Giải phóng mặt bằng là khâu then chốt
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 gồm các đoạn Hà Tĩnh – Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi – Nha Trang (353 km) và Cần Thơ – Cà Mau (109 km) với tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố và được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.
Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư 12/12 dự án thành phần vào ngày 13/7. Hiện nay, các chủ đầu tư đã trình hồ sơ thiết kế kỹ thuật được 208/721,2 km (đạt 29%). Dự kiến đến ngày 5/11, sẽ phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán toàn bộ 12 dự án thành phần.
Bộ GTVT cho biết, xác định GPMB là công việc phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban QLDA sớm bàn giao cọc GPMB theo từng đợt để các địa phương chuẩn bị công tác GPMB.
Trên cơ sở đo đạc tại thực địa, các địa phương đã thực hiện kiểm đếm. Đến nay, đã kiểm đếm được 5.854/6.303 ha, đạt tỷ lệ trung bình 93%. Một số tỉnh đã lập và phê duyệt phương án bồi thường theo từng đợt.
Theo kết quả kiểm đếm đến ngày 10/10, tổng số hộ bị ảnh hưởng là 40.100 hộ và phải tái định cư (TĐC) 6.637 hộ. Các địa phương dự kiến xây dựng 116 khu TĐC và hiện đã phê duyệt quy hoạch của 50 khu TĐC.
Về phương án bồi thường, toàn dự án đã phê duyệt phương án bồi thường được 426/3.238 ha đạt 13%. Tuy nhiên, bên cạnh các tỉnh đã lập và phê duyệt phương án bồi thường như Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Quảng Ngãi,… thì vẫn còn một số tỉnh chưa phê duyệt phương án bồi thường như các tỉnh Quảng Trị, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang.
Làm chắc chắn nhưng phải nhanh
Tại cuộc họp, nhiều địa phương đề xuất các bộ, ngành hỗ trợ, phối hợp liên quan bồi thường tái định cư cho công trình quốc phòng; di dời đối với các công trình điện cao thế; chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa; về thẩm định mỏ vật liệu và bãi đổ thải.
Các địa phương khẳng định cam kết bàn giao 70% diện tích mặt bằng trong tháng 11 để có thể khởi công dự án trong tháng 12/2022.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, "đây là công trình chỉ định thầu nên phải chặt chẽ"."Làm chắc chắn nhưng phải nhanh".
Về vốn cho GPMB, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ đã giao kế hoạch vốn 7.174,83 tỷ đồng (năm 2022) cho các địa phương để triển khai công tác GPMB.
Trên cơ sở nguồn vốn năm 2022 được bố trí, Bộ GTVT yêu cầu các Ban QLDA làm việc với các tổ chức/Hội đồng làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để rà soát nhu cầu, khả năng giải ngân của từng địa phương theo tiến độ GPMB, kịp thời báo cáo Bộ GTVT để điều chỉnh (nếu cần).
Ông Lê Đình Thọ cũng lưu ý việc chuẩn bị mỏ vật liệu và bãi đổ thải cần được tiến hành song song, bởi "nếu GPMB xong nhưng không có mỏ vật liệu, bãi đổ thải thì cũng không thi công được".
Đảm bảo tiến độ khởi công cao tốc vào tháng 12/2022
Bộ GTVT cũng cho biết, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Công tác kiểm kê tài sản trên đất ở một số địa phương tại một số dự án và công tác lập phương án bồi thường, GPMB còn chậm.
Việc triển khai các thủ tục, các công việc để xây dựng khu tái định cư thường kéo dài, nếu không đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện sẽ ảnh hưởng đến công tác GPMB.
Do đó, để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc bảo đảm tiến độ dự án, Bộ GTVT kính đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác đo đạc tại thực địa trước ngày 15/10/2022 và đẩy nhanh công tác kiểm kê tài sản trên đất, hoàn thành toàn bộ trong tháng 10/2022.
UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phê duyệt phương án từng đợt, từng đoạn tuyến và thực hiện chi trả, ưu tiên GPMB cho các gói thầu khởi công, các vị trí phải xử lý nền đất yếu; khẩn trương lập, phê duyệt dự án và xây dựng hạ tầng các khu tái định cư đáp ứng tiến độ yêu cầu; hoàn thiện các thủ tục để sớm thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt là các đường điện cao thế và các công trình nằm trong phạm vi thi công).
Bộ GTVT cũng đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng bố trí kinh phí để di dời các công trình quốc phòng tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bảo đảm các quy định về an toàn.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, đây là dự án quan trọng mà Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ, phải hoàn thành vào năm 2025. Khối lượng công việc rất lớn khi thời gian còn lại không nhiều. Nếu chậm một nhịp thì công trình sẽ không hoàn thành đúng tiến độ.
Phó Thủ tướng cho biết trách nhiệm của các địa phương trước Chính phủ là GPMB, bảo đảm tiến độ mà Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra. Theo đó, các địa phương phải bàn giao 70% diện tích mặt bằng trước ngày 20/11/2022. Các địa phương chưa phê duyệt phương án GPMB thì cần phê duyệt xong trong tháng này.
Các ban quản lý dự án cần đề cao trách nhiệm trước Bộ GTVT, trước Chính phủ trong công tác này. Từ nay tới thời điểm khởi công mà các dự án chậm GPMB, ảnh hưởng tới tiến độ thì sẽ xem xét trách nhiệm của ban quản lý dự án.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng ghi nhận và biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương khi thực hiện các nội dung chuẩn bị cho việc khởi công các gói thầu dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Dù đã làm tốt các phần việc trong thời gian qua nhưng theo đánh giá của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, để đảm bảo dự án được khởi công vào cuối tháng 12/2022 thì khối lượng các công việc, nhất là công tác đền bù GPMB vẫn còn nhiều khó khăn nên các đơn vị, địa phương cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp, thực hiện hiệu quả công việc được giao.