14/01/2025 lúc 03:17 (GMT+7)
Breaking News

Để biến rác thành tài nguyên

VNHN - Ngay từ ngày đi học tiểu học, mỗi chúng ta đều thuộc lòng câu nói “Việt Nam rừng vàng biển bạc”, nhưng ngày nay, do nhu cầu phát triển của xã hội, của con người mà “rừng vàng biển bạc”, tài nguyên thiên nhiên của chúng ta đã mỗi ngày một vơi cạn. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ngày nay con người có thể tìm ra những nguồn tài nguyên nhân tạo khác thay thế tài nguyên tự nhiên. Một trong số đó là từ các phế thải sinh hoạt, hay còn gọi chung là rác.

VNHN - Ngay từ ngày đi học tiểu học, mỗi chúng ta đều thuộc lòng câu nói “Việt Nam rừng vàng biển bạc”, nhưng ngày nay, do nhu cầu phát triển của xã hội, của con người mà “rừng vàng biển bạc”, tài nguyên thiên nhiên của chúng ta đã mỗi ngày một vơi cạn. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ngày nay con người có thể tìm ra những nguồn tài nguyên nhân tạo khác thay thế tài nguyên tự nhiên. Một trong số đó là từ các phế thải sinh hoạt, hay còn gọi chung là rác.

Ảnh minh họa - Internet 

Nhiều quốc gia trên thế giới đã chú ý đến việc sử dựng rác như một nguồn tài nguyên, và xử lý rác thải là một ngành công nghiệp không chỉ mang lại nhiều lợi nhuận, mà còn  góp phần giữ môi trường sạch hơn. Nhiều quốc gia như Thái Lan, Myanmar, Singapore,… với việc áp dụng các phương pháp tái chế rác hợp lý, nên mỗi năm họ đã tiết kiệm được 50 - 55% các loại nguyên liệu như bột giấy, nhựa, kim loại nặng từ việc tái chế rác thải… Ở một số quốc gia phát triển khác, rác thải đã được sử dụng là nguyên liệu đầu vào cho một số nhà máy phát điện; như tại Đan Mạch, để cung ứng đủ điện cho nhu cầu sử dụng, quốc gia này thậm chí còn phải đi nhập khẩu rác thải từ nước ngoài để phát điện. Trong một chừng mực nào đó, rác thải đã trở thành một nguồn tài nguyên vô tận.

Ở Hàn Quốc, cách thủ đô Seoul khoảng 70km về phía tây là Incheon - thành phố đông dân thứ ba của Hàn Quốc. Incheon nổi tiếng bởi có sân bay quốc tế được Hội đồng Cảng hàng không quốc tế (ACI) đánh giá là một trong 3 sân bay 5 sao trên thế giới. Incheon còn nổi tiếng vì nó là khu kinh tế mở đầu tiên của Hàn Quốc, thu hút đầu tư của các công ty bản địa lớn nhất cũng như các hãng kinh doanh toàn cầu. Tuy nhiên, điều còn nhiều người chưa biết là Incheon còn có khu liên hợp xử lý rác thải lớn nhất của Hàn Quốc. Vì thế, nó cũng phải “đương đầu” với những vấn đề nan giải về môi trường. Cũng đã từng có biểu tình, đấu tranh phản đối của cư dân trong một thời gian dài. Nhưng đó là chuyện đã cũ rồi. Với quan điểm “tuần hoàn tài nguyên” (resource circulation), vùng Sudokwon của thành phố Incheon đã được Chính phủ và Bộ Môi trường Hàn Quốc quy hoạch thành khu công viên sinh thái môi trường đa chức năng, vừa là khu liên hợp xử lý rác thải thân thiện môi trường, vừa là nơi vui chơi, giải trí, giáo dục và nghiên cứu về môi trường.

Ở Nhật Bản, một đất nước nghèo tài nguyên thiên nhiên, họ đã biến rác thải thành tài nguyên. Chẳng hạn, người Nhật đã hình thành những khu chứa rác khổng lồ, sau đó họ chôn lấp và trồng cây lên, tạo thành những đảo rác lấn biển. Những đảo rác ấy lại tiếp tục được đầu tư xây dựng, trở thành những hòn đảo nhân tạo xinh xắn, như là Odaiba ở Tokyo. Người nước ngoài đến Nhật, có lẽ bài học đầu tiên để hòa nhập vào cộng đồng là việc phân loại rác. Trong một tuần, họ có những ngày nhất định để vứt giấy, sách báo; có ngày để bỏ các đồ không đốt được; có ngày để hủy đồ đốt được…Và, điều không thể không nói đến chính là tính tự giác cao của mỗi người dân trong việc giữ vệ sinh chung và để rác đúng nơi, đúng cách. Điều này không những giữ được môi trường luôn sạch, mà còn giúp cho quá trình tái chế rác, biến rác thành tài nguyên được thực hiện đạt hiệu quả cao.

