08/11/2024 lúc 13:48 (GMT+7)
Breaking News

Đưa du lịch Nam Định thành ngành kinh tế mũi nhọn

Nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, Nam Định là vùng quê bảo lưu được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đây chính là tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện với du khách muôn phương.

Nhằm tôn vinh, quảng bá những tinh túy của món phở bò truyền thống của quê hương với du khách thập phương, vừa qua Nam Định đã tổ chức chương trình "Ngày của Phở 12-12". Sự kiện này không chỉ thu hút hàng nghìn người dân địa phương, du khách xa gần mà còn có sự tham gia của hàng chục nữ đại sứ, phu nhân đại sứ, các nhà ngoại giao của nhiều nước trên thế giới đang công tác tại Việt Nam đến với Thành Nam để trải nghiệm phở Việt tại thành phố Nam Định và làng nghề phở Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực. Tại Gala “Ngày của phở”, các thực khách được trải nghiệm và thưởng thức các loại phở đại diện cho từng vùng, miền của đất nước Việt Nam mến khách. Đó là Phở Vượng - đại diện phở miền Bắc, Phở Xưa đại diện cho phở Nam Định, Phở H’Mông đại diện phở vùng cao, Phở 34 Cao Thắng đại diện cho phở miền Nam, Phở Hoa Hồi Vàng - từ Úc trở về đại diện cho phở Việt Nam ở nước ngoài… Bên cạnh việc phục vụ phở, gian hàng phở, các sự kiện còn lồng ghép các tiết mục biểu diễn múa khèn, thổi sáo, kèn lá để giới thiệu về văn hóa vùng cao với các vị khách mời. Ngoài việc “thưởng” phở, các đại biểu tham dự còn được trải nghiệm quy trình làm phở truyền thống; được lắng nghe các nghệ nhân cao tuổi chia sẻ về lịch sử phát triển của nghề phở làng Giao Cù và làng Vân Cù là những làng phở cổ tuổi nghề cả trăm năm có nhiều gia đình, dòng họ đã có 4-5 đời gắn bó với nghề phở, đưa món phở đi khắp nơi trong và ngoài nước…

Hàng nghìn du khách xa gần tham gia Gala "Ngày của phở" tại thành phố Nam Định
Hàng nghìn du khách xa gần tham gia Gala "Ngày của phở" tại thành phố Nam Định

Đây chỉ là một trong rất nhiều sự kiện nằm trong chương trình quảng bá, tôn vinh những tinh hoa nghệ thuật văn hóa, ẩm thực của đất và người Nam Định nhằm thu hút du khách đến với quê hương, nhất là sau đại dịch COVID-19. Để khai thác tốt tiềm năng, phát huy thế mạnh đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đã chú trọng chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đơn vị, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư về xây dựng phong trào ứng xử văn minh du lịch theo Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch của Bộ VH, TT và DL. Các nội dung nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển du lịch bền vững, bảo vệ di sản, kỹ năng giao tiếp, ứng xử được lồng ghép phổ biến trong các hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch. Phối hợp với các cơ quan báo chí của Trung ương, của tỉnh xây dựng các chương trình, chuyên mục tuyên truyền, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch; phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về hoạt động du lịch, nhân rộng mô hình hay, điển hình tốt về phát triển du lịch địa phương, cộng đồng du lịch văn minh thân thiện; khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho phát triển du lịch.

