiên chợ nông sản thực phẩm an toàn và hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản chất lượng, an toàn Khánh Hòa - Đắk Lắk; Sở Công Thương tổ chức Phiên chợ đêm, giới thiệu nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Tháng 10, Hội Nông dân tỉnh tham gia Hội chợ giới thiệu, triển lãm sản phẩm nông sản của Khánh Hòa tại TP. Hồ Chí Minh. Các siêu thị, nhất là Co.opmart Nha Trang kết nối với một số đơn vị ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh phân phối thường xuyên nông sản của ĐBDTTS, miền núi. Mới đây, các cơ quan, đơn vị, cá nhân tích cực hỗ trợ tiêu thụ bí đỏ cho nông dân thị xã Ninh Hòa...

Trong năm 2023, phiên chợ nông sản đã phát huy hiệu quả, với những hoạt động kết nối và lồng ghép một số chương trình xúc tiến thương mại như: Hội thảo phát triển nông nghiệp sinh thái, chuyển đổi số trong nông nghiệp và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; hội thi giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử cũng được chú trọng. Trong năm, có 2.460 hộ được hướng dẫn đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử; 115 loại nông sản được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, ký hợp đồng tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử; hơn 1.200 tấn nông, thủy sản được tiêu thụ, ký hợp đồng tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử; 400 lượt nông dân được tập huấn kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Quỹ Hỗ trợ nông dân đã có tổng vốn lũy kế toàn tỉnh hơn 93 tỷ đồng, hỗ trợ vốn cho hơn 3.500 hộ, giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động, xây dựng gần 400 mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã; việc cho vay vốn còn lồng ghép với chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và dạy nghề. Trong năm, các cấp hội nông dân phối hợp tổ chức 80 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho hơn 4.200 hội viên; dạy, phối hợp dạy nghề cho gần 1.600 người. Hội còn tổ chức tập huấn về thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thu hút đầu tư vùng ĐBDTTS và miền núi cho 530 người; phối hợp tập huấn về mã vạch, hệ thống truy xuất nguồn gốc, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản... Nhiều hộ, trong đó có ĐBDTTS đã vươn lên khá, giàu. Một số hộ còn đại diện ký hợp đồng với doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất lớn; từng bước xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng.

Với những kết quả tích cực trong những hoạt động, mô hình nhằm tiêu thụ nông sản vùng ĐBDTTS, miền núi, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế về mặt trình độ, khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật của ĐBDTTS, vẫn còn nhiều hộ nghèo , cận nghèo, sản xuất tự phát, phụ thuộc vào thương lái, chưa biết sử dụng nền tảng số để quảng bá nông sản... Vùng ĐBDTTS, miền núi lại xa trung tâm; khâu bảo quản của người dân còn hạn chế. Trong khi đó, thị trường ngày càng yêu cầu cao về kỹ thuật, chất lượng, dịch vụ… Để khơi thông những "điểm nghẽn" này, việc xây dựng vùng nguyên liệu, góp phần thu hút doanh nghiệp đầu tư, giảm chi phí rủi ro, minh bạch quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc dễ dàng là giải pháp. Điển hình, tại huyện Khánh Sơn, nông dân người Raglai đã được một doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, vật tư nông nghiệp để áp dụng mô hình trồng sầu riêng hữu cơ bằng phương pháp sinh học. Năm 2022, vườn sầu riêng nhà anh cho thu 800 triệu đồng; năm 2023, giá bán sầu riêng tăng, gia đình anh thu hơn 1,3 tỷ đồng. Từ những mô hình đó, đã mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân…

Hiện nay, các cấp, ngành tiếp tục phối hợp tìm giải pháp khoa học kỹ thuật giúp nông dân tổ chức sản xuất; dự báo thông tin thị trường; quảng bá nông sản; tập huấn, phổ biến các tiêu chuẩn, quy định đưa nông sản vào hệ thống phân phối, bán lẻ; hỗ trợ người dân ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, quảng bá, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử... Riêng Hội Nông dân tỉnh đã đề xuất tổ chức phiên chợ nông sản của ĐBDTTS tại TP. Nha Trang vào năm 2024. Hội và Ban Dân tộc tỉnh cũng đang xây dựng kế hoạch khảo sát thành lập điểm bán nông sản đặc trưng của ĐBDTTS tại Nha Trang… Các giải pháp đồng bộ sẽ góp phần tiếp tục khơi thông "dòng chảy" tiêu thụ nông sản cho nông dân và ĐBDTTS.