VNHN - Ông Julien Brun - Giám đốc điều hành Công ty tư vấn CEL cho biết, thế giới nói chung và từng quốc gia, doanh nghiệp (DN) nói riêng đang trong giai đoạn đổi mới, thích ứng và tự sắp xếp chuỗi cung ứng, hoạt động sản xuất, hướng kinh doanh mới để ứng phó với đại dịch Covid-19.
Đầu tháng 2/2020, trong suy nghĩ của hầu hết chúng ta, Covid-19 vẫn là một vấn đề đặc thù của Trung Quốc. Tuy nhiên, lệnh phong toả áp đặt ở Trung Quốc đã nhanh chóng tạo ra một sự hỗn loạn chưa từng thấy trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguồn cung cấp hàng hóa nhất là nguyên vật liệu của của Trung Quốc dừng đột ngột. Hàng nguyên liệu tồn kho có sẵn tại các DN sản xuất cạn kiệt nhanh chóng và tình trạng thiếu hụt bắt đầu xảy ra trên khắp mọi nơi trên thế giới. Các công ty bên ngoài Trung Quốc đã và đang được hối thúc tìm kiếm năng lực sản xuất cũng như các nhà vận chuyển khác nhằm thay thế phục vụ các đơn đặt hàng của khách hàng.
Có thể thấy, một số công ty đa quốc gia đã lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam từ năm 2019, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ. Đánh giá của của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Việt Nam cho thấy khoảng 1/3 công ty Hoa Kỳ tại Trung Quốc xác định sẽ hủy bỏ hoặc tạm dừng đầu tư vào Trung Quốc. Có tới 40% DN cho hay sẽ dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, dự kiến đến các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Việt Nam sẽ là điểm đến trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Ảnh: TTXVN
Dự báo năm 2020 do ảnh hưởng do tác động của Covid-19, xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực Đông Nam Á trong đó Việt Nam là điểm đến quan trọng sẽ tiếp tục diễn ra. Theo Tiến sĩ Chang Hee Lee - Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam cho bết, về lâu dài, các DN phải thay đổi kế hoạch sản xuất của họ để đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro của những cú sốc tương tự như dịch bệnh Covid-19. Vì thế Chính phủ và từng DN phải tính đến cách làm thế nào để các chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt hơn khi có sự cố gián đoạn xảy ra, hỗ trợ các ngành sản xuất, tăng cường năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của các DN cung ứng Việt Nam.
Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến các DN nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc vào một quốc gia. Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhất định khi nhiều cơ sở sản xuất được dời từ Trung Quốc sang. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành sản xuất đều có thể dễ dàng chuyển sang Việt Nam khi trình độ tay nghề của công nhân cao hơn. Mặc dù vậy, với việc nhiều nhà đầu tư đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hướng dịch chuyển thì Việt Nam cũng cần chuẩn bị sẵn sàng để không bỏ lỡ cơ hội đón “làn sóng” dịch chuyển chuỗi cung ứng thời kỳ hậu dịch bệnh này.
Trong một cuộc khảo sát do C̀ông ty tư vấn CEL thực hiện vào cuối tháng 3/2020 cho thấy 83% số công ty trong chuỗi giá trị hữu hình (nhà bán lẻ, vận chuyển, thương nhân, nhà sản xuất) tại Việt Nam đã gặp phải vấn đề về nguồn cung cấp vật liệu trong vòng 2 tháng vừa qua. 47% trong số họ gặp khó khăn cụ thể với nguồn cung từ phía Trung Quốc và phần lớn thiếu hụt nguyên liệu thô. Giải quyết khó khăn này nhiều DN đã phải tính toán kế hoạch thay đổi chuỗi cung ứng và đây cũng là cơ hội để Việt Nam đón nhận các đơn hàng từ các ngành công nghiệp hỗ trợ, cũng như cơ hội đón dòng dịch chuyển đầu tư từ các chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển về Việt Nam ngày càng rõ nét- ông Julien Brun nhấn mạnh.