Ban tổ chức cuộc thi "Đi tìm người nấu phỏ ngon năm 2022" công bố người đạt giải

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, Nam Định tích cực cơ cấu lại ngành Du lịch để phục hồi và tiếp tục phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế của du lịch trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Việc cơ cấu được thực hiện theo hướng bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững, trong đó hướng vào đối tượng du khách chủ yếu, thị trường khách trọng điểm để có hướng tiếp cận, xúc tiến, quảng bá. Xác định địa bàn trọng điểm phát triển du lịch và sản phẩm du lịch đặc thù để có kế hoạch đầu tư phát triển, tránh tình trạng đầu tư dàn trải gây lãng phí, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp. Theo đó, Nam Định đã tập trung phát triển loại hình du lịch biển, sinh thái, cộng đồng, nghỉ dưỡng với các sản phẩm du lịch: tham quan vùng bờ, các cồn nổi ngoài biển, các vùng đất ngập nước thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh đồng bằng sông Hồng, nghỉ mát, tắm biển, du lịch điền dã homestay. Điểm nhấn của loại hình du lịch biển là Vườn quốc gia Xuân Thủy, vùng đất ngập nước cửa sông Đáy, cửa sông Ninh Cơ, cửa Ba Lạt; các khu du lịch biển Thịnh Long, Quất Lâm, những cánh đồng muối ở các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng; trải nghiệm đời sống của ngư dân ven biển tại điểm du lịch cộng đồng xã Giao Xuân, khu nhà thờ đổ xã Hải Lý... Về loại hình du lịch văn hóa, Nam Định có các sản phẩm du lịch tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, tham dự các lễ hội truyền thống. Trong đó, điểm nhấn là cụm di tích Đền Trần - Chùa Phổ Minh gắn với lễ hội Trần (thành phố Nam Định); di tích, lễ hội chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường); quần thể di tích, lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản); di tích cầu Ngói, lễ hội chùa Lương (Hải Hậu); di tích, lễ hội chùa Cổ Lễ (Trực Ninh)... Ngoài ra, Nam Định còn có du lịch làng nghề truyền thống gắn với các sản phẩm hàng hóa mang đặc trưng vùng, miền. Bên cạnh việc tăng cường quản lý điểm đến, thiết lập an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch, huy động cộng đồng địa phương tham gia cung cấp dịch vụ du lịch, bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường du lịch Nam Định thân thiện, tỉnh đã đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất, kỹ thuật ngành Du lịch. Từ sự hỗ trợ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Du lịch của Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác của địa phương đã góp phần làm thay đổi diện mạo các khu, điểm du lịch tại các địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, việc đầu tư, xây dựng, cải tạo hạ tầng giao thông tạo sự kết nối đồng bộ, thuận lợi cho việc giao thương đã giúp du khách tiếp cận nhanh, dễ dang với các địa điểm tham quan du lịch, góp phần thu hút các doanh nghiệp quan tâm khai thác thị trường du lịch của tỉnh.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định tham quan, tìm hiểu phát triển điểm tham quan du lịch làng nghề truyền thống sản xuất kèn đồng xã Hải Minh (Hải Hậu)

Nhằm thu hút khách du lịch, các địa phương đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn nghiên cứu hình thức phù hợp để lồng ghép các môn nghệ thuật truyền thống như: hát chèo, hát văn, múa rối nước... vào phục vụ ở các khu, điểm du lịch; phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” nhằm tạo ra những sản phẩm quà tặng đặc trưng vùng miền mà du khách trải nghiệm. Với sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng trong khuôn khổ Dự án “Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy” đã đạt được những kết quả tích cực tại xã Giao Xuân (Giao Thủy) và đang được nhân rộng ra các xã vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy. Mô hình du lịch cộng đồng Ecohost Hải Hậu đã được triển khai tại thị trấn Yên Định (Hải Hậu). Mô hình đã tái dựng lại những ngôi nhà truyền thống, sử dụng chất liệu tự nhiên trong kiến trúc, nhà có khuôn viên, sân vườn thoáng đãng, gọn gàng, sạch đẹp, tiện nghi. Ecohost Hải Hậu được đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 4 sao và trở thành đầu mối tiêu thụ các loại hàng nông sản truyền thồng của địa phương, góp phần gia tăng lợi nhuận cho người dân, đồng thời thúc đẩy việc xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch. Ngoài ra một số khu, điểm du lịch có sự tham gia tích cực của người dân như: làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực); ươm tơ Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh); kèn đồng Phạm Pháo, xã Hải Minh (Hải Hậu); muối Bạch Long, xã Bạch Long (Giao Thủy), đúc đồng Tống Xá, thị trấn Lâm và làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên)...

Hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối liên vùng và các địa phương trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Nam Định phát triển

Có thể thấy, sự gia tăng về quy mô, loại hình du lịch kéo theo số lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực này cũng gia tăng song chất lượng nguồn nhân lực lại không đồng đều. Số liệu tổng hợp cho thấy, số lao động có trình độ đại học, cao đẳng chỉ chiếm 8,5%, trung cấp 15-20%, còn lại là lao động có trình độ sơ cấp và lao động phổ thông. Hơn nữa, thời gian qua hệ thống sản phẩm du lịch biển ở Nam Định ít có thay đổi và dần đã trở nên “quá quen” đối với phần lớn khách du lịch. Để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hàng năm, ngành VH, TT và DL Nam Định phối hợp với Tổng cục Du lịch, các trường cao đẳng, đại học tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về phát triển nguồn nhân lực du lịch với các địa phương, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng giao tiếp, ứng xử theo hướng chuẩn hóa. Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ.

Du lịch miệt vườn đang được Nam Định quan tâm thúc đẩy (Trong ảnh: Du khách tham quan làng hoa, cây cảnh Điền Xá, xã Điền Xá, huyện Nam Trực)

Hy vọng rằng, với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, du lịch Nam Định sẽ tiếp tục khởi sắc, trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của du khách./.

Đại diện Nam đồng bằng sông Hồng