1. Khái quát chung về di cư lao động quốc tế
Quá trình toàn cầu hóa thúc đẩy sự giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội và an ninh. Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng làm gia tăng chênh lệch thu nhập giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển, dẫn đến sự phát triển không đồng đều về kinh tế - xã hội, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi cơ cấu lao động trong các ngành và khan hiếm việc làm... Di cư lao động quốc tế là kết quả tất yếu của quá trình toàn cầu hóa. Người lao động có xu hướng di cư từ quốc gia dư thừa lao động, thu nhập thấp sang các quốc gia thiếu hụt lao động và có thu nhập cao.
Di cư lao động giữa các quốc gia xảy ra theo hai hướng: có tổ chức, hợp pháp và bất hợp pháp. Di cư lao động có tổ chức, hợp pháp là những người lao động từ một quốc gia này đến quốc gia khác lao động thông qua cử đi hoặc hợp đồng tuyển dụng bởi các cơ quan và tổ chức quốc tế, hoặc được cử hay tuyển dụng từ một quốc gia khác và được điều chỉnh bằng pháp luật quốc tế chung hay các hiệp định, công ước quốc tế cụ thể...
Di cư lao động bất hợp pháp là những người lao động không có giấy tờ, kế hoạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, không được quốc gia sử dụng lao động nhập cư trao quyền cho phép vào làm việc tại quốc gia này.
Trong di cư lao động, di cư lao động bất hợp pháp thường gặp rắc rối hơn so với di cư lao động hợp pháp. Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) năm 2018, 26% di cư lao động hợp pháp gặp phải rắc rối khi lao động tại nước sở tại, trong khi có tới 51% lao động di cư bất hợp pháp gặp phải rắc rối(1). Mặc dù di cư lao động bất hợp pháp gặp nhiều rắc rối hơn, song vì nhiều lý do, trong đó có lý do chi phí và thời gian nên vẫn có một bộ phận lao động di cư ra nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp.
Thực tế cho thấy, di cư lao động thường đối mặt với các vấn đề khó khăn như làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, bị đánh đập, lạm dụng, bị trả lương không tương xứng, bị phân biệt đối xử về lương so với người sở tại. Ngoài ra, do rào cản về ngôn ngữ và khác biệt về văn hóa cũng khiến lao động di cư chịu nhiều thiệt thòi. Cũng theo kết quả khảo sát từ ILO và IOM đối với di cư lao động khu vực ASEAN, 59% lao động di cư bị lạm dụng quyền lao động(2).
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro từ di cư lao động, song vai trò của di cư lao động vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, với các quốc gia và mỗi gia đình người lao động di cư, như: toàn dụng được lao động vào phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập quốc gia, gia tăng thu nhập và chi tiêu gia đình, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư và mở rộng thị trường hàng hóa và dịch vụ... Theo số liệu của ILO, chỉ riêng từ năm 2017-2019, di cư lao động ra nước ngoài tăng từ 164 triệu người lên 169 triệu người, trong đó, lao động di cư từ 15-24 tuổi tăng gần 3,2 triệu người. Chỉ riêng năm 2019, di cư lao động ra nước ngoài chiếm gần 5% lực lượng lao động toàn cầu(3).
Theo số liệu của ILO, các nước có thu nhập cao thu hút hơn 2/3 lao động di cư ra nước ngoài. Trong tổng số 169 triệu lao động di cư ra nước ngoài, có 63,3% làm việc ở châu Âu, Trung Á và châu Mỹ. Cụ thể, 63,8 triệu (37,7%) làm việc tại châu Âu; có 43,3% triệu người (25,6%) làm việc ở Trung Á và châu Mỹ(4). Các quốc gia Ả rập, khu vực châu Á và Thái Bình Dương mỗi nơi khoảng 24 triệu lao động di cư, tương đương khoảng 28,5%.
