06/10/2024 lúc 23:35 (GMT+7)
Breaking News

Để hoạt động khoa học và công nghệ phát triển xứng tầm với tiềm năng và vị thế của đất nước

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm phát triển các hoạt động khoa học và công nghệ, coi khoa học và công nghệ (cùng với giáo dục) là quốc sách hàng đầu, nhằm tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cho đến nay khoa học và công nghệ (KH&CN) chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.

Ảnh minh họa - TL

Hoạt động KH&CN là tập hợp toàn bộ các hoạt động có hệ thống và sáng tạo nhằm phát triển kho tàng kiến thức liên quan đến con người, tự nhiên và xã hội, nhằm sử dụng những kiến thức đó để tạo ra những ứng dụng mới.

Quy mô phát triển KH&CN hiện tại

Theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, hoạt động khoa học và công nghệ bao gồm các hoạt động: nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và phát triển công nghệ, dịch vụ KH&CN, hoạt động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và các hoạt động khác nhằm phát triển KH&CN.

Hiện cả nước ta có gần 3.000 tổ chức KH&CN, trong đó có các tổ chức KH&CN công lập, viện Hàn lâm, Đại học quốc gia và các Trường đại học. Tính đến 31/12/2022 cả nước có 714 DN KH&CN đăng ký. Nhiều DN đã bắt đầu tự tăng cường năng lực công nghệ của mình bằng cách hợp tác với các nhóm NC&TK từ các trường đại học, viện nghiên cứu. Các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) hoạt động trong các mảng khoa học công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Vì vậy, lĩnh vực hoạt động của các tổ chức KH&CN khá đa dạng, từ khoa học pháp lý, luật pháp, khoa học quản lý kinh tế, công nghiệp xây dựng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, môi trường, giao thông, thủy lợi, nông nghiệp nông thôn, truyền thông và vận động chính sách…

Đầu tư vào KH&CN chiếm hơn 0,6% GDP. Trong giai đoạn vừa qua, bình quân hàng năm ngân sách Nhà nước (NSNN) chi cho KH&CN chiếm khoảng 1,4% – 2%  tổng chi NSNN. Trong tổng chi NSNN cho KH&CN thì tỷ lệ chi cho NC&TK chiếm trên 40%, còn lại là chi cho đầu tư phát triển.

Chủ trương và thực tế phát triển

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2030 đã khẳng định: Phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo là một nội dung có tính đột phá chiến lược để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã khởi phát và nền kinh tế số đã trở thành một trong những xu hướng phát triển chủ yếu của thế giới. DN ứng dụng KH&CN, chuyển đổi số sẽ là chìa khóa giúp phục hồi và phát triển sản xuất bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, trụ vững trong chuỗi cung ứng.

Theo tinh thần đó, ngày 05/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Chỉ thị nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 và Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 phê duyệt Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 và đến năm 2030.

Ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW về Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới (Nghị quyết 45-NQ/TW). Nghị quyết 45-NQ/TW khẳng định, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về đội ngũ trí thức, nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức ngày càng đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn. Qua đó, việc thể chế hoá Nghị quyết được quan tâm; cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, tôn vinh, đãi ngộ nhằm phát huy vai trò của đội ngũ trí thức tiếp tục được hoàn thiện. Đội ngũ trí thức Việt Nam có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN, hội nhập quốc tế…

Thực hiện chủ trương của Trung ương, Chính phủ, thời gian qua, Bộ KH&CN đã chỉ đạo và có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các địa phương. Theo đó, thúc đẩy hoàn thiện các thông tư quy định việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh; sớm đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia theo chuẩn quốc tế nhằm phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại hàng hóa của các địa phương và cả nước; hoàn thiện cơ chế, chính sách về KHCN và đổi mới sáng tạo (đặc biệt là sửa đổi Luật KH&CN 2013) bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi từ Trung ương đến địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) tại địa phương…

