VNHN - Nằm ở biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, cách Thủ đô Hà Nội hơn 500km, với một địa hình núi đồi đa dạng, phức tạp, tỉnh Điện Biên cũng là một trong những địa bàn có nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Nhưng đồng thời Điện Biên cũng lại có nhiều tiềm năng và lợi thế có thể khai thác và phát huy để phát triển.
Cảng hàng không Điện Biên Phủ
Một trong những tiềm năng lớn chính là về phát triển du lịch, đặc biệt là các loại hình du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch sinh thái. Cùng với đó, Điện Biên còn có thế mạnh về tiềm năng phát triển thủy điện trên ba hệ thống sông chính: sông Đà, sông Mã, sông Mê Kông; nguồn tài nguyên khoáng sản của địa phương tương đối đa dạng, như: than, quặng sắt, quặng boxit, đồng, chì, kẽm và các loại vật liệu xây dựng. Và, Điện Biên còn có những lợi thế đặc trưng khác, như có sân bay Mường Thanh, có hai cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt- Lào, ba cặp cửa khẩu phụ sắp tới sẽ được mở, một cặp lối mở A Pa Chải trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc; đặc biệt là Tây Trang là cửa khẩu quan trọng của vùng Tây Bắc và cả nước… Đây là điều kiện tiền đề quan trọng và cơ hội rất lớn để Điện Biên đẩy mạnh thương mại quốc tế, tiến tới xây dựng khu vực này thành địa bàn trung chuyển chính trên con đường xuyên Á phía Bắc, nối vùng Tây Bắc Việt Nam với khu vực Bắc Lào - Tây Nam Trung Quốc và Đông Bắc Myanmar.
Trong vài năm trở lại đây, công tác thu hút đầu tư vào các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của Điện Biên có nhiều khởi sắc. Trong đó đã có những tiến bộ trong đầu tư về nông nghiệp: Tỉnh đã ban hành, áp dụng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi quy định chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm giúp đỡ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh. Đã ban hành cơ chế thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trên thực tế, các lĩnh vực được hướng chính sách khuyến khích hỗ trợ thu hút đầu tư tại Điện Biên cũng khá đa dạng, như: Trồng rừng, bảo vệ rừng, trồng cây dược liệu; Xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến; Xây dựng cánh đồng lớn; Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tập trung; Sản xuất, phát triển giống cây trồng, vật nuôi, cây lâm nghiệp, thủy sản; Ứng dụng công nghệ sinh học; công nghệ cao trong sản xuất nông, lâm, thủy sản; Sản xuất nguyên liệu và chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, chế phẩm sinh học... Hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên có khoảng 1.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Nhưng do đặc thù của tỉnh nên các doanh nghiệp mặc dù hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, nhưng chủ yếu vẫn tập trung trong lĩnh vực khai khoáng, xây dựng, thương mại và dịch vụ; Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn chiếm tỷ lệ thấp, cần thúc đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Lê Thành Đô - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan các dự án tại TP Điện Biên Phủ
Năm 2018, có thể nói là một năm thành công của Điện Biên về nhiều mặt, đặc biệt là trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Về kinh tế, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư cho 25 dự án và 4 dự án đang hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 4.900 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho 5 dự án. Tuy nhiên, các dự án chỉ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, cơ sở hạ tầng và khai thác chế biến khoáng sản mà không có dự án đầu tư vào ngành nông nghiệp. Năm 2019, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu phấn đấu có từ 12 - 15 dự án đầu tư, với tổng nguồn vốn dự kiến đạt 1.500 tỷ đồng.
Hiện nay, tỉnh đang có chủ trương đầu tư và kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư cho 9 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT), với tổng vốn đầu tư khoảng 1.680 tỷ đồng. Tuy vậy, hầu hết vẫn là đầu tư vào các lĩnh vực giao thông, xây dựng, thương mại, hạ tầng đô thị…Trong số những Dự án Điện Biên kêu gọi đầu tư hiện nay, có 19 dự án về Thủy điện, 15 dự án về Thương mại Dịch vụ, 04 Dự án về Khu cụm công nghiệp (Cụm công nghiệp phía Đông huyện Tuần Giáo; Cụm công nghiệp Na Hai; Cụm công nghiệp Cơ khí; Cụm công nghiệp Núa Ngam), 08 dự án về Văn hóa Xã hội, 05 dự án về Nông nghiệp và 19 dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng… Riêng về Thủy điện, theo kế hoạch đến năm 2020, Điện Biên có 10 dự án Thủy điện triển khai đầu tư xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động, đấu nối lên lưới 110kV tổng công suất dự kiến lắp máy là 200,5MW.
Ðoàn giám sát HÐND tỉnh thăm mô hình trồng cây ăn quả tại bản Huổi Hỏm, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng - Điện Biên)
Để hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa các tỉnh biên giới Việt Nam nói chung và Điện Biên nói riêng với các tỉnh biên giới Lào và các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây (Lào, Myanmar và Thái Lan) sôi động, hiệu quả, thiết thực hơn, tỉnh Điện Biên đã và đang chú trọng ưu tiên nguồn lực, đầu tư cho kết cấu hạ tầng và thương mại; tập trung nguồn vốn để đẩy nhanh các tuyến đường giao thông trong tỉnh, đặc biệt là tuyến đường giao thông ra các cửa khẩu, đến các xã biên giới; thúc đẩy các cặp chợ biên giới theo quy hoạch. Đồng thời khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho thương nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng logistic, các cửa hàng, quầy hàng, điểm thu mua hàng hóa kết nối các tuyến đường vạn tải hai nước Việt - Lào với các nước trong khu vực. Cùng với đó, địa phương đổi mới quy hoạch để tạo nguồn nguyên liệu nông sản cho sản xuất và xuất khẩu; tăng cường thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp để tạo nguồn cho xuất khẩu.
Hướng các doanh nghiệp lựa chọn đầu tư kinh doanh những mặt hàng phù hợp, không dàn trải nhằm đảm bảo hiệu quả và lựa chọn những sản phẩm chủ lực của địa phương để xây dựng thương hiệu, đáp ứng và khai thác tốt hơn thị trường giáp biên. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền hiện đại thông qua cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh công nghệ thông tin, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh; đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin về các chính sách phát triển thương mại biên giới đến mọi người và doanh nghiệp; tăng cường các hình thức liên kết, liên doah giữa các tỉnh có chung biên giới nhằm khai thác tốt thế mạnh của nhau trong phát triển kinh tế địa phương nói riêng và khu vực biên giới nói chung.
Với tỉnh Điện Biên, tiềm năng và cơ hội đầu tư là rất lớn. Trong quá trình thực hiện các hoạt động kêu gọi và xúc tiến đầu tư, Điện Biên tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách trên tinh thần cầu thị và học hỏi, với quyết tâm xây dựng Điện Biên trở thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc./.