Còn đất nước chúng ta thì sao, câu chuyện về tái chế rác thải có phải là con số không hay không? Ngay từ bé, ta đã từng biết gom mớ tóc rối để đổi sang kẹo kéo; sử dụng những chiếc hộp xà phòng cũ làm thành chiếc đèn lồng; gom vỏ chai thủy tinh, chai nhựa cũ để bán “đồng nát”;…Đó cũng là  tái chế rác, tuy nhiên cách làm, người làm thì vẫn mang tính manh mún, tự phát và thô sơ.

Ở nhiều siêu thị, nhiều khu phố tại các thành phố lớn ở nước ta đều có các thùng rác đôi, một vàng một xanh, mỗi màu tương ứng với rác hữu cơ và rác vô cơ. Một số gia đình cũng phân loại thức ăn thừa, rau cỏ vào thùng vàng. Nhưng rốt cuộc, vào cuối ngày, người đi thu gom rác, các xe chở rác vẫn gom lẫn lộn tất cả vào cùng một thùng và mang đi, vậy là hòa cả làng…

Theo TS. Lê Văn Khoa, Giám đốc quỹ Tái chế chất thải TP. Hồ Chí Minh, hầu hết các loại rác thải có thể tái chế: kim loại, giấy, thuỷ tinh, nilông, thiết bị điện tử, rác thải xây dựng, sơn, hóa chất, dầu ăn… Đối với TP. Hồ Chí Minh, nếu việc phân loại rác và thực hiện tốt biện pháp 3T: “tiết giảm, tái sử dụng và tái chế chất thải” thì hoàn toàn có thể “sử dụng” hiệu quả khoảng 7.500 tấn rác phát sinh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh mỗi ngày. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn rác thải của thành phố đều mang đi chôn lấp trong khi việc phân loại, tái chế thì rất sơ sài. Hiện có tới hơn 90% lượng rác được xử lý bằng biện pháp chôn lấp,  chỉ có 10% còn lại làm phân compost. Theo tính toán, nếu việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện thành công, thành phố sẽ tái sử dụng  được tới 90-95% khối lượng chất thải rắn, trong đó khoảng 70% dành để tái sinh năng lượng (đốt phát điện) và sản xuất phân compost, phân vi sinh giúp giảm đáng kể ô nhiễm môi trường.

Để giải quyết vấn đề rác thải theo con đường tái chế, từ năm 2011 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011- 2020, theo đó 70% tổng số lượng chất thải rắn ở nông thôn phải thu gom và xử lý để bảo đảm vệ sinh môi trường, với 60% được tái chế để tái sử dụng. Năm 2015 thì 85% tổng số lượng chất thải rắn tại đô thị được thu gom, xử lý, 60% được tái chế để tái sử dụng, hai con số này đến năm 2020 là 90% và 85%. Từ 2016-2020, 90% tổng số lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại, 100% chất thải rắn y tế, phải được thu gom và xử lý. Đây là chủ trương đúng đắn và phù hợp của Chính phủ trong bối cảnh hiện nay, thể hiện ý chí, sự quyết tâm của Nhà nước trong công tác xử lý, tái chế rác thải. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chủ trương đó còn nhiều mặt chưa đồng bộ và bất cập, do vậy tiến độ, hiệu quả thực hiện đều chưa cao.

Trên địa bàn Hà Nội, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đồng thời tìm kiếm một nguồn cung năng lượng mới, dự án xây dựng nhà máy biến rác thải thành điện đầu tiên tại Việt Nam mới được khởi công xây dựng tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Dự án có công suất xử lý mỗi ngày 75 tấn chất thải công nghiệp và nguy hại, đồng thời tận dụng nhiệt phát điện với công suất 1.930 kW (ở chế độ định mức) do Tổ chức phát triển kỹ thuật công nghiệp và Năng lượng mới (NEDO) - Nhật Bản tài trợ. Đây được xem là một mô hình kiểu mẫu đầu tiên tại Việt Nam, áp dụng công nghệ lò đốt tiên tiến của Nhật Bản để tái sử dụng nguyên liệu chất thải. Ngoài ra, còn sử dụng năng lượng từ việc xử lý chất thải công nghiệp để sản xuất điện năng cung cấp cho khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, góp phần làm giảm gánh nặng về việc thiếu hụt điện năng của thành phố…Về lâu dài, cần rất nhiều những dự án tương tự, đặc biệt là tại các thành phố lớn, để có thể biến rác thành một nguồn tài nguyên.

Thực tế hiện nay cho thấy, để các chương trình xử lý và chế biến rác thải thành công, còn cần đến rất nhiều sự ủng hộ, cũng như sự thay đổi quan điểm sống xưa cũ của người dân về rác để rác không còn là thứ bỏ đi như người dân vẫn quan niệm lâu nay.