VNHN-Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc có tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế toàn cầu và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Để phân tán rủi ro, các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đang dần chuyển hướng dòng vốn sang một nước thứ ba. Đây là bài toán đặt ra cho Việt Nam trong cuộc cạnh tranh để hút dòng vốn này.
Xu hướng dòng vốn đầu tư
Dù Nhà Trắng đã lùi thời hạn áp dụng tăng thuế quan trên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng những diễn biến khó lường trong suốt hơn 7 tháng qua và tương lai bất định của cả hai phía khiến các nhà đầu tư không khỏi băn khoăn, lo lắng về sự an toàn của hoạt động vốn đầu tư.
Cùng với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, theo ông Takaharu Oyama - Tổng giám đốc Công ty TNHH A&D Việt Nam, là những lo ngại về tần suất xảy ra các cuộc bạo động, đình công ngày càng gia tăng tại Trung Quốc; chi phí sản xuất kinh doanh tại Nhật Bản không ngừng tăng lên... đang gây sức ép lớn cho các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản. Do đó, việc lựa chọn thêm một quốc gia khác để đầu tư, giảm bớt rủi ro là lựa chọn của không ít DN Nhật Bản.
Trong số các quốc gia trong khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng, Việt Nam là địa điểm được nhiều DN nhắm đến, trong đó có những nhà đầu tư khó tính như Nhật Bản, bởi Việt Nam có nền chính trị ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và sự lan tỏa từ niềm tin của nhiều DN đã đến đầu tư. Sự tin tưởng này có lẽ sẽ được nhân lên khi Hà Nội được chọn làm địa điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.
Và chuyển động của Việt Nam
“Chúng tôi nhận thấy có những cơ hội to lớn ở Việt Nam cho cả DN trong nước và nước ngoài. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cho thấy rõ nguy cơ của việc tập trung các cơ sở sản xuất ở một quốc gia đơn lẻ và cần thiết phải tổ chức lại chuỗi cung ứng. Các công ty đã bắt đầu chuyển một số cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Để đón được những DN như vậy, các quốc gia ở Đông Nam Á sẽ phải cạnh tranh với nhau. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam làm thế nào tận dụng triệt để các cơ hội toàn cầu này để vẫn tiếp tục giữ được quỹ đạo tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của mình”, bà Virginia B. Foote - Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) nhận định.
Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong 30 năm qua đã cho thấy vai trò quan trọng của dòng vốn FDI đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, bà Virginia B. Foote cho rằng, đã đến lúc Việt Nam không thể thu hút FDI bằng mọi giá. Việc thu hút các nhà ĐTNN chất lượng cao không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế, mà còn giúp cải thiện toàn bộ hệ sinh thái của các công ty và DN Việt Nam.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ những cam kết của Chính phủ Việt Nam nhằm phát triển các DN nhỏ và vừa và tăng cường sự tham gia của các DN này vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Virginia B. Foote khẳng định.
Qua khảo sát các DN thành viên của VBF, nhiều DN coi sự yếu kém trong quản trị và sự liêm chính là mối quan tâm lớn đối với Việt Nam. Cùng với đó, các nhà ĐTNN mong muốn có sân chơi bình đẳng với DN trong nước, không chỉ để thu hút thêm đầu tư trong tương lai, mà còn duy trì nguồn vốn đã đầu tư ở đây. Việc duy trì môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ thúc đẩy các DN trong và ngoài nước cạnh tranh thúc đẩy đổi mới, đưa ra các giải pháp và sản phẩm hiệu quả hơn về chi phí.
“Có lẽ cách nhanh nhất làm mất đi nguồn vốn FDI là tạo nên cảm giác rằng FDI không được hoan nghênh hoặc chỉ là hạng hai”, bà Virginia B. Foote lưu ý.
Một trong những rủi ro cơ bản và thường gặp đối với các nhà ĐTNN hiện nay được bà Virginia B. Foote chia sẻ là sự thay đổi thường xuyên của chính sách, pháp luật, cũng như những thay đổi về cách hiểu, đặc biệt là các chính sách về thuế.
BTK