14/10/2024 lúc 08:41 (GMT+7)
Breaking News

Nỗ lực tái thiết các nguồn năng lượng ở Việt Nam và trên thế giới

Sáng 15/3, tại Hà Nội diễn ra họp báo công bố sự kiện Đại hội Năng lượng thế giới lần thứ 26 tại Việt Nam và chuỗi các hoạt động hưởng ứng sự kiện tại Việt Nam. Buổi họp báo do Hội đồng năng lượng thế giới tại Việt Nam tổ chức.

Đại hội Năng lượng Thế giới lần thứ 26 với chủ đề: “Tái thiết Năng lượng cho Con Người và Hành tinh” diễn ra từ ngày 22 đến 25 tháng 4 năm 2024 tại Rotterdam - Hà Lan là thời điểm quan trọng để các nhà lãnh đạo tham gia sâu và thực chất vào nỗ lực chung của toàn cầu cho việc tái thiết lại các nguồn năng lượng cho toàn cầu và từng vùng lãnh thổ.

Theo WEC Việt Nam, Đây là năm đầu tiên WEC và chính phủ Hà Lan mời Việt Nam vào sự kiện này để cùng tham gia bàn thảo về các vấn đề năng lượng trong tương lai.

Quang cảnh Họp báo

Hội đồng năng lượng thế giới (gọi tắt là WEC) thành lập năm 1923, là cơ quan năng lượng toàn cầu được Liên Hợp Quốc công nhận đại diện cho toàn bộ các dạng năng lượng, là đối tác chiến lược của một số tổ chức chủ chốt trong lĩnh vực năng lượng. Với hơn 3000 tổ chức thành viên trong đó có các Ủy ban quốc gia của WEC đại diện tại gần 100 quốc gia trên thế giới bao gồm các nhà lãnh đạo ngành năng lượng và được tài trợ đóng góp bởi các Ủy ban quốc gia.

Hiện tại WEC có đại diện tại Việt Nam, được cấp Giấy chứng nhận hoạt động số 455/HD-CNV ngày 15 tháng 10 năm 2019 và Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Năng lượng Thế giới. Ủy ban Việt Nam của Hội đồng Năng lượng Thế giới (WEC Việt Nam) là cầu nối, hợp tác bền vững với các tổ chức liên quan đến năng lượng, mục tiêu cuối cùng là cung cấp năng lượng Việt Nam bền vững, tiết kiệm, an toàn, có trách nhiệm và gắn kết quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Đại diện lãnh đạo WEC tại Việt Nam cho biết: Thông qua Ủy ban Việt Nam, chúng tôi tổ chức họp báo để tuyên truyền, hướng dẫn cho các cá nhân và tổ chức tại Việt Nam tham gia chương trình mang tầm quy mô toàn cầu và có cơ hội tiếp cận sâu với các vấn đề quan trọng liên quan đến năng lượng trên toàn cầu.

Nguyễn Thị Thanh Thúy phát biểu tại họp báo

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, với tình hình hiện nay và những cam kết của Việt Nam trong việc chuyển đổi tăng tốc đến Net Zero đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực cao; huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Đối với sự tham gia của chính phủ tại chương trình này sẽ có được lợi ích từ việc chia sẻ và học hỏi các chính sách và biện pháp quản lý năng lượng hiệu quả từ các quốc gia khác.

Việc tham gia Đại hội Năng lượng Thế giới lần thứ 26 này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các xu hướng mới nhất trong lĩnh vực năng lượng, các nguồn lực tài chính toàn cầu, từ đó có thể phát triển các giải pháp và sản phẩm sử dụng năng lượng sạch và hiệu quả hơn. Điều này không chỉ tạo ra cơ hội kinh doanh mới mà còn giúp doanh nghiệp thúc đẩy sự cạnh tranh quốc tế và thúc đẩy phát triển bền vững

Dựa trên chiến lược WEC toàn cầu góp phần để đủ 1 tỷ người biết đến về năng lượng và môi trường, chuyển đổi 100 triệu việc làm sang nghề nghiệp xanh tăng tốc đến Net zero.

