Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, dự thảo đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục đối với cá nhân từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng, đối với tổ chức từ 100 triệu đồng lên mức 150 triệu đồng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngày 13 tháng 11 năm 2020, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14, có hiệu lực từ 1/1/2022. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực giáo dục được sửa đổi tại Khoản 10 Điều 1 của Luật là: Phạt tiền đến 75 triệu đồng.
Theo quy định hiện hành tại Nghị định số 04/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục đối với cá nhân là 50 triệu, đối với tổ chức là 100 triệu đồng.
Như vậy để đảm bảo thống nhất mức phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo đúng quy định pháp luật và có hiệu lực cùng thời điểm với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14, việc nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục là rất cần thiết.
Việc xây dựng Nghị định kịp thời nhằm điều chỉnh mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm thống nhất với sự thay đổi mức phạt của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử phạt vi phạm hành chính đảm bảo tính răn đe đối với hành vi vi phạm.
Dự thảo nêu rõ, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng.
Dự thảo cũng đề xuất cụ thể một số mức phạt với các hành vi vi phạm như sau: Phạt tiền từ 70-150 triệu đồng đối với hành vi tuyển sai từ 10 người học trở lên.
Phạt tiền từ 80-150 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Liên kết giáo dục hoặc liên kết đào tạo khi chưa có văn bản phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện tự chủ liên kết đào tạo khi chưa đáp ứng điều kiện theo quy định.
Phạt tiền từ 80-150 triệu đồng đối với hành vi cấp chứng chỉ khi chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.