Sở KH&CN các tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực tham mưu tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND ban hành 477 văn bản quản lý, điều hành; 33 địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW Bộ Chính trị; 63/63 địa phương xây dựng và triển khai bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Đặc biệt, Hà Nội lần đầu tiên lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu. Đông Nam Bộ tiếp tục thực hiện tốt vai trò vùng dẫn đầu cả nước về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Công tác đầu tư tài chính, nhân lực cho KH&CN tiếp tục được các địa phương quan tâm; các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã có những kết quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đặc biệt, các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu…

Đến nay, thị trường khoa học và công nghệ dần hình thành, phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: Thể chế, chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ từng bước được hoàn thiện; nguồn cung hàng hoá khoa học và công nghệ ngày càng tăng, kết quả nghiên cứu dần trở thành hàng hóa được các doanh nghiệp đón nhận; nhu cầu, năng lực tiếp nhận, hấp thụ và làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp ngày càng được cải thiện; các tổ chức trung gian từng bước được hình thành và phát triển, công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm khoa học và công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh.

Một số vướng mắc cần tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, về tổng thể, hoạt động KH&CN nước ta còn tồn tại một số rào cản, vướng mắc, "điểm nghẽn" cần được sớm tháo gỡ, khắc phục; cụ thể là: Hệ thống chính sách, pháp luật về chuyển giao công nghệ, sàn giao dịch công nghệ còn chưa đồng bộ, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực cho thương mại hóa, đẩy mạnh cung - cầu công nghệ; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chưa tốt; còn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung công nghệ từ nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều kết quả nghiên cứu chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường; hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn trầm lắng; doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ có chất lượng; năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp còn yếu; các tổ chức trung gian chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến, chuyển giao công nghệ còn yếu; thiếu các tổ chức trung gian có vai trò đầu mối với quy mô cấp vùng, quốc gia và kế nối với thị trường quốc tế. Mặt khác, nhiều DN Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến vai trò của KH&CN (nhân tố động lực cho đổi mới và cạnh tranh). Quỹ phát triển KH&CN tại các DN đã trích lập hàng tỷ USD, nhưng rất khó giải ngân, trong khi nhu cầu nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ngày càng lớn…

Giải pháp hoàn thiện về chính sách pháp luật cho phát triển KH&CN

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan tiến hành rà soát tổng thể và đề xuất các giải pháp phù hợp, phương án điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về hoạt động KH&CN nói chung thị trường KH&CN nói riêng. Cụ thể là: Rà soát, đề xuất, ban hành các quy định pháp luật về góp vốn, thoái vốn khi tổ chức, cá nhân góp vốn bằng kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoàn thành trong năm 2024. Chủ trì xây dựng, triển khai các chính sách cụ thể để thu hút chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia người nước ngoài tham gia vào hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ tại Việt Nam; hoàn thành trong giai đoạn 2024 - 2025. Chủ trì xây dựng báo cáo hằng năm về thị trường khoa học và công nghệ. Xây dựng, ban hành các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá hoạt động của thị trường khoa học và công nghệ và hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương áp dụng. Chủ trì nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản pháp lý về sàn giao dịch công nghệ để bảo đảm thị trường khoa học và công nghệ hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh và bền vững. Phối hợp, hỗ trợ các địa phương hình thành và phát triển 03 sàn giao dịch công nghệ trọng điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và một số sàn giao dịch khoa học và công nghệ cấp địa phương. Hỗ trợ hình thành mạng lưới các tổ chức trung gian trong nước và kết nối với mạng lưới các tổ chức trung gian khu vực và quốc tế.

Xây dựng, đưa vào sử dụng trong năm 2024 cổng thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường khoa học và công nghệ nhằm cung cấp thông tin công nghệ, máy móc thiết bị phục vụ nhu cầu ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh, báo cáo cấp có thẩm quyền trong năm 2024. Nghiên cứu, đề xuất phương án thúc đẩy doanh nghiệp thành lập và sử dụng hiệu quả quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong hoạt động tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong gần 10 năm thi hành cũng như những bất cập nảy sinh giữa quy định của Luật Khoa học và Công nghệ với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành gần đây, là công việc việc cấp thiết. Theo đó, có 6 nhóm chính sách được Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất sửa đổi, bổ sung gồm: Hoàn thiện quy định thành lập và hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ, tăng cường quản lý và nâng cao vai trò của tổ chức khoa học và công nghệ; hoàn thiện quy định về cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; bổ sung quy định về chức danh công nghệ và các chính sách ưu đãi; hoàn thiện quy định về nhiệm vụ khoa học và công nghệ; sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoàn thiện quy định hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.

Để giải quyết các vấn đề cấp bách trong đổi mới và phát triển KH&CN ở nước ta, bên cạnh những vấn đề nêu trên, theo các chuyên gia, cần chú trọng đến một số giải pháp sau:

- Liên quan đến vấn đề quy hoạch lại hệ thống KH&CN công lập: Rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức KH&CN công lập theo hướng giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu để phù hợp với các định hướng ưu tiên về kinh tế – xã hội của quốc gia, ngành, vùng và gắn kết nghiên cứu và đào tạo. Tập trung vào sáp nhập, chuyển đổi thành doanh nghiệp hoặc cổ phần hóa đối với các viện nghiên cứu không đáp ứng được các điều kiện về lĩnh vực ưu tiên, các tiêu chuẩn về năng lực và chất lượng, chuyển một số tổ chức KH&CN công lập hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về trực thuộc các trường đại học, học viện đểthúc đẩy gắn kết giữa nghiên cứu với đào tạo.

- Đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý đối với tổ chức KH&CN công lập: Giao kinh phí cho các tổ chức KH&CN công lập dựa trên đánh giá định kỳ kết quả và hiệu quả hoạt động; thực hiện triệt để việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập trong xây dựng cơ cấu tổ chức, tuyển dụng, sử dụng nhân lực, sử dụng kinh phí, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo hiệu quả hoạt động.

- Đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước trên cơ sở bảo đảm dân chủ, cạnh tranh, khách quan, công khai và bình đẳng trong việc tuyển chọn tổchức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN; đổi mới căn bản công tác đánh giá kết quả nghiên cứu và tài chính cho nhiệm vụ KH&CN, bảo đảm sự tương hợp với chuẩn mực quốc tế. Hình thành một số dự án,chương trình KH&CN cấp quốc gia lớn trong một số lĩnh vực trọng điểm,có thế mạnh và có tiềm năng nhằm giải quyết những vấn đề đặc biệt quan trọng trong dài hạn để phát triển đất nước.

- Nhanh chóng xây dựng đội ngũ nhà khoa học đầu ngành theo các quy định hiện hành, đặc biệt trong các lĩnh vực KH&CN ưu tiên. Tạo điều kiện để các nhà khoa học đầu ngành phát huy vai trò trong việc tạo ra những bước đột phá trong phát triển KH&CN và kinh tế-xã hội, là đầu tầu phát triển nguồn nhân lực KH&CN của đất nước và là hạt nhân thúc đẩy hội nhập quốc tế về KH&CN.

- Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, tri thức quản lý, đào tạo nhân lực khoa học và công nghệvà đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST) thông qua doanh nghiệp FDI. Rà soát, hoàn thiện các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp FDI có sử dụng lao động trình độ cao là người Việt Nam và triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.

- Xây dựng và thực thi chính sách mang tính đột phá để khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp. Thúc đẩy hình thành và phát triển bộ phận nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp. Tăng cường liên kết với viện, trường xây dựng và cùng tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN các cấp. Rà soát, sửa đổi các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hình thành quỹ KH&CN đủ lớn để đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ. Xây dựng hành lang pháp lý cho phép sử dụng kết quả KH&CN/tài sản trí tuệ để góp vốn thành lập doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST với các giải pháp về con người, công nghệ và thị trường. Chú trọng quan hệ phối hợp đồng bộ trong giải quyết các vấn đề cấp bách. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt của các cấp ủy Đảng và chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề cơ bản và cấp bách về KH&CN…/.

Ths. Phan Văn Đông

...