Nhân sự kiện này, WEC Việt Nam phát động chuỗi dự án “Trường kỳ xanh – Bù đắp dấu chân Carbon’’ Gồm các chương trình như sau: Truyền thông tín chỉ Carbon, sàn giao dịch Carbon và cộng đồng tín chỉ Carbon toàn cầu; Tham gia Phong trào 1 tỷ cây xanh để đảo ngược khủng hoảng khí hậu toàn cầu; Giải pháp năng lượng bản địa – Khi năng lượng xanh đáp ứng lượng Carbon bù đắp; Dự án cộng đồng “Hành trình Xanh Việt Nam” nhằm tuyên truyền, tư vấn tới cộng đồng tạo tác động xã hội, thúc đẩy quá trình chuyển đồi kép về năng lượng hướng tới mục tiêu quốc gia đến năm 2050; Dự án: Chuyển đổi xanh cấp thành phố (Trong bản đồ năng lượng xanh 64 tỉnh thành); Dự án “Học viện Năng lượng thế giới tại Việt Nam”; Dự án “Nghiên cứu ứng dụng Hydrogen (thay thế hoàn toàn khí tự nhiên tạo ra các giải pháp năng lượng ít Carbon hoặc thậm trí không có Carbon).

Ký kết hợp tác giữa WEC Việt Nam và Công ty Luật TNHH Vietthink

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy kỳ vọng thông qua buổi họp báo, WEC Việt Nam kỳ vọng và mong muốn các bộ, ngành, địa phương, các Tổ chức Tài chính - Chính trị xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông chủ động tham gia mạng lưới Năng lượng toàn cầu nhằm giải quyết các thách thức của toàn bộ hệ thống năng lượng. Đặc biệt Đại hội Năng lượng Thế giới tại Rotterdam - Hà Lan có sự tham dự và phát biểu, tọa đàm cùng các Nhà Lãnh đạo và Bộ trưởng của các quốc gia thành viên về chính sách năng lượng.

Ông Trần Đình Quyền - Chủ tịch Tập đoàn Tín Thành phát biểu tại họp báo

Ông Trần Đình Quyền - Chủ tịch Tập đoàn Tín Thành phát biểu chia sẻ tại họp báo: Chuyển đổi xanh và phát triển năng lượng tái tạo là một trong những mục tiêu quốc gia của Việt Nam để đạt được cam kết quốc tế về đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Bên cạnh đó, năm 2022 Việt Nam đã ký cam kết tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Với những cam kết trên, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của quốc tế về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Chúng tôi tin tưởng với sự hiện diện và những hoạt động tích cực của những tổ chức như WEC Việt Nam sẽ tạo ra những giá trị thiết thực trong việc phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam đạt được các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường – Ông Trần Đình Quyền nói.

Ông Phạm Sanh Châu phát biểu tại họp báo

Ông Phạm Sanh Châu - Nguyên đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ - Ban Cố vấn của WEC Việt Nam chia sẻ: Việt Nam đã có nhiều tuyên bố chính trị nhưng để cụ thể hóa trong chính sách và hành động vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Tại một số nước đã có những quy định đến 2030 cấm xe xăng hoạt động. Đã đến lúc nếu không sản xuất xanh, giảm phát thải trong quá trình sản xuất thì hàng hóa của Việt Nam sẽ bị những "rào cản" liên quan đến các quy định về phát triển xanh, sản xuất xanh, dấu chân carbon... Hiện chúng ta mới chỉ chú trọng đến tín chỉ xanh, đây là bước đầu nhưng vẫn còn manh mún. WEC Việt Nam sẽ giúp và hướng dẫn chúng ta cách sử dụng năng lượng xanh an toàn, tạo điều kiện cho người yếu thế trong xã hội có thể tiếp cận được năng lượng xanh với chi phí phù hợp...

Duy An

...