Dự báo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xu hướng kinh tế thế giới có nhiều biến chuyển, tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội trong nước. Bối cảnh thế giới và khu vực trong thời kỳ mới sẽ đem lại những thuận lợi, thời cơ, khó khăn và thách thức, đặt ra yêu cầu mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Một số giải pháp được đề xuất nhằm tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm hướng tới một xã hội thịnh vượng có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, có khả năng cạnh tranh, và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu; đến năm 2045, trở thành nước có thu nhập cao trên thế giới.
Những thành tựu nổi bật đạt được
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được thành tựu phát triển ấn tượng với những kết quả nổi bật. Quy mô kinh tế gấp nhiều lần so với năm 1986, được xếp hạng trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; GDP bình quân đầu người năm sau luôn cao hơn năm trước, thứ hạng ngày càng được cải thiện trong bảng xếp hạng thế giới; năng suất lao động của Việt Nam liên tục gia tăng cả về giá trị và tốc độ, gấp hơn 96 lần, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa gấp hơn 368 lần; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện gấp 52,3 lần; tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước được tăng cường; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông phát triển; hệ thống giáo dục đại học được mở rộng, phát triển mạnh, đào tạo được đội ngũ lao động có trình độ đại học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ngành Y tế không chỉ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của nhân dân mà còn có đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền y học thế giới; tăng trưởng kinh tế đã cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng giai đoạn phát triển. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, trong đó có 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bao gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Những thành tựu của công cuộc đổi mới kể trên là kết quả của quá trình phấn đấu liên tục của đất nước ta dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, có hiệu quả, kịp thời của Đảng, Chính phủ và hệ thống chính trị. Đây là tiền đề quan trọng, tạo ra tiềm lực, sức mạnh, niềm tin vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong tương lai.
Dự báo bối cảnh, tình hình, thời cơ, thách thức trong nước những năm tới
Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược, xung đột diễn ra dưới những hình thức mới và gay gắt hơn. Những vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống như: An ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh tài chính, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… diễn biến nghiêm trọng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đang là hai xu thế lớn, chi phối sâu sắc tiến trình phát triển của nhân loại. Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; chuyển dịch từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sẽ là xu thế rõ nét hơn trong thời kỳ tới.
Xu hướng thay đổi của tình hình thế giới, khu vực đem lại cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong ngắn hạn, môi trường quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định cho quá trình phát triển, đòi hỏi Việt Nam phải khẩn trương nâng cao công tác dự báo và tăng cường năng lực nội tại để kịp thời xử lý được những tình huống phức tạp nảy sinh. Trong dài hạn, nhìn chung các xu hướng phát triển có ảnh hưởng tích cực cho sự phát triển của Việt Nam. Các chương trình nghị sự về tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế nhân văn của thế giới gợi mở cho Việt Nam tư duy và tầm nhìn mới để đảm bảo công bằng và hoà nhập trong việc hưởng thụ các thành quả của tăng trưởng. Dự báo tình hình trong nước trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 như sau:
Về chính trị
Đất nước ta tiếp tục kiên định nền tảng tư tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố vững mạnh, hiệu quả Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được nâng cao; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được củng cố mở rộng, quyền con người được tôn trọng, bảo đảm, là tiền đề phát triển, giải phóng mọi năng lực sáng tạo của con người.
Về kinh tế
Nền kinh tế nước ta tiếp tục vận hành theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngày càng hiện đại, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của thị trường; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Xu hướng đổi mới và cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn làm nhiệm vụ trọng tâm. Mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế sẽ có xu hướng thay đổi rõ nét, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản: Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm, tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5% - 6%/năm; tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Đến năm 2045, ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng sinh thái, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới.
Về phát triển công nghiệp: Đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp. Giai đoạn 2030 - 2045, tập trung ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; phổ cập công nghệ kỹ thuật số, tự động hoá, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.
Về dịch vụ: Ngành dịch vụ được phát triển dựa trên công nghệ hiện đại, ứng dụng các thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, logistics, thương mại, du lịch... Duy trì tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP; tăng dần tỷ trọng dịch vụ trong GDP.
Nhờ tận dụng được tác động tích cực từ xu hướng toàn cầu hoá và kinh tế số, cùng với nỗ lực của toàn nền kinh tế, kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định, mô hình tăng trưởng kinh tế dần chuyển đổi, mặc dù giai đoạn 2021-2025 vẫn chủ yếu vẫn dựa vào những động lực tăng trưởng kinh tế cũ nhưng chất lượng, hiệu quả nền kinh tế được cải thiện hơn. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới ban đầu sẽ còn chậm do gặp khó khăn từ cơ sở hạ tầng, thể chế kinh tế nên chưa phát huy được hiệu lực ngay trong những năm đầu của giai đoạn 2026-2030.