Di cư lao động ra nước ngoài, phần lớn là nam giới với 99 triệu người (trên 58%), nữ giới có 70 triệu (trên 41%). Lao động di cư hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ. Theo báo cáo của ILO, có 66,2% số lao động di cư làm việc trong lĩnh vực dịch vụ; 26,7% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và chỉ có 7,1% làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, lao động di cư nữ làm việc trong lĩnh vực dịch vụ cao hơn so với nam giới(5). Như vậy, di cư lao động chiếm một tỷ trọng quan trọng trong lực lượng lao động của các quốc gia tiếp nhận và là nguồn nhân lực có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia này.
2. Tác động kinh tế của di cư lao động đến nền kinh tế thế giới
Tác động tích cực
Một là, di cư lao động góp phần tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đối với các quốc gia xuất cư lao động, di cư lao động góp phần toàn dụng lao động, tăng thu nhập cho người lao động, từ đó gia tăng thu nhập quốc gia. Chẳng hạn, ở Việt Nam riêng năm 2021 lượng kiều hối từ di cư lao động hợp pháp gửi về là hơn 3 tỷ USD(6), nếu tính cả những lao động di cư làm ăn, sinh sống ở nước ngoài, lượng kiều hối lên tới 18,1 tỷ USD(7), tương đương khoảng 4,42% GDP. Đối với các nước tiếp nhận lao động di cư, lao động nhập cư là nguồn lực mở rộng các ngành, lĩnh vực sản xuất, qua đó tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn, tại Mỹ thu nhập quốc dân tăng lên 8 tỷ USD/năm nhờ những lao động nhập cư(8). Hay tại châu Âu, trong giai đoạn 1991-1995, thống kê cho thấy, cứ 1% tăng lên của lao động nhập cư thì GDP của quốc gia tiếp nhập tăng lên từ 1,25-1,5%. Khi thu nhập các quốc gia xuất cư và nhập cư lao động tăng, kinh tế toàn cầu phát triển. Như vậy, di cư lao động đã góp phần làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Hai là, di cư lao động góp phần khai thác có hiệu quả các nguồn lực của các quốc gia vào tăng trưởng, phát triển kinh tế. Đối với các quốc gia tiếp nhận lao động di cư, bù đắp lượng lao động thiếu hụt và bổ sung thêm lao động để mở rộng, phát triển các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Chẳng hạn, Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết, các phát minh, sáng chế của Mỹ phần lớn là sản phẩm của lao động nhập cư(9). Các nước phát triển như Canađa, Thụy Điển, Nhật Bản, Đức... lao động nhập cư đã góp phần quan trọng vào phát triển các ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phát triển nông nghiệp, xây dựng và một số lĩnh vực thuộc công nghiệp chế tạo. Nhờ có lao động nhập cư, các quốc gia thiếu hụt lao động tận dụng được nguồn lao động này vào khai thác đất đai, máy móc, công nghệ, phát huy hiệu quả nguồn lực quốc gia, góp phần phát triển kinh tế.
Đối với các quốc gia có lao động xuất cư, một mặt có nguồn vốn từ người lao động xuất cư gửi về bù đắp lượng vốn thiếu hụt để phát triển kinh tế. Đây là những khoản tiền công do lao động di cư chuyển về cho gia đình hoặc cộng đồng ở quốc gia xuất cư, làm gia tăng vốn đầu tư tư nhân.
Theo Ngân hàng Thế giới, lượng tài chính (kiều hồi) luân chuyển trên toàn cầu có sự tăng trưởng mạnh mẽ, từ 126 tỷ USD năm 2000 lên 702 tỷ USD năm 2020(10). Trong đó, các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Mehico, Philíppin và Ai Cập là 5 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất. Trong đó Ấn Độ, Trung Quốc đứng đầu với tổng lượng kiều hồi lần lượt là trên 83 tỷ USD và 59 tỷ USD. Các quốc gia có thu nhập cao và tiếp nhận lao động nhập cư luôn là nguồn cung kiều hối chính(11). | Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro từ di cư lao động, song vai trò của di cư lao động vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, với các quốc gia và mỗi gia đình người lao động di cư, như: toàn dụng được lao động vào phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập quốc gia, gia tăng thu nhập và chi tiêu gia đình, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư và mở rộng thị trường hàng hóa và dịch vụ... |
Nguồn tài chính này giúp các quốc gia xuất cư lao động phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, có nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện mức sống người dân và là công cụ để chống đói nghèo. Cùng với gia tăng lượng vốn, chất lượng lao động di cư cũng được nâng lên nhờ kỹ năng tay nghề, ý thức kỷ luật lao động được nâng cao, thông qua tham gia vào môi trường làm việc chuyên nghiệp, sử dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại tại các nước tiếp nhận lao động di cư. Khi đội ngũ lao động này trở về sẽ làm tăng đội ngũ lao động chất lượng cao ở các quốc gia xuất cư lao động.
Ba là, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lý và tiến bộ cả ở nước nhập cư và xuất cư lao động. Đối với các quốc gia tiếp nhập lao động di cư, do thiếu hụt lực lượng lao động, các quốc gia này sẽ tập trung nguồn lực, trong đó có lao động vào phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh, tạo ra giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, một bộ phận lao động nhập cư có tay nghề thấp được sử dụng trong các ngành sản xuất cơ bản, dịch vụ truyền thống (chăm sóc sức khỏe, chế biến thực phẩm, vận chuyển,...). Nhờ đó, cơ cấu kinh tế các nước nhập cư lao động sẽ chuyển dịch theo hướng hợp lý và tiến bộ.
Đối với các quốc gia có lao động xuất cư, trong ngắn hạn do giảm được lượng lao động dư thừa, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực đầu tư theo chiều sâu và khai thác được tiềm năng, lợi thế để phát triển. Trong dài hạn, người lao động đi làm việc ở nước ngoài tích lũy được tri thức, khi trở về nước, sẽ tạo động lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc gia theo hướng hợp lý và tiến bộ.
Bốn là, di cư lao động góp phần tăng năng suất lao động nền kinh tế thế giới. Việc tiếp nhận lao động có tay nghề cao vào phát triển các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao sẽ giúp cho năng suất lao động của các quốc gia tiếp nhận lao động di cư tăng lên. Đối với các quốc gia xuất cư, di chuyển lao động ra nước ngoài làm việc sẽ góp phần đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, thúc đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, qua đó, nâng cao năng suất lao động. Kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Ixraen cho thấy, lao động đi làm việc ở nước ngoài, sau khi về nước mang những tri thức đã tích lũy được áp dụng vào quá trình lao động sản xuất, nhờ đó thúc đẩy nâng cao năng suất lao động.
Tác động tiêu cực
Bên cạnh tác động tích cực, di cư lao động quốc tế còn có tác động tiêu cực, song chủ yếu là tác động tiêu cực đến quốc gia xuất cư lao động, cụ thể:
Một là, di chuyển lao động có trình độ cao sang các quốc gia khác làm giảm nguồn cung nhân lực chất lượng cao, thậm chí tạo ra sự hẫng hụt nguồn lao động có trình độ cao, do đó, các quốc gia xuất cư lao động bị tước đoạt một trong những nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, về lâu dài, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và phát triển của các quốc gia này.
Thông thường, các quốc gia tiếp nhận lao động di cư đưa ra các tiêu chí về chất lượng lao động như trình độ học vấn và tay nghề. Do đó, chỉ những lao động đáp ứng các tiêu chí đó mới được tiếp nhận. Như vậy, các quốc gia có lao động xuất cư giảm nguồn lực có ý nghĩa quan trọng đóng góp vào tăng trưởng, phát triển. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, có 77 quốc gia bị giảm trên 10% lực lượng lao động có trình độ đại học và 28 quốc gia bị giảm trên 30%(12). Đây là tình trạng đáng lo ngại ở các nước chậm và đang phát triển, vì có thể tác động rất lớn đối với sự phát triển bền vững cũng như làm giảm khả năng tăng trưởng kinh tế dài hạn của các nước xuất cư lao động.
