Năm 2023 là mốc kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 - một trong những định hướng chính sách quan trọng đối với sự phát triển văn hóa của đất nước. Sau 80 năm, những giá trị của bản Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện sức sống của Đề cương trong xã hội đương đại. Những nguyên lý phát triển văn hóa như Dân tộc hóa – Khoa học hóa – Đại chúng hóa đang được bổ sung những nội dung mới, để làm phong phú thêm những giá trị văn hóa, tạo điều kiện phát triển bền vững đất nước.
Đề cương ra đời trong bối cảnh đất nước chưa giành được độc lập, chính vì vậy, một trong những mục tiêu căn bản của việc ban hành Đề cương là dùng văn hóa để trở thành sức mạnh cho dân tộc. Trên thực tế, văn hóa đã tạo nên sức mạnh thực sự cho dân tộc ta khi chúng ta sử dụng văn hóa để tạo nên sự thống nhất trong nhận thức về lòng yêu nước. Đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Kết quả, chúng ta đều chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Vũ khí lớn nhất của chúng ta không phải là khí tài quân sự hiện đại mà chính là lòng yêu nước. Mọi người đều thuộc lòng những câu ca dao, tục ngữ về lòng yêu nước, những câu chuyện gắn bó con người với đất nước qua câu chuyện về Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung…
Không phải ngẫu nhiên, năm 1954, trước khi về Thủ đô, Bác Hồ đến thăm Đền Hùng và để lại câu nói truyền cảm hứng và niềm tin cho toàn dân tộc: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi lãnh tụ chính là một kết quả tất yếu của tư tưởng dân tộc hóa. Những bài hát với lời ca như “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, “ta tự hào đi lên ôi Việt Nam”, “Đảng đã cho ta cả mùa xuân của cuộc đời. Đảng truyền cho ta một niềm tin ở tương lai”… đã là niềm cảm hứng cho bao thế hệ thanh niên tình nguyện, vui vẻ ra trận; Những bài hát về chủ tịch Hồ Chí Minh như “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”, “Đất nước nghiêng mình. Đời đời nhớ ơn. Tên Người sống mãi với non sông Việt Nam”… đến nay vẫn là nguồn cổ vũ, động viên mọi người về tấm gương đạo đức, luôn đem lại biết bao xúc động trong lòng nhân dân cả nước. Đây chính là sức mạnh tinh thần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và giải phóng đất nước về sau này để văn hóa trở thành cột mốc chủ quyền của đất nước.
Văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu vừa là động lực, là hệ điều tiết của sự phát triển xã hội là những quan điểm cơ bản cho sự phát triển văn hóa ngày nay đã bắt nguồn từ những tư tưởng đầu tiên của Đảng về phát triển nền văn hóa Việt Nam dân tộc, khoa học, đại chúng này.
1. Khoa học hóa là một trong những nguyên tắc quan trọng đối với sự phát triển văn hóa. Nguyên tắc này chịu ảnh hưởng quan trọng của chủ nghĩa Mác – Lê Nin với tư tưởng của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.
Văn hóa, ở một phương diện nào đó, chính là thói quen của con người, từ đó hình thành nên phong tục tập quán, truyền thống của một dân tộc. Vì thế, văn hóa khó có thể xem xét dưới góc độ khoa học, hay nói cách khác, người ta khó dùng khoa học để soi sáng những vấn đề của văn hóa. Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời đưa một ánh sáng mới trong việc xử lý những vấn đề của văn hóa: đó là hướng người dân đến với mức độ phát triển của văn hóa: VĂN MINH.
