Đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng
Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, trong năm 2022, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau dịch COVID-19, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (trong đó có quy định giảm mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hầu hết các mặt hàng đang chịu thuế suất 10% xuống còn 8%; tiếp tục tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19).
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất và trước tình hình biến động của giá xăng, dầu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã trình UBTVQH ban hành 2 Nghị quyết để điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ moii trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn kể từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Qua đó góp phần ổn định giá xăng dầu trong nước, kiềm chế lạm phát trước biến động giá xăng dầu thế giới tăng cao.
Dự kiến tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2022 là khoảng 233.000 tỷ đồng.
Từ cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, trước dự báo tình hình còn nhiều rủi ro, thách thức từ những biến động khó lường của kinh tế thế giới và mức độ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đã hội nhập quốc tế sâu rộng, để chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách của năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023.
Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp hỗ trợ thời gian qua thì các giải pháp về thuế có hiệu quả cao, tác động tích cực ngay tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân trong đó, giải pháp giảm thuế VAT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 44.500 tỷ đồng, đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho NSNN.
Việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế VAT nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023 như đã báo cáo ở trên (gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất; giảm thuế bảo vệ mội trường đối với các mặt hàng xăng, dầu; miễn, giảm các khoản thu phí, lệ phí) và trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm 2% thuế VAT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế VAT như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.
Do vậy, năm 2023 Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT quy định tại Điểm a Khoản 1.1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 như sau: Giảm 2% thuế suất thuế VAT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thu NSNN đạt 1.815,5 tỷ đồng, tiết kiệm chi 53.887 tỷ đồng
Báo cáo cho thấy, trong năm 2022, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, tăng 403,8 nghìn tỷ đồng, tăng 28,6% so với dự toán.
Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng, trong đó tiết kiệm chi thường xuyên được khoảng 716,9 tỷ đồng.
Thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí là 89,6 nghìn tỷ đồng; gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất là 110,67 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Ông Phớc dẫn giải, trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn chậm, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời...
Ngoài ra, do đại dịch COVID-19 tác động, các hoạt động lễ hội hạn chế tổ chức, đặc biệt là các lễ hội có số lượng lớn người dân và du khách tham gia tập trung đông người để phòng, chống dịch, nhờ đó đã cắt giảm được đáng kể nguồn kinh phí.
Về nợ công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tính đến hết năm 2022, ước quy mô nợ công của Việt Nam bằng khoảng 3.619 nghìn tỷ đồng, tương đương 38% GDP, giảm so với mức 43,1% GDP năm 2021. Cơ cấu nợ công, nợ Chính phủ tiếp tục được cải thiện theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra.
Đối với nợ Chính phủ, dư nợ trong nước tiếp tục xu hướng tăng về tỷ trọng, chiếm khoảng 70% dư nợ Chính phủ, chủ yếu là trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn phát hành dài; nợ nước ngoài chủ yếu vẫn là vay ODA, vay ưu đãi có thời hạn dài, góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Về nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1658 về Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 với 8 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp để thực hiện.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực được giao phụ trách; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật chuyên ngành, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý và sử dụng đất đai; đầu tư công; quản lý kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ; việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa...