Đoàn giám sát đã trực tiếp kiểm tra ngẫu nhiên nhiều sạp hàng trái cây, rau, củ, quả, các mặt hàng nông sản tại chợ đầu mối Thủ Đức - Ảnh: VNHN
Trong quá trình kiểm tra tại các điểm kinh doanh rau, củ, quả trong chợ, đoàn đã yêu cầu các chủ vựa xuất trình các giấy tờ liên quan như chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, giấy kiểm dịch thực vật, và nhãn phụ trên bao bì. Tuy nhiên, nhiều điểm kinh doanh đã không cung cấp đủ các giấy tờ cần thiết, viện nhiều lý do để né tránh việc kiểm tra. Điều này cho thấy vẫn còn tồn tại sự thiếu nghiêm túc trong việc tuân thủ các quy định về ATTP tại chợ, đồng thời đặt ra thách thức lớn cho công tác quản lý.
Trong quá trình kiểm tra tại các điểm kinh doanh rau, củ, quả trong chợ, đoàn đã yêu cầu các chủ vựa xuất trình các giấy tờ liên quan như chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, giấy kiểm dịch thực vật, và nhãn phụ trên bao bì. Tuy nhiên, nhiều điểm kinh doanh đã không cung cấp đủ các giấy tờ cần thiết, viện nhiều lý do để né tránh việc kiểm tra. Điều này cho thấy vẫn còn tồn tại sự thiếu nghiêm túc trong việc tuân thủ các quy định về ATTP tại chợ, đồng thời đặt ra thách thức lớn cho công tác quản lý.
Đoàn tiến hành kiểm tra hóa đơn, chứng từ xuất xứ tại một vựa kinh doanh - Ảnh: NHN
Sau khi khảo sát thực tế tại chợ, đoàn giám sát đã có buổi làm việc trực tiếp với đại diện Công ty Cổ phần Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức. Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, chợ hiện đang hoạt động chủ yếu vào ban đêm với 1.424 ô vựa kinh doanh, trong đó có 590 ô kinh doanh rau, 712 ô kinh doanh trái cây, 92 ô kinh doanh hoa tươi và 30 kiosque kinh doanh các ngành khác như ăn uống. Tổng số thương nhân hiện đang kinh doanh tại chợ là 945 người, với khối lượng hàng hóa nhập về hàng đêm trung bình khoảng 2.494 tấn.
Đại diện Công ty cổ CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức báo cáo hoạt động cho đoàn giám sát - Ảnh: VNHN
Để nâng cao hiệu quả quản lý ATTP, Ban quản lý chợ đã phối hợp chặt chẽ với Đội 2 thuộc Sở ATTP TP.HCM và Tổ Kiểm soát ATTP của công ty trong việc giám sát và lấy mẫu kiểm nghiệm hàng đêm. Nhờ đó, ý thức trách nhiệm của thương nhân đối với công tác ATTP đã được nâng cao đáng kể, góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và giữ vững uy tín của chợ.
Tuy nhiên, ban quản lý chợ cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, tình trạng kinh doanh tự phát nông sản thực phẩm xung quanh khu vực chợ đầu mối Thủ Đức vẫn còn diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và ATTP. Đại diện công ty đã kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ giải tỏa các khu vực buôn bán tự phát này, tạo điều kiện cho tiểu thương kinh doanh trong chợ hoạt động ổn định, an toàn và tuân thủ pháp luật.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VNHN
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, vấn đề ATTP không chỉ là trách nhiệm của từng cá nhân hay đơn vị kinh doanh mà cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng. Ông nhấn mạnh rằng đã đến lúc cần có những quyết sách mạnh mẽ, quyết tâm, đồng lòng, chung sức và toàn diện hơn để đảm bảo môi trường kinh doanh thực phẩm an toàn, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của thương nhân trong việc tuân thủ pháp luật về ATTP.
Ngoài ra, đoàn giám sát cũng lắng nghe nhiều ý kiến từ phía đại diện các sở, ngành và chính quyền TP Thủ Đức về những khó khăn trong việc kiểm soát tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ truyền thống trên địa bàn. Việc phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và việc nâng cao nhận thức của thương nhân vẫn còn là thách thức lớn cần phải giải quyết trong thời gian tới.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc - Ảnh: VNHN
Kết thúc buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, ghi nhận những nỗ lực của Ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức trong công tác đảm bảo ATTP và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, việc đẩy mạnh truyền thông qua các phương tiện truyền thông nội bộ và các buổi tuyên truyền định kỳ đã góp phần nâng cao ý thức của thương nhân trong chợ.
Tuy nhiên, ông Bình cũng chỉ ra một số hạn chế trong cách làm hiện tại của ban quản lý chợ, đồng thời yêu cầu cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn để đảm bảo quy chuẩn hàng hóa khi vào chợ. Việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thương nhân tuân thủ quy định pháp luật và tổ chức tập huấn nghiệp vụ ATTP cũng là những giải pháp thiết thực mà ông đề xuất để nâng cao hiệu quả quản lý trong thời gian tới.
Ông Cao Thanh Bình kêu gọi các bên liên quan, từ ban quản lý chợ, chính quyền TP Thủ Đức, đến các sở, ngành của TP.HCM, cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đưa ra các giải pháp cụ thể và quyết liệt hơn, nhằm giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến ATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh.
Phạm Minh Hòa - Nguyễn Bá Phước