Khơi sức dân làm nền tảng xây dựng nông thôn mới
Trong những năm qua, với sự quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới liên tục đạt những kết quả tích cực, đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch, nội dung đề ra.
Người dân hiến đất mở đường, tham gia xây dựng nông thôn mới.
Về Phú Bình hôm nay, chứng kiến các công trình quy mô được đầu tư xây dựng khang trang, những khu dân cư yên bình, sáng bừng sức sống, những con đường được trải bê tông rộng rãi; trạm y tế được xây dựng khang trang; nhà văn hóa xóm chiều nào cũng rộn rã tiếng reo hò, cổ vũ thể thao…nhiều mô hình kinh tế cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mới thấy được hết xây dựng nông thôn mới thực sự là “đòn bẩy” không những thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, mức độ thụ hưởng của người dân.
Toàn huyện hiện có 100% đường giao thông liên huyện, xã đã được nhựa hóa, trên 90% giao thông nông thôn đã được bê tông hóa, đường làng ngõ xóm sạch đẹp; 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94%. Trên địa bàn huyện có thị trấn Hương Sơn cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV, xã Điềm Thụy đạt các tiêu chí đô thị loại V; diện mạo nông thôn không ngừng được đổi mới, đời sống người dân ngày một được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.
Sức sống mới của huyện Phú Bình hiện lên trên những con đường bê tông thẳng tắp, những mái ngói hồng tươi sắc thắm.
Đây cũng là minh chứng nổi bật cho sự chỉ đạo đúng đắn, linh hoạt của cấp ủy Đảng, chính quyền, để Nhân dân Phú Bình tạo ra khối đoàn kết vững chắc và thực sự trở thành chủ thể sáng tạo trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Loan chia sẻ: “sự đoàn kết, cùng với bản tính hiền hòa, chịu thương chịu khó của mỗi người dân. Mọi người đều một lòng hăng say lao động, góp của, góp công chung sức cùng cả hệ thống chính trị xây dựng một miền quê đáng sống”.
Mục tiêu huyện nông thôn mới nâng cao
Nhờ tinh thần quyết tâm, đồng lòng từ cấp ủy, chính quyền đến Nhân dân, huyện Phú Bình được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022; 5/19 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Xây dựng nông thôn mới với nội dung xuyên suốt là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Huyện Phú Bình cũng đang tập trung cho chặng đường phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Từ đó, làm động lực, bản lề quan trọng để Đảng bộ và Nhân dân tiếp tục chung tay, đồng lòng thực hiện mục tiêu xây dựng huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, huyện chủ động ban hành sớm các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của từng địa phương; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình. Tập trung thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt để đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện tốt phong trào thi đua “Phú Bình chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân duy trì thường xuyên việc phân loại rác thải tại nguồn, thu gom chất thải nhựa, chất thải có khả năng tái chế nhằm giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường; nhân rộng phong trào trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến đường trục xã, xóm; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản xuất.
Trong đó cốt lõi, xuyên suốt vẫn là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Huy động và lồng ghép, xã hội hóa các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố vững chắc, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.