Hai là, việc di chuyển lao động có kỹ năng cũng có thể tác động đến luồng di chuyển vốn. Bởi vì, các quốc gia có lao động xuất cư không có đủ lao động có kỹ năng nên khó thành công trong thu hút FDI từ nước ngoài. Hơn nữa, người lao động không chỉ sang các quốc gia khác làm việc mà còn có thể mang theo nguồn vốn đáng kể đầu tư ra nước ngoài. Trong khi các quốc gia xuất cư lao động thường là các quốc gia chậm và đang phát triển rất cần vốn để phát triển kinh tế cũng như tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
3. Hàm ý chính sách
Để phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực từ di cư lao động đến nền kinh tế, các quốc gia tiếp nhận và xuất cư lao động, cần thực hiện các biện pháp dưới đây:
Một là, hợp tác giữa các quốc gia để đơn giản hóa thủ tục, quy trình để di cư lao động. Trên cơ sở những quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế, căn cứ vào thị trường lao động quốc gia tiếp nhận và quốc gia xuất cư lao động xây dựng cơ chế phù hợp của mỗi nước sao cho thu hút cũng như toàn dụng được lực lượng lao động vào phát triển các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Hai là, đào tạo lao động có kỹ năng nghề từ các quốc gia xuất cư lao động sao cho phù hợp với yêu cầu sử dụng lao động từ các quốc gia tiếp nhận lao động. Qua đó, mang lại lợi ích cho cả người sử dụng lao động và người lao động xuất cư, góp phần nâng cao năng suất lao động và thu nhập cho người lao động di cư.
Ba là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH ở các nước xuất cư lao động, từ đó chuẩn bị điều kiện tốt nhất để tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả lao động xuất cư khi họ hết thời hạn lao động ở nước ngoài trở về tham gia vào các ngành, lĩnh vực trong nước.
Bốn là, các quốc gia xuất cư lao động cần đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, tăng trưởng kinh tế dựa trên cơ sở khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở đó, các quốc gia này tận dụng được kỹ năng, tay nghề cũng như kỷ luật, tác phong lao động của những lao động trở về từ nước ngoài. Các nghiên cứu cho thấy, hầu như các quốc gia xuất cư lao động chưa tận dụng được điều này, dẫn đến lãng phí trong sử dụng nguồn lực lao động trở về từ nước ngoài.
_________________
(1), (2) Tổ chức Lao động Quốc tế và Tổ chức Di cư Quốc tế: Rủi ro và lợi ích: Tác động của di cư lao động ở Đông Nam Á - Những phát hiện chính ở Việt Nam, 2018, tr.3, tr.4.
(3), (4), (5) https://www.ilo.org, Lao động di cư toàn cầu tăng thêm năm triệu người, ngày 29-6-2021.
(6) Nhật Dương: Kiều hối từ xuất khẩu lao động về Việt Nam khoảng 3 tỷ USD mỗi năm, https://vneconomy.vn, ngày 20-8-2022.
(7) Ánh Hồng - Lê Thanh: Kiều hối chuyển về Việt Nam lập kỷ lục 18,1 tỷ USD, https://tuoitre.vn, ngày 10-12-2021.
(8), (9) Nguyễn Chiến: Lợi ích từ lao động nhập cư với kinh tế thế giới, https://baochinhphu.vn, ngày 13-09-2013.
(10), (11) Minh Hà: Di cư quốc tế với tác động từ biến cố toàn cầu, https://consosukien.vn, ngày 08-4-2022.
(12) Lê Minh Trường: Phân tích những tác động của di chuyển lao động quốc tế hiện nay, https://luatminhkhue.vn, ngày 24-5-2023.
TS NGUYỄN THỊ MIỀN
Viện Kinh tế,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh