Sau khi tỉnh Phú Thọ tổ chức trọng thể Lễ khánh thành bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại Đoàn quân Tiên Phong” bằng chất liệu đồng đỏ và Lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ, hàng ngày, rất đông đồng bào và du khách đã đến các đền trong khu di tích dâng hương hoa, lễ vật tưởng nhớ tiền nhân, đến trước không gian bức phù điêu dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh với lời dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Nổi bật, trong ngày chủ nhật 14-4-2024, tức mùng 6 tháng Ba âm lịch, riêng ở Đền Hùng ước tính có hơn 20 nghìn người lên các đền thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tham quan Hội trại Văn hóa, xem triển lãm tranh, hòa mình vào các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc vùng đất Tổ.
Trong khuôn viên các trại văn hóa và sân khấu nhỏ, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ tiếp nối nhau liên tục trong tiếng vỗ tay cổ vũ của người xem. Tiết mục trình diễn của các đội dân ca, dân vũ, văn nghệ quần chúng của đồng bào dân tộc thiểu số đến từ các huyện miền núi Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng…cũng như các sản vật được xếp hạng OCOP của các địa phương đã tô đậm bản sắc cho các không gian văn hóa. Trại nhà sàn của Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập; sân khấu hát Xoan của Việt Trì, Phù Ninh, Lâm Thao; góc đu tiên của đồng bào Cao Lan tại trại Đoan Hùng…, tất cả làm nên sự đa dạng trong tổng thể không gian văn hóa Lễ hội. Các trại văn hóa được bố trí trên một quả đồi ngập tràn sắc hoa hướng dương, dưới hồ nước là sân khấu múa rối các suất diễn trong ngày đều rất đông người xem; hồ bơi thuyền Thiên Nga luôn náo nhiệt...
Với sự phân luồng chủ động và hướng dẫn của lực lượng cảnh sát giao thông, dòng người và xe từ đại lộ Nguyễn Tất Thành lên, từ các ngả phía Tây Bắc hợp vào đường 32 C xuống không bị lộn xộn và ùn tắc. Sau khi gửi phương tiện vào các bãi đỗ xe rộng rãi sẽ, du khách qua cổng chính, đi dọc sân hành lễ lên đền hoặc dừng lại ở các không gian văn hóa. Không gian hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại Khu di tích Đền Hùng bao gồm các sân khấu lớn, nhỏ dành cho các sự kiện tương ứng như “Hội Xoan – về miền di sản”, “Liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ”. “Đánh trống đồng, đâm đuống”, “Giao lưu văn hóa, văn nghệ”…luôn có sự tương tác giữa các nghệ sĩ, diễn viên với khán giả. Tại Bảo tàng Hùng Vương, Hội Văn học nghệ thuật hai tỉnh Phú Thọ và Yên Bái tổ chức Triển lãm mỹ thuật “Đất nước, con người Phú Thọ” và không gian biểu diễn thể dục thể thao và các trò chơi dân gian, đánh trống đồng, đâm đuống… Phía ngã năm Đền Giếng tổ chức trưng bày hoa lan nghệ thuật. Tại nhà biểu diễn và đón tiếp khách du lịch luôn sẵn sàng các chương trình biểu diễn nghệ thuật dành cho khách tham quan…
Trong ngày 15-4, tức mùng 7 tháng Ba âm lịch, theo trục hành lễ từ cổng Khu di tích lên các đền trên núi Nghĩa Lĩnh, 6 xã vùng ven Đền Hùng đã tổ chức lễ rước kiệu với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách. Mỗi nơi một loại kiệu, một nghi thức, một đội hình với trang phục riêng, đậm đà bản sắc gắn với các truyền thuyết Hùng Vương…, nhưng tất cả đều thể hiện lòng thành kính, tri ân tổ tiên nguồn cội và các vua Hùng có công dựng nước. Cùng với lễ rước kiệu là màn trình diễn múa Lân – Sư – Rồng có tính nghệ thuật cao, thu hút đông đảo người xem.
Khác với các năm trước, Lễ hội Đền Hùng năm nay được gắn với các hoạt động của Tuần Văn hóa du lịch đất Tổ. Nhằm tôn vinh và giữ gìn giá trị của di sản Hát Xoan, ngoài phần biểu diễn đan xen tại các sân khấu văn nghệ, bốn phường Xoan gốc ở thành phố Việt Trì duy trì chương trình “Hát Xoan làng cổ tại Đình Thét, Đình An Thái, Đình Hùng Lô, Miếu Lãi Lèn do các nghệ nhân và người dân địa phương biểu diễn phục vụ du khách, trong đó có khá đông du khách là người nước ngoài. Lần đầu tiên, ngành Văn hóa, thể thao, du lịch Phú Thọ tổ chức các tuor du lịch “Đêm Đền Hùng” và “Về miền di sản UNESCO ghi danh”, qua trải nghiệm đã tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách. Nhiều sản phẩm nông nghiệp và các mặt hàng trương bày tại 350 gian hàng Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ đã được người tiêu dùng lựa chọn; trong đó một số trở thành sản phẩm du lịch, quà lưu niệm…
Những ngày Lễ hội Đền Hùng, Việt Trì rõ nét hơn là “thành phố du lịch về với cội nguồn dân tộc Việt Nam”. Nhiều địa điểm như hai sân khấu ven hồ Công viên Văn Lang, Quảng trường Hùng Vương, Bảo tàng Hùng Vương và các trục đường chính: Hùng Vương, Nguyễn Tất Thành, Trần Phú… là nơi diễn ra các chương trình giao lưu ca múa nhạc, khiêu vũ, âm nhạc đường phố…có sự tham gia của đông đảo công chúng. Mặt nước hỗ Công viên Văn Lang dậy sóng trong Giải bơi chải mở rộng của thành phố Việt Trì và sự cổ vũ nồng nhiệt của người xem.
Hội tụ các nút giao thông từ Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Tuyên Quang - Phú Thọ và các ngả Quốc lộ, tỉnh lộ và qua các cây cầu Việt Trì, Hạc Trì, Văn Lang, Vĩnh Phú, Phong Châu, Trung Hà, Đồng Quang…; Đền Hùng, Việt Trì là điểm hẹn tâm linh, du lịch về miền đất Tổ.
Trong những ngày tới, nhất là ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba, cũng như mọi năm, người dân Phú Thọ thay mặt đồng bào cả nước mở lòng đón triệu triệu con Lạc cháu Hồng về Giỗ Tổ. Đồng bào sẽ có cơ hội hòa mình vào không gian văn hóa nơi đất Tổ Hùng Vương để thấy nơi cội nguồn dân tộc đang hội nhập và phát triển nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống…
Nguyễn Sản