VNHH - Gần 117 hecta đất bỏ trống không, chẳng còn ai muốn làm nghề nữa. Hơn 500 hộ dân sống lây lất bên quốc lộ, lặng lẽ chờ cơ hội đổi đời không biết sẽ đến từ đâu. Đó là thực trạng vùng quê ấy đang đối diện, với “đầy đủ lợi thế” mà nghe qua, người ta tưởng kiếm nên vàng bạc. Đường về đồng muối Sa Huỳnh, bởi vậy càng xa rất xa!
Anh Võ Minh Vương, Phó chủ tịch huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) nói một hơi như giãi bày: “Chính quyền băn khoăn, bà con băn khoăn, các doanh nghiệp đã về đây cũng băn khoăn. Nhưng tất cả vẫn như giậm chân tại chỗ. Không phải vì thiếu sách lược hay tiềm năng, mà đất muối Sa Huỳnh, thực sự thiếu đi vị mặn cơ hội”.
Đồng muối Sa Huỳnh bỏ hoang không người canh tác nữa.
Nước mắt mặn hơn nước mắt
Theo dấu chỉ của người dân, chúng tôi lần về khu cảng cá Sa Huỳnh (Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi). Trục đường về bãi biển Hóc Mó, địa danh được ca ngợi nhất nơi đây, chạy qua cây cầu Thạnh Đức, chia phường Phổ Thạnh làm 2 mảng. Bên trái cầu là vùng đất muối Sa Huỳnh, bên trái cầu là cảng cá Sa Huỳnh. Một bên đầy ô ruộng muối, trải theo đầm Nước Mặn, lếch nhếch sình non. Một bên vương vãi ván tàu, với hàng trăm tàu cá neo đậu, sì soạp rác biển. Bà chủ quán giải khát ở đầu cầu buông câu nhận xét: “Nước mắt ở đây mặn hơn nước mắt mấy chú ơi”.
Ông Vũ Minh Tâm, Bí thư phường Phổ Thạnh tâm tư, dân làm muối ở đây hiện hơn 500 hộ, với tổng diện tích canh tác đồng muối gần 117 hecta, đều trong cảnh thu nhập bấp bênh. Địa phương đã tìm nhiều giải pháp giúp đỡ diêm dân, cụ thể năm nay triển khai hơn 3 tỷ đồng ngân sách mua bạt lót ruộng muối, tăng chất lượng sản phẩm. Nhưng bởi thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao, hạt muối Sa Huỳnh đa phần làm thủ công, nên không đáp ứng được. Mấy năm trước, tình hình đỡ hơn, người dân có thể sản xuất đạt sản lượng 6500 - 7000 tấn muối hạt; năm nay gần như không bán được nữa, diêm dân chán nản bỏ cả ruộng muối.
Ông Vũ Minh Tâm, Bí thư phường Phổ Thạnh: Diêm dân thu nhập thấp quá, đời sống bấp bênh.
Ông Trần Ngọc Thạch (khu dân cư số 5 tổ dân phố Tân Diêm, Phổ Thạnh) chia sẻ, với giá bán chưa tới 400 đồng/kg, diêm dân không đủ tiền thuê xe chở muối đi giao. Nhiều gia đình làm quanh năm, chỉ thu nhập vài triệu đồng, lao động chính chỉ được 20 ngàn đồng/ngày làm việc. Thu nhập như vậy, người dân dù muốn giữ nghề truyền thống, cũng không thể làm được. Giới trẻ ở đây, gần như phiêu dạt các nơi tìm cuộc sống mới. Những người già ở lại, chỉ có cách nhìn đồng muối thở dài.
“Nên nước mắt ở đây chảy xuống, thì hòa thêm nước muối, chỉ có mặn hơn chứ chắc chắn không nhạt hơn nước mắt nơi khác”. Ông Thạch buồn rầu nói.
Khao khát một ngày mai
Khi được hỏi về hoạch định cho tương lai người dân Phổ Thạnh, ông Tâm dứt khoát: Làm sao nâng cao đời sống người dân, là chính quyền làm ngay.
Theo ông Tâm, trước mắt, địa phương cần thu hút được các nhà đầu tư có năng lực thực sự, tổ chức lại mạng lưới sản xuất và tìm đầu ra tốt cho diêm dân. Hạt muối Sa Huỳnh cần được cải thiện theo 2 hướng, vừa nâng chất lượng, đáp ứng nhiều nhu cầu hàng hóa hơn, như phục vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, tiêu dùng ăn uống…; vừa tổ chức dịch vụ du lịch trải nghiệm trong cộng đồng. Đã có một số doanh nghiệp chú ý các điểm này, đang đầu tư về Phổ Thạnh, mở xưởng tinh chế muối, mở điểm du lịch, tham quan làm muối với diêm dân, hứa hẹn sẽ làm thay đổi đáng kể tình hình.
Vùng đất này liệu có thành đô thị văn minh hiện đại?
Song để các nhà đầu tư thuận tiện, địa phương cần cải thiện lại quy hoạch đất đai, có phương án đầu tư các khu dân cư mới. Một cách tính được đưa ra, là cải tạo các diện tích ruộng muối không còn canh tác, và đất bùn lầy ven đầm Nước Mặn, để làm khu đô thị mới, với nhiều hạng mục dân sinh. Phía cảng cá Sa Huỳnh cũng sẽ cải tạo, nạo vét luồng lạch, xây dựng đê kè, giúp thuyền bè đi lại dễ dàng, hàng hóa luân chuyển nhanh chóng.
Về cơ bản, cách quy hoạch này sẽ thu hẹp diện tích đất canh tác muối, song lại giúp người dân cải thiện hạ tầng, tăng diện mạo đô thị cùng các tiện ích khác, cũng như thay đổi đời sống kinh tế tại chỗ.
Theo anh Võ Minh Vương, cách nghĩ này được địa phương cân nhắc khá kỹ, và hiện đang cùng một số doanh nghiệp đầu tư hạ tầng đô thị xúc tiến các khu đô thị mới. Các khu đô thị này, vừa là điểm nhấn cộng đồng mới, thiết kế đầu tư hiện đại văn minh; vừa kết nối các giá trị văn hóa, mà tiêu biểu là dấu tích văn hóa Sa Huỳnh, củng cố giá trị sinh hoạt truyền thống. Cách làm này, đang được người dân ủng hộ. Ông Trần Ngọc Thạch lập luận, “đất ruộng muối nhà tôi, nếu chuyển canh tác, chỉ kiếm được 1 đồng, trả lại Nhà nước chỉ có 2 – 3 đồng, nhưng khi đền bù dự án đô thị, được nhà đầu tư trả 6 – 7 đồng, tạo vốn mưu sinh, tốt hơn nhiều so với việc cắm đầu làm muối quanh năm không khá nổi”.
Khát khao đổi đời của người dân bên cầu Thạnh Đức bao giờ thành hiện thực?
Ông Trần Trung Dũng, trưởng thôn Tân Diêm (Phổ Thạnh) chia sẻ, đất làm muối không còn canh tác, chuyển thành đất ở đô thị, vừa giúp dãn dân ra, vừa tạo nguồn vốn cho người dân sống tốt hơn. Do đó, khi các nhà đầu tư tới, người dân rất ủng hộ. Nỗi lo của họ là mất đất thì sẽ mất tất cả. Nhưng nếu là quy hoạch sử dụng hợp lý hơn, không những cải thiện điều kiện sống, mà còn vận động để phần canh tác tăng giá trị hàng hóa, rõ ràng người dân ủng hộ nhiệt tình.
“Khao khát của diêm dân Sa Huỳnh Phổ Thạnh, bởi vậy là khao khát chính đáng về một cuộc sống tốt hơn. Họ mong có những đồng muối trắng tinh như ở quá khứ cha ông, để phục vụ tốt hơn cho mọi người. Khát vọng trắng tinh ấy, như tấm lòng người dân Phổ Thạnh, mong không bị bỏ quên”. Anh Vương xúc cảm như vậy.