Chúng ta cần phải đặt Đề cương trong hoàn cảnh lịch sử của nó để hiểu hơn nguyên tắc khoa học hóa. Khi đất nước ta đang chìm đắm trong một thời kỳ phong kiến và thực dân, nhiều phong tục tập quán lạc hậu, không phù hợp đang kéo lùi sự phát triển của lịch sử dân tộc. Nhiều tệ nạn xã hội được chỉ ra trong các tác phẩm của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố… cho thấy, chỉ bằng cách thay đổi những hủ tục lạc hậu, không phù hợp của văn hóa thì mới giúp đất nước phát triển. Tư tưởng căn bản của đề cương là mong muốn thay đổi phong hóa của dân tộc: từ việc thay đổi nhận thức, thói quen, lối sống sẽ tạo ra nguồn lực giải phóng dân tộc, phát triển đất nước. Rõ ràng, từ tư tưởng khoa học hoá, kể từ khi giành được độc lập, văn hoá của đất nước nhìn chung đã hướng đến những giá trị văn minh, từng bước loại bỏ yếu tố lạc hậu trong văn hoá, góp phần hình thành một nền văn hoá mới xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta cần lưu ý rằng, trong văn hóa có cả yếu tố tích cực và tiêu cực. Chúng ta thường hay nhấn mạnh đến những yếu tố tích cực của văn hóa để cổ vũ, động viên mọi người, tuy vậy, trong văn hóa cũng có nhiều yếu tố tiêu cực, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Lấy những ngày tết mà chúng ta vừa trải qua trong năm Quý Mão này chẳng hạn, nhiều phong tục tết rất đáng quý, giúp chúng ta trải nghiệm, nhớ lại những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc. Tuy nhiên, nhiều thói quen ngày tết rất nên bỏ trong bối cảnh xã hội đã thay đổi như tụ tập rượu chè, tâm lý chây ì, nghỉ ngơi quá nhiều,… Hay ngay trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, chúng ta cũng thấy nhiều thói quen mất vệ sinh trở thành nguyên nhân gây ra bệnh dịch. Thực tế đã chỉ ra rằng, nhờ có tư tưởng khoa học – văn minh trong xây dựng văn hóa, nhiều thói quen tốt, lối sống tốt của người Việt được hình thành như thói quen tuân theo khoa học, xếp hàng khi mua bán hay nhường nhịn người già, trẻ em, phụ nữ khi tham gia giao thông.
2. Nguyên tắc đại chúng hoá trong phát triển văn hóa có lẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng. Đại chúng ở đây được hiểu là văn hóa được hình thành bởi đa số nhân dân, dành cho đa số nhân dân, vì lợi ích đa số nhân dân. Thực ra, nguyên tắc này không mới trong dòng chảy lịch sử tư tưởng phát triển của đất nước, khác chăng là nguyên tắc này được nhấn mạnh, cô gọn để trở thành một kiểu triết lý phát triển. Ông cha ta đã từng nói: “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, hay “chèo thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Bác Hồ cũng diễn đạt rất dễ hiểu về từ DÂN CHỦ nghĩa là người dân làm CHỦ. Tất cả để nói về tính chủ thể và khách thể của nhân dân trong xây dựng văn hóa.
Bối cảnh ra đời của Đề cương cho chúng ta thấy, Đảng ta đã thấy vai trò quan trọng của nhân dân trong việc thực hiện thắng lợi cách mạng. Để có thể đoàn kết, tạo ra sức mạnh từ nhân dân, văn hóa là yếu tố then chốt. Khi chúng ta xây dựng được văn hóa yêu nước cho nhân dân, độc lập dân tộc trở thành một điều tất yếu. Chính vì thế, chúng ta có thể hiểu Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là là hệ quả tất yếu của sử dụng văn hóa để tạo ra sức mạnh cho nhân dân. Văn hóa yêu nước được tạo ra bởi quần chúng nhân dân, nuôi dưỡng bởi quần chúng nhân dân! Và như vậy, chăm sóc, xây dựng văn hóa cho nhân dân trở thành nhiệm vụ xuyên suốt của cách mạng Việt Nam.
Chúng ta sẽ hiểu hơn về vấn đề này khi trong những năm tiếp theo, các cơ sở đào tạo về văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa phát triển rất mạnh. Các trường văn hóa, nghệ thuật được hình thành để đào tạo ra các cán bộ hướng dẫn văn hóa cho người dân, tìm hiểu, khai thác vốn văn hóa trong nhân dân, phát triển nghệ thuật quần chúng; các thiết chế văn hóa ở cơ sở như nhà văn hóa, thư viện… phát triển rộng khắp, trở thành mạng lưới ở các địa phương như một hình thức để phổ biến văn hóa, tạo điều kiện nâng cao hiểu biết về văn hóa cho người dân. Tất nhiên, điều gì cũng có hai mặt của nó, nhưng rõ ràng, nguyên tắc đại chúng hoá đã tạo điều kiện cho phát triển văn hóa, định hình sự phát triển văn hóa từ năm 1943 đến tận ngày nay.
3. Tiếp theo Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (Ban chấp hành Trung ương Khóa VIII) và Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban chấp hành Trung ương Khóa XI) được xem là những văn kiện quan trọng của Đảng về phát triển văn hóa Việt Nam. Các văn kiện này đã cụ thể hóa 3 nguyên tắc phát triển văn hóa Việt Nam của Đề cương.
