22/11/2024 lúc 16:15 (GMT+7)
Breaking News

Dự án đường Vành đai 4 - Động lực bứt phá mới

Việc xây dựng tuyến Vành đai 4 dự kiến tạo một trục giao thông hữu hiệu để phân luồng giao thông liên tỉnh khi đi qua Hà Nội, góp phần giảm áp lực cho nội đô.

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường vành đai 4 – vùng thủ đô Hà, yêu cầu ba địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần, hoàn thành trước 31/1/2023; đảm bảo khởi công tuyến đường vào tháng 6/2023.

Dự án đường Vành đai 4 - Động lực bứt phá mới

Dự án đường vành đai 4 – vùng Thủ đô: động lực mới – bứt phá mới (Ảnh: Internet)

Dự án có chiều dài 112,8 km, trong đó TP Hà Nội 58,2 km, tỉnh Hưng Yên 19km, tỉnh Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối quốc lộ 18 dài 9,7 km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng. Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 41.860 tỷ đồng, bao gồm hơn 19.380 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 22.470 tỷ đồng (Hà Nội hơn 19.470 tỷ; Hưng Yên 1.000 tỷ; Bắc Ninh 2.000 tỷ).

Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 hơn 14.500 tỷ đồng, bao gồm 8.790 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương; nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 5.710 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp hơn 29.440 tỷ đồng.

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo triển khai Dự án Vành đai 4 lãnh đạo các quận, huyện đều cam kết trong tháng 6 tới sẽ bàn giao ít nhất là 70 - 90% mặt bằng sạch để kịp khởi công dự án vào tháng 6 năm 2023.

Tuy nhiên, hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên hiện đang chậm giải phóng mặt bằng do vướng mắc về thủ tục. Khả năng chỉ giải phóng được từ 30 - 50% nên dự kiến sẽ khó để cùng khởi công đồng loạt với Hà Nội vào cùng một thời điểm.

Dự án đường Vành đai 4 - Động lực bứt phá mới

Đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô khởi công vào tháng 6 (Ảnh: Internet)

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc xây dựng tuyến Vành đai 4 là rất cần thiết nên phải bố trí vốn làm sớm. Khi triển khai dự án tránh tình trạng thiếu vốn, chậm mặt bằng kéo dài dẫn đến chậm tiến độ. 

“Lẽ ra giao thông phải đi trước một bước, nhưng hiện nay ở nước ta do thiếu nguồn lực đầu tư nên “đi chậm” hơn với quy mô phát triển đô thị. Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị cũng đề ra mục tiêu đến 2027 dự án Vành đai 4 sẽ hoàn thành, thời gian không còn nhiều nên chúng ta cần phải quyết tâm làm ngay”.

Vành đai 4 phải kết hợp cả phương án đi cao và đi thấp, thậm chí một số đoạn có thể phải đi ngầm. Với nhu cầu phát triển của Thủ đô lớn và nhanh như hiện nay nếu không có dự báo và thiết kế phù hợp thì sẽ bị hạn chế năng lực thông xe. 

Việc xây dựng đường đi cao không phải lãng phí mà để tốc độ lưu thông nhanh và có thêm quỹ đất làm thêm đường song hành bên dưới phục vụ nhu cầu đi lại vào nội đô thuận tiện.

Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và rất cấp bách, góp phần mở rộng không gian phát triển thủ đô, tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường. Dự án còn tăng cường khả năng kết nối, tác động lan tỏa liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng không những đối với TP Hà Nội và các tỉnh có đường vành đai đi qua mà thúc đẩy phát triển của các tỉnh trong vùng thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Theo một số chuyên gia để hoàn thành dự án Vành đai 4 theo đúng tiến độ vào năm 2027, ngoài việc bố trí đủ nguồn vốn thông qua các hình thức huy động đầu tư thì việc đảm bảo mặt bằng sạch cho dự án phải được triển khai quyết liệt, không để tình trạng dự án bị chậm do thiếu mặt bằng sạch như các dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, đường 70… hiện nay.

Tăng Nga