03/05/2024 lúc 10:51 (GMT+7)
Breaking News

Gia Lâm (Hà Nội): Chính quyền có làm “ngơ” cho doanh nghiệp “hủy hoại” môi trường?

VNHN - Gần 1 năm kể từ ngày có quyết định xử phạt đối với 13 cơ sở sản xuất gỗ ván ép ở xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, việc các cơ sở này vẫn ngày ngày ngang nhiên xả thải ra môi trường đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân nơi đây.

VNHN - Gần 1 năm kể từ ngày có quyết định xử phạt đối với 13 cơ sở sản xuất gỗ ván ép ở xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, việc các cơ sở này vẫn ngày ngày ngang nhiên xả thải ra môi trường đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân nơi đây.

 UBND huyện Gia Lâm đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở này, với số tiền là 301.500.000 đồng.

Phản ánh tới toà soạn Việt Nam Hội Nhập, hàng trăm người dân sống xung quanh những xưởng sản xuất gỗ ván ép ở thôn Công Đình (xã Đình Xuyên huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, họ đang bị tra tấn bởi tình trạng ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn phát ra trong quá trình sản xuất gỗ ván ép tại đây.

Ghi nhận thực tế của phóng viên (PV) vào những ngày đầu tháng 5 vừa qua tại thôn Công Đình, hiện ra trước mắt chúng tôi là hệ thống nhà xưởng rộng hàng ngàn m2, các xưởng này xây dựng khá đơn sơ và được quây kín bằng tôn nằm ngay trong khu vực đông dân cư chỉ cách trụ sở UBND xã Đình Xuyên khoảng vài trăm mét. Tại đây, hàng chục cột khói đang thi nhau nhả khói nghi ngút, màu khói bốc lên đen kịt và có mùi rất nồng nặc. Không những vậy, tiếng ồn phát ra từ những cơ sở này trong quá trình sản xuất cũng khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc.

Mương nước có màu trắng đục và có mùi hắc đang xả thẳng ra môi trường, người dân nghi vấn đây là nước thải trong quá trình tẩy trắng gỗ ván ép từ các cơ sở này thải ra.

Không những vậy, theo quan sát của chúng tôi thì trong vòng khoảng 2 giờ đồng hồ đã có hàng chục chiếc xe tải lớn nhỏ vào ra khu vực này khiến con đường liên thôn nhỏ dẫn vào hệ thống nhà xưởng sản xuất gỗ ván ép tại thôn Công Đình cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Dọc hai bên tuyến đường vẫn đang bị tận dụng triệt để làm nơi chứa gỗ, rác thải… trông vô cùng nhếch nhác và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Bà Nguyễn Thị T. (56 tuổi, ở thôn Công Đình) chia sẻ: “Bức xúc lắm các chú à, những ngày nắng nóng này mà ngày nào họ cũng xả khói nghi ngút, tiếng máy móc thì cứ ầm ầm từ sáng đến tối ai mà chịu được. Nghe nói vừa rồi tất cả các cơ sở này mới bị xử phạt hàng trăm triệu đồng và yêu cầu dừng hoạt động, cũng như di dời ra khỏi khu vực đông dân cư, nhưng không hiểu sao gần 1 năm nay mà vẫn chưa thấy có động tĩnh gì, ngày ngày họ vẫn sản xuất và chẳng thấy sự có mặt của cơ quan chức năng ở đâu”.

“Người dân thôn chúng tôi những ngày nắng nóng mà hít phải khói bụi từ các xưởng sản xuất này thì đau đầu, chóng mặt lắm. Khổ nhất là trẻ nhỏ, nhiều người có cháu nhỏ mới sinh thì không dám cho ở nhà mà phải tạm lánh ở nhà người thân, khi cứng cáp rồi mới dám cho về nhà. Chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng sớm di dời các cơ sở này đi chỗ khác càng sớm càng tốt cho dân hết khổ”, bà T. bức xúc.

Hàng chục cột khói đang thi nhau nhả khói nghi ngút, màu khói bốc lên đen kịt

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, một cán bộ phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết: Năm 2018, UBND huyện Gia Lâm đã tiến hành kiểm tra đối với 13 đơn vị sản xuất gỗ ván ép tại xã Đình Xuyên. Sau khi kiểm tra phát hiện tất cả 13 cơ sở này đều vi phạm với các lỗi như: Vi phạm về việc lắp đặt hệ thống xử lý khí thải, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy… Ngay sau đó UBND huyện đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở này, với số tiền là 301.500.000 đồng.

Sau khi ban hành quyết định xử phạt UBND huyện Gia Lâm có văn bản chỉ đạo các cơ sở phải tiến hành lắp đặt hoàn thiện xử lý khí thải và các công ty đã liên hệ đơn vị tư vấn để hoàn thiện. “UBND huyện sau đó đã làm báo cáo gửi đến UBND TP Hà Nội và Ban Tuyên giáo Thành ủy về hoạt động kiểm tra xử phạt đối với các cơ sở ở Đình Xuyên. Và UBND TP Hà Nội đã có văn bản cho các đơn vị được hoàn thiện tiếp tục duy trì hoạt động ở đó cho đến khi có dự án khu làng nghề về ván ép. Sau khi hoàn thiện thì tất cả các cơ sở sẽ di chuyển ra đấy”, vị này cho hay.

Cũng theo vị cán bộ này cho biết, đối với vấn đề nước thải dây chuyển sản xuất không sử dụng nước và không tạo ra nước thải mà chỉ có nước thải sinh hoạt, với nước thải sinh hoạt thì chỉ cần qua bể phốt và có tính chất tương đương như nước thải của các hộ gia đình vì vậy không cần làm hệ thống xử lý phức tạp(?)

Tuy nhiên, qua thực tế ghi nhận của PV một số đoạn mương nước có màu trắng đục và có mùi rất hắc đang xả thẳng ra môi trường, nghi vấn đây là nước thải trong quá trình tẩy trắng gỗ ván ép từ các cơ sở này thải ra. Ngoài ra, phía sau con mương của xưởng sản xuất của Công ty TNHH và Thương mai Long Lựu có hiện tượng khói màu trắng bốc lên nghi ngút từ mặt nước nghi có ống xả thải ngầm đang xả ra môi trường… Sau khi làm việc với vị cán bộ phòng TM&MT, vị này cũng đã đề nghị PV cung cấp clip, hình ảnh và cho biết, sẽ báo cáo với lãnh đạo huyện để tiến hành kiểm tra và nếu có vi phạm sẽ xử lý.

Bên cạnh đó, UBND huyện Gia Lâm cũng đã có văn bản yêu cầu 13 cơ sở nghiêm túc chấp hành Luật Đất đai, tuyệt đối không được mở rộng diện tích sản xuất, cam kết không phát sinh công trình xây dựng mới trên đất nông nghiệp Nội trong thời gian chờ đầu tư Cụm công nghiệp Đình Xuyên,

Trong văn bản cũng nêu rõ, Chủ tịch UBND xã Đình Xuyên chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm nếu để các cơ sở sản xuất gỗ ván ép trên địa bàn vi phạm pháp luật Bảo vệ môi trường, luật Đất đai, trật tự xây dựng, kịp thời báo cáo UBND huyện ban hành Quyết định xử phạt hành chính hoặc Quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở cố tình vi phạm.

PV Việt Nam hội nhập đã cố gắng nhiều lần liên hệ với Chủ tịch UBND xã Đình Xuyên để làm việc, tuy nhiên, vị này liên tục báo bận(?) Phải chăng ông Chủ tịch UBND xã Đình Xuyên bận đến mức không có cả thời gian để quan tâm đến đời sống của người dân trên địa bàn mình đang quản lý(?)

Chính những điều đó khiến dư luận không khỏi đặt nghi vấn, chính quyền địa phương có đang làm “ngơ” để các cơ sở sản xuất này tiếp tục vi phạm(?)  Hay có chăng, địa phương đang có chủ trương đánh đổi môi trường, cuộc sống của người dân nơi đây cho một mục đích của nhóm người nào đó, bất chấp việc ô nhiễm môi trường đang ngày ngày hiện hữu(?).

Câu hỏi này, chúng tôi xin gửi đến lãnh đạo UBND xã Đình Xuyên và UBND huyện Gia Lâm để tìm câu trả lời!