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chính là sự kế thừa gần gũi nhất của Đề cương, khi mà tiên tiến thể hiện nguyên tắc khoa học, đậm đà bản sắc dân tộc bổ sung giá trị cho nguyên tắc dân tộc trong Đề cương. Tiên tiến là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Tiên tiến không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải nội dung. Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn nǎm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân-gia đình-làng xã-Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... Bản sắc vǎn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo. Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong vǎn hóa các dân tộc khác. Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ.
Như vậy, nguyên tắc dân tộc được bổ sung những giá trị của thế giới để trở thành nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bảo tồn và phát huy những di sản vǎn hóa tốt đẹp của dân tộc, sáng tạo nên những giá trị vǎn hóa mới, xã hội chủ nghĩa, làm cho những giá trị ấy thấm sâu vào cuộc sống toàn xã hội và mỗi con người, trở thành tâm lý và tập quán tiến bộ, vǎn minh là một quá trình cách mạng đầy khó khǎn, phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian. Trong công cuộc đó, "xây" đi đôi với "chống", lấy "xây" làm chính. Cùng với việc giữ gìn và phát triển những di sản vǎn hóa quý báu của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa vǎn hóa thế giới, sáng tạo, vun đắp nên những giá trị mới, phải tiến hành kiên trì cuộc đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi mưu toan lợi dụng vǎn hóa để thực hiện "diễn biến hòa bình".
Bổ sung, phát triển nguyên tắc khoa học hoá, hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ; nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập trở thành nhiệm vụ xuyên suốt qua các Nghị quyết của Đảng về văn hóa.
Quan điểm xây dựng và phát triển vǎn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng một lần nữa thể hiện nguyên tắc đại chúng hoá trong phát triển văn hóa của Đảng. Trong Nghị quyết Trung ương năm: “Mọi người Việt Nam phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, vǎn minh đều tham gia sự nghiệp xây dựng và phát triển nền vǎn hóa nước nhà. Công nhân, nông dân, trí thức là nền tảng khối đại đoàn kết toàn dân, cũng là nền tảng của sự nghiệp xây dựng và phát triển vǎn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đội ngũ trí thức gắn bó với nhân dân giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển vǎn hóa.” (Nguồn: Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (Ban chấp hành Trung ương Khóa VIII).)
Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (BCH TW khóa XI) một lần nữa phát triển nguyên tắc đại chúng hoá bằng quan điểm phát triển văn hóa để xây dựng con người, phát triển con người để xây dựng văn hóa. Nghị quyết ghi rõ: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.” (Nguồn: Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban chấp hành Trung ương Khóa XI).). Giờ đây, nguyên tắc đại chúng hoá đã được cụ thể hóa bởi những phẩm chất cụ thể cho con người Việt Nam.
Bên cạnh đó, không chỉ trong các nghị quyết của Đảng mà còn trong các văn kiện, chiến lược, văn bản khác của Nhà nước, những nguyên tắc dân tộc hoá, khoa học hoá, đại chúng hoá trong xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam. Điều đó chứng tỏ sức sống lâu bền của Đề cương văn hoá 1943 với sự phát triển đất nước trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện Đảng quan trọng đối với sự phát triển văn hóa của đất nước. Ngay từ những năm đầu tiên của Đảng, Đảng ta đã nhận ra tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển chung của dân tộc, và Đề cương ra đời đã minh chứng cho tầm nhìn chiến lược đó. Trải qua thời gian, 3 nguyên tắc phát triển văn hóa trong Đề cương đã chứng minh được tính đứng đắn, đồng thời định hướng cho sự phát triển văn hóa.
Ý nghĩa quan trọng của Đề cương là đặt văn hóa ở vị trí hàng đầu, “văn hóa soi đường quốc dân đi”. Trong bối cảnh hiện nay, khi đạo đức xã hội gặp nhiều vấn đề, nhiều hiện tượng văn hóa phiền phức, mê tín dị đoan phát triển trở lại, những tư tưởng sáng suốt của Đề cương, một lần nữa, cho thấy tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng. Từ 3 nguyên tắc dân tộc hóa – khoa học hóa – đại chúng hóa, giờ đây, văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, và là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Nhìn nhận Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 trong dòng chảy chính sách của Đảng, chúng ta sẽ thấy rõ hơn sự vận động của văn hóa, từ đó, có đánh giá đúng và chính xác hơn về sự phát triển chung của đất nước.
TS.Bùi Hoài Sơn,
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội