25/11/2024 lúc 19:11 (GMT+7)
Breaking News

Đón đại bàng làm tổ: Tìm cơ hội trong khó khăn

Thời gian vừa qua, Chính phủ cùng các Bộ Ngành đã ban hành nhiều chính sách tiền tệ, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giúp tháo gỡ vướng mắc, lấy lại đà tăng trưởng của nền kinh tế. Với tôn chỉ coi doanh nghiệp là trung tâm, Chính phủ đang nỗ lực duy trì một chính sách tài khóa mở rộng linh hoạt mang lại hiệu quả cho nền kinh tế đất nước.

Tắc “van” trái phiếu

Mới đây, phát biểu tại nghị trường Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng khi dòng chảy vốn của nền kinh tế vẫn tắc nghẽn. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng đến hết tháng 5/2023 tăng khoảng gần 3%, thấp hơn nhiều cùng kỳ năm 2022.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tín dụng tăng thấp không phải do chính sách, mà bởi doanh nghiệp không có đơn hàng, không có đầu ra. Không có lý do gì để các tổ chức tín dụng huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền, mà khi doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn lại không cho vay.

Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, trên thực tế, dù thừa vốn, ngân hàng đang có xu hướng thắt chặt điều kiện vay, định giá tài sản khắt khe thay vì “cởi mở” như những năm trước, do rủi ro tăng cao.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt nhất khiến tín dụng chảy chậm là do thị trường trái phiếu đóng băng, thị trường bất động sản lao dốc và cạn kiệt thanh khoản, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán trái phiếu, từ đó truyền dẫn sang dòng chảy vốn ngân hàng.

Theo dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong tháng 5/2023, chỉ có duy nhất Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo phát hành 4 lô trái phiếu với tổng mệnh giá là 2.600 tỷ đồng. Như vậy, suốt 2 tháng qua, doanh nghiệp gần như không thể huy động được thêm vốn mới thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) gần như không thể huy động vốn mới qua kênh trái phiếu, trong khi vẫn phải tìm mọi cách xoay xở để đáo hạn trái phiếu đến hạn.

Từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 68.130 tỷ đồng (tăng 62,4% so với cùng kỳ năm 2022), chưa kể trái phiếu đến hạn thanh toán. Tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong phần còn lại của năm 2023 là khoảng 200.000 tỷ đồng, hơn một nửa là nhóm ngành bất động sản. 

Thị trường bất động sản xấu đi, hàng loạt lĩnh vực liên quan cũng lao dốc theo khiến nợ xấu ngân hàng tăng nhanh hơn dự đoán, ngân hàng vì vậy càng siết chặt điều kiện vay.

GS-TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đây là thời kỳ doanh nghiệp rất cần tiếp sức về vốn. Lâu nay, doanh nghiệp gần như chỉ dựa vào hai nguồn vốn chính là TPDN và tín dụng ngân hàng. Do đó, nếu không có giải pháp để thị trường TPDN hoạt động bình thường trở lại, tình trạng kẹt vốn sẽ còn tiếp diễn.

Áp lực nợ xấu đè lên ngân hàng

Kết thúc quý 1/2023, dường như những khó khăn của nền kinh tế đã được phản ánh vào bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Những ai đã quá quen với tỷ lệ nợ xấu “loanh quanh 1%” lâu nay thì sẽ khá bất ngờ khi có tới 6/27 ngân hàng niêm yết có tỷ lệ nợ xấu (NPL) trên 3%, cá biệt ở một đơn vị lên tới 23%; 4/27 đơn vị nợ xấu xấp xỉ 3%…

Áp lực nợ xấu gia tăng với nhiều ngân hàng

Báo cáo tài chính quý I/2023 cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều tăng mạnh về nợ xấu, có những ngân hàng nợ xấu tăng 50 - 70%. Trong bối cảnh nợ xấu tăng, có ngân hàng chấp nhận mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro, chấp nhận lợi nhuận tăng trưởng không như ý, song cũng có ngân hàng lại giảm mạnh dự phòng (bất chấp nợ xấu tăng), nhờ vậy, lợi nhuận vẫn tăng trưởng khá đẹp.

Tại Ngân hàng OCB, nợ xấu tính tới cuối quý I/2023 tăng 51% so với đầu năm, lên hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 54%; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 55% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 49%. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,2% lên 3,3%. Lợi nhuận quý I/2023 của OCB tăng chủ yếu nhờ ngân hàng này giảm trích lập dự phòng để “làm đẹp” lợi nhuận.

Ngân hàng MB cũng đang đối mặt với nợ xấu tăng mạnh. Tại thời điểm 31/3/2023, tổng nợ xấu của MB là 8.452 tỷ đồng, tăng tới 68% so với đầu năm. Trong đó, nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu của MB tại thời điểm cuối tháng 3/2023 là 1,75%, tăng khá mạnh so với mức 1,09% cuối năm ngoái. Nợ xấu tại MB có nguy cơ còn gia tăng do tỷ lệ nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) đang tăng rất nhanh, gấp 2,1 lần cuối năm ngoái, lên mức 16.675 tỷ đồng.

Bất chấp nợ xấu tăng mạnh, MB vẫn giảm 13% trích lập dự phòng rủi ro. Đây là một trong những nguyên nhân chính giúp ngân hàng này duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận 10,2% trong bối cảnh nhiều hoạt động kinh doanh suy giảm.

Tương tự, tổng nợ xấu tại Eximbank tính tới cuối quý I/2023 tăng 30% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,8% cuối năm ngoái lên mức 2,3% cuối tháng 3/2023. Tăng trưởng lợi nhuận tại Eximbank chủ yếu nhờ dự phòng rủi ro giảm tới 42%.

Còn tại ABBank, chất lượng nợ vay đi lùi khi tổng nợ xấu tại thời điểm 31/3/2023 ghi nhận hơn 3.198 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ mức 2,88% đầu năm tăng lên 4,03%.

Ở chiều ngược lại, Ngân hàng VietinBank lại chấp nhận mức tăng trưởng lợi nhuận rất thấp trong quý I/2023 (tăng trưởng 3%), dồn lực để trích lập dự phòng rủi ro. Trong quý I/2023, dự phòng rủi ro của VietinBank tăng tới 52%, dù nợ xấu chỉ tăng chưa tới 8%.

Chất lượng tín dụng là yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Nhìn vào nhóm “big 4” có thể thấy, dù Vietcombank, VietinBank, BIDV không khác nhau quá nhiều về tổng thu nhập hoạt động, song trích lập dự phòng rủi ro chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các ngân hàng này.

Nợ xấu thấp, trích lập dự phòng rủi ro thấp, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao khiến quỹ lợi nhuận của Vietcombank gần như được bảo toàn. BIDV nhờ mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro các năm trước giúp dự phòng rủi ro năm nay giảm tới 25,2%, là động lực khiến lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng tới 58%. VietinBank năm nay tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong nhóm big 4 vì những năm trước trích lập dự phòng chưa nhiều bằng hai ngân hàng còn lại.

Có thể nhận thấy, nợ xấu đang tăng mạnh trên toàn hệ thống ngân hàng. Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021 (1,49%). Nợ xấu nội bảng của các ngân hàng được kiểm soát dưới 3%, nhưng theo Ngân hàng Nhà nước, một số khoản nợ chưa phải là nợ xấu nhưng có nguy cơ chuyển nhóm nợ, như các khoản được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ hay các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái.     

Tính tới cuối quý I/2023, nợ xấu của VPBank đã tăng lên 2,6% từ mức 2,19% cuối năm ngoái và dự kiến còn tiếp tục tăng trong quý II/2023. Nợ xấu tăng, trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của VPBank giảm tới 77% trong quý I/2023. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank kỳ vọng, với các giải pháp hỗ trợ khách hàng mà ngân hàng đang thực hiện, nợ xấu sẽ giảm đáng kể vào nửa cuối năm. Mục tiêu của VPBank là nợ xấu cả năm nay ở mức 2,2%.

Hỗ trợ dài hơi cho doanh nghiệp – tia sáng của nền kinh tế

Trao đổi với Việt Nam Hội nhập, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Không phải đến thời điểm hiện nay, Quốc hội, Chính phủ mới có những quyết sách giảm, giãn thuế, phí, lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp, mà trong thời gian qua đã có rất nhiều đợt được triển khai.

Trong năm 2023, để kịp thời ứng phó với diễn biến khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản tăng trưởng kinh tế; đồng thời xem xét, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế để đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023. Các hành động của Bộ Tài chính đều hướng về doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.

Bộ Tài chính đã đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023, với tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng 198,4 nghìn tỷ đồng. Trong số đó, số tiền miễn, giảm là 77,2 nghìn tỷ đồng và số tiền gia hạn là 121,2 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ cũng đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Dự kiến chính sách này sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khoảng 38 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, với số tiền xem xét gia hạn khoảng 110 nghìn tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất về việc giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, với mục tiêu kích cầu tiêu dùng, gia tăng sản xuất, phát triển kinh tế, sau khi xin ý kiến cấp có thẩm quyền, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ (như áp dụng tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội) đang áp mức thuế suất giá trị gia tăng 10% xuống còn 8%, áp dụng kể từ khi chính sách được ban hành đến hết ngày 31/12/2023. Chính sách này sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

Trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đang xây dựng và xin ý kiến cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm 35 khoản phí, lệ phí như phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, y tế, cấp căn cước công dân, thẩm định dự án đầu tư xây dựng… Dự kiến thời gian áp dụng từ 1/7/2023 đến hết 31/12/2023 với số tiền giảm phí, lệ phí sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 700 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Dự kiến số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn khoảng 11,2 nghìn tỷ đồng.

Qua thống kê của Bộ Tài chính, trong 3 năm qua, gói hỗ trợ về tài khóa lên tới hơn 500 nghìn tỷ đồng, giúp doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng. Chưa bao giờ, số tiền hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế lớn như những năm gần đây. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc duy trì một chính sách tài khóa mở rộng và linh hoạt, coi doanh nghiệp làm trung tâm sẽ đảm bảo sự thành công vì nó mang lại hiệu quả cho nền kinh tế đất nước.

Đón đại bàng về làm tổ

Đến hết tháng 5/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022. Trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm thị phần khoảng 44% thị phần tín dụng, tăng trưởng khoảng 35% so với mức mà NHNN đã giao. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm khoảng 44% thị phần, tăng khoảng một nửa so với được giao. Do đó, có rất nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm.

Tính đến ngày 20/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt đạt gần 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, Cụ thể, có 962 dự án đầu tư mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 66,4% về số dự án và tăng 27,8% về số vốn. Có 1.278 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 5,6% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,32 tỷ USD (tăng 67,2% so với cùng kỳ). Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy dòng vốn mạnh đã trở lại và sự ưu tiên của các nhà đầu tư đến tiền năng của thị trường Việt Nam. Và trong thời gian tới là cơ hội đến đón đại bàng về làm tổ.

Trong bối cảnh dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi, khó khăn đan xen, cùng với rủi ro và bất ổn vĩ mô toàn cầu tăng cao trong năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt tốt hơn các tín hiệu của nền kinh tế cả trong và ngoài nước để có những dự báo về thị trường nội địa và xuất khẩu, từ đó điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh linh hoạt và phòng ngừa các rủi ro kinh doanh tốt hơn. 

“Tôi cho rằng, hiện nay vấn đề cốt lõi là phải tăng tổng cầu của nền kinh tế, vì vậy chính sách tài khoá chỉ là một trong những giải pháp giải quyết khó khăn. Vấn đề cơ bản là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như thực hiện tốt chính sách tiền tệ, chính sách đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách hiệu quả”. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Doanh nghiệp, người lao động khó khăn chưa từng thấy

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động là 8.644 doanh nghiệp, trong đó 27,4% là doanh nghiệp FDI; 72,18% doanh nghiệp ngoài nhà nước; 0,39% doanh nghiệp nhà nước.

Hơn 500.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm, số thôi việc, mất việc lên tới 279.409 người, 195.039 người bị giảm giờ làm, hơn 17.003 người nghỉ không lương... là những con số buồn về tình hình lao động tại doanh nghiệp từ đầu năm 2023 tới nay.

Hiện tại, áp lực nợ xấu gia tăng với nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có chi phí vốn cao, tỷ trọng cho vay bất động sản và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ giúp giảm áp lực nợ xấu cho các ngân hàng trong nửa cuối năm nay.

 

Đinh Tịnh - Thanh Bút