Dựa trên bối cảnh, xu hướng vận động, tình hình phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, dự báo một số chỉ tiêu vĩ mô trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như sau:
Đến năm 2030: Tốc độ tăng kinh tế Việt Nam có thể đạt trung bình ở mức 7,5%/năm vào giai đoạn 2026-2030, bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 6,75%/năm, thấp hơn mục tiêu đặt ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 (khoảng 7%/năm). GDP bình quân đầu người đến năm 2030 dự kiến đạt khoảng 7.500 USD, có khả năng đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030. Đồng thời, theo tiêu chí phân loại hiện nay của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể bước vào ngưỡng các quốc gia thu nhập trung bình cao. Quy mô GDP năm 2030 dự báo đạt khoảng 800 tỷ USD, gấp 2,4 lần năm 2020. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đi đúng hướng, hiệu quả hơn, đem lại giá trị gia tăng lớn và đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Trong ngành công nghiệp, tỷ trọng ngành khai khoáng tiếp tục giảm; tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, đóng vai trò là động lực tăng trưởng với trình độ công nghệ ngày càng nâng cao; hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh và giữ vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế. Năng suất lao động đến năm 2030 đạt khoảng 400 triệu đồng/lao động, tương đương với 14,8 nghìn USD/lao động; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 5,7%. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng để nâng cao năng suất lao động, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế; nhiều mô hình kinh doanh mới xuất hiện, kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch của Việt Nam được cải thiện, các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh bị bãi bỏ. Đến năm 2030, phấn đấu được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu về môi trường kinh doanh trên thế giới.
Đến năm 2045, nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Quy mô GDP năm 2045 đạt khoảng 2.400 tỷ USD, gấp 3 lần quy mô năm 2030 và gấp 6,9 lần năm 2020. GDP bình quân đầu người dự báo đạt khoảng 19.000 USD, gấp 2,5 lần năm 2030 và gấp khoảng 5,4 lần năm 2020. Với mức GDP bình quân đầu người như vậy, nước ta sẽ gia nhập nhóm các nước có thu nhập cao theo tiêu chí phân loại của Ngân hàng Thế giới. Năng suất lao động theo giá hiện hành đến năm 2045 dự báo đạt khoảng 42.000 USD, gấp 2,8 lần năm 2030 và gấp khoảng 5 lần năm 2020.
Về văn hóa, xã hội, phát triển con người
Xu hướng phát triển trong thời gian tới sẽ đem lại những thuận lợi, thời cơ phát triển văn hóa xã hội và con người Việt Nam. Trong đó, hòa bình, hợp tác, phát triển, toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, hội nhập và phát triển văn hóa. Xu hướng phát triển văn hóa nói chung là đa dạng hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa và ngày càng mang tính thực dụng. Tuy vậy, chức năng giáo dục, định hướng thẩm mỹ vẫn có cơ hội được khẳng định, tạo nên những giá trị văn hóa mang tính nhân văn, cao đẹp. Dự báo dân số đến năm 2030, tỷ lệ dân số sống ở khu vực thành thị của Việt Nam là 50%, phù hợp với mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030; chuyển từ thời kỳ “già hóa dân số” sang thời kỳ “dân số già” vào năm 2036. Dưới ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0, thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng vì sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động. Nhu cầu về lao động chất lượng cao tăng lên và nhu cầu về lao động phổ thông và trình độ tay nghề bậc trung và thấp sẽ sụt giảm rất nhanh. CMCN 4.0 sẽ tạo ra khoảng 2 triệu việc làm mới trong các ngành công nghệ cao và tự động hóa, nhưng sẽ làm biến mất khoảng 7 triệu việc làm trong các ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông và lao động trình độ thấp.
Về giáo dục: Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục định hướng chính sách nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhằm phát triển năng lực sáng tạo, tư duy độc lập, kỹ năng nghề nghiệp và tác phong công nghiệp của người lao động, khả năng thích ứng với những biến động của thị trường lao động, nâng cao kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ để có thể cạnh tranh với lao động của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Phát triển chương trình học hiện đại và phương pháp giảng dạy sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ; học tập trực tuyến và sử dụng công nghệ trong giảng dạy.
Về y tế: Các nền tảng y tế số được tập trung nghiên cứu nhằm xây dựng hệ thống thông tin y tế phục vụ cho việc hoạt động khám chữa bệnh, quản lý khám chữa bệnh thông minh tại các cơ sở y tế. Sự phát triển của khoa học công nghệ sẽ giúp cho việc phát hiện và chẩn đoán bệnh sớm, chính xác hơn, góp phần giảm bớt chi phí điều trị. Các giải pháp y tế dự phòng được chú trọng, ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe phi truyền thống phát triển để đáp ứng nhu cầu người bệnh.
Về khoa học công nghệ: Xu hướng phát triển khoa học công nghệ sẽ tập trung theo hướng nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả chuyên gia khoa học và công nghệ là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường khoa học và công nghệ của Việt Nam; xây dựng cơ chế, chính sách liên thông thị trường khoa học và công nghệ với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính và lao động; đẩy mạnh hợp tác viện, trường - doanh nghiệp - người lao động; xây dựng các chính sách thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh.
Về quốc phòng, an ninh
Xu thế tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh; chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh phù hợp với tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc; tạo lập các quan hệ đốì tác tin cậy, bền vững, cùng có lợi; tích cực tham gia vào quá trình gắn kết Việt Nam với các nước khác trong mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh.
Về hội nhập quốc tế, đối ngoại
Việt Nam tiếp tục kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Thế và lực của đất nước được giữ vững và ngày càng lên cao. Vai trò của Việt Nam được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hợp tác, phát triển, hoà bình thế giới và khu vực.
Giải pháp, kiến nghị đối với việc tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới
Ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng: Để ổn định kinh tế vĩ mô, công tác điều hành chính sách tiền tệ cần luôn phải chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; cân bằng hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo: Xây dựng một chiến lược quốc gia về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ, đặc biệt là cho các lĩnh vực ưu tiên, chiến lược và tiềm năng; Thúc đẩy liên kết giữa các bên liên quan trong hệ sinh thái khoa học và công nghệ, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp, trường học, viện nghiên cứu và cộng đồng nhằm tạo ra một chuỗi giá trị khoa học và công nghệ liên tục, từ việc nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng và thương mại hóa.
Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo: Tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo để xây dựng hệ thống giáo dục đa dạng và bền vững; phát triển về năng lực giáo viên và giảng viên để đủ khả năng chuyển đạt kiến thức và kỹ năng mới nhất cho học sinh và sinh viên; tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo và phát triển kỹ thuật, đồng thời giúp học sinh và sinh viên có cơ hội tiếp cận thực tế; thúc đẩy nghiên cứu và sáng tạo trong hệ thống giáo dục nhằm đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển: Kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng và kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trọng việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng. Tăng cường liên kết vùng; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế biển bền vững; xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất ven biển dựa vào lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế vùng, kinh tế biển.
Phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa; phát triển nguồn nhân lực, xây dựng con người mới với trình độ, kỹ năng, tác phong công nghiệp để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai: Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên; tập trung phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; đánh giá tác động, mức độ dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội: Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ; thực hiện kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh vì lợi ích quốc gia và trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc.
Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế: Đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương; triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và sáng tạo hơn nữa công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, tích cực nắm bắt các cơ hội to lớn về khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, chuyển đổi số, phát triển xanh; tiếp tục quán triệt sâu sắc và tích cực triển khai đường lối của Đảng về đối ngoại và đối ngoại nhân dân, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế.
Khái quát lại, kể từ khi thực hiện sự nghiệp đổi mới đến nay, tuy vẫn còn tồn tại những hạn chế nhưng nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử trên các mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, làm thay đổi căn bản bộ mặt của đất nước. Từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, qua quá trình phấn đấu, chuyển đổi mô hình, hoàn thiện môi trường thể chế, kinh doanh, hội nhập kinh tế sâu rộng, đến nay nền kinh tế nước ta từng bước gia tăng về quy mô; được xếp vào hàng ngũ các nền kinh tế có mức tăng trưởng cao trên thế giới; trở thành một nước có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, đem lại thời cơ, thách thức tới sự phát triển mọi mặt của đất nước. Việc thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới cần có sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt, kịp thời của Đảng, Chính phủ, toàn bộ hệ thống chính trị, cùng với sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân là nền tảng quan trọng để hướng đến một xã hội thịnh vượng, thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao vào năm 2030; đến năm 2045 là trở thành quốc gia phát triển, thuộc nhóm các nước có thu nhập cao./.
TS. Nguyễn Thị Hương
Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê