Bộ Tài chính cho biết đã nhận được công văn của Bộ Giao thông vận tải đề xuất miễn, giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải do tác động tăng giá nhiên liệu đến giá dịch vụ vận tải.
Để kịp thời hỗ trợ, giảm khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải. Thông tư dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày ký đến hết ngày 31/12/2022.
Mức thu dự kiến như sau: Phí trọng tải tàu, thuyền đối với hoạt động hàng hải nội địa, dự kiến bằng 80% mức thu phí quy định tại khoản 1 Điều 12 Chương III Biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải đối với hoạt động hàng hải nội địa, ban hành kèm theo Thông tư số 261/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải.
Phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay (trừ nội dung thu tại các số thứ tự: 4.1, 4.2, 4.3, 4.4, 4.5.1, 5, 6 Mục VI Phần A Biểu mức thu phí, lệ phí áp dụng mức thu phí tương ứng quy định tại Mục VI Phần A Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không ban hành kèm theo Thông tư số 193/2016/TT-BTC): Mức thu bằng 80% mức thu phí quy định tại Mục VI Phần A Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không ban hành kèm theo Thông tư số 193/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không.
Phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt: Mức thu bằng 50% mức thu phí quy định tại Điều 3 Thông tư số 295/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt.
Lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa: Mức thu bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại điểm 2 khoản 1 Điều 4 Thông tư số 248/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại cảng, bến thuỷ nội địa.
Phí trình báo đường thủy nội địa: Mức thu bằng 50% mức thu phí quy định tại điểm 3 khoản 1 Điều 4 Thông tư số 248/2016/TT-BTC.
Kể từ ngày 01/01/2023 trở đi, mức thu các khoản phí, lệ phí quy định trên thực hiện theo quy định tại Thông tư số 193/2016/TT-BTC, Thông tư số 248/2016/TT-BTC, Thông tư số 261/2016/TT-BTC và Thông tư số 295/2016/TT-BTC.
Theo Bộ Tài chính, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, gói hỗ trợ về tài khóa quy mô dự kiến khi xây dựng chính sách là 135 nghìn tỷ đồng. Đến hết tháng 8/2022, Bộ Tài chính đã gia hạn các loại thuế ước khoảng 52 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 38,5% kế hoạch.
Trong số 52 nghìn tỷ đồng đã gia hạn các loại thuế: thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ ước khoảng 49,1 nghìn tỷ đồng (số thuế đã nộp ngân sách Nhà nước khoảng 10 nghìn tỷ đồng); gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 32/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 của Chính phủ ước khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng.
Về các chính sách miễn, giảm thuế thuộc Chương trình phục hồi đã ban hành và triển khai thực hiện (quy mô dự kiến khi xây dựng các chính sách là 61,5 nghìn tỷ đồng). Đến hết tháng 8/2022, ước tính số thực hiện khoảng 34,97 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 56,9% kế hoạch.