Những năm qua, vấn đề văn hóa và phát triển văn hóa được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, chú trọng với quan điểm: "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội". Nhiều chính sách, chiến lược, cơ chế đầu tư cho văn hóa được ban hành, lĩnh vực văn hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Chủ trương và thực trạng phát triển văn hóa
Văn hóa không chỉ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, mà còn góp phần định hình ý thức và giá trị con người, sức mạnh dân tộc. Những giá trị văn hóa đặc trưng của Việt Nam như tình yêu nước, tinh thần đoàn kết, chia sẻ, nghĩa tình... đã góp phần tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thực trạng nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa hiện nay còn không ít bất cập, chưa xứng tầm, vẫn còn tình trạng thiếu đồng bộ, chưa đúng địa chỉ, dàn trải, hiệu quả chưa được như mong muốn. Không những vậy, nhiều di tích bị xuống cấp không được trùng tu; nhiều giá trị văn hóa truyền thống mai một, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xu thế phát triển nền kinh tế thị trường đang tác động nhiều chiều đến văn hóa như hiện nay. Nhiều nơi thiếu đi các thiết chế văn hoá, đời sống văn hóa tinh thần của người dân chưa được quan tâm đúng mức...
Kết quả khảo sát và các số liệu thống kê của nhiều địa phương giai đoạn 2015-2020 cho thấy đầu tư cho lĩnh vực văn hóa ở mức thấp. Trên cả nước, mức chi ngân sách cho lĩnh vực văn hóa giai đoạn này chỉ đạt mức 1,71%, dưới chỉ tiêu đặt ra. Tính đến năm 2020, hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước mới chỉ đạt được từ 50-60% định mức tỷ lệ chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin.
Có thể nói, trong một thời gian dài, trong xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương, văn hóa vẫn chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy được vai trò tham gia thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và theo đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa còn rất khiêm tốn, chưa xứng tầm.
Mục tiêu ngành văn hóa đặt ra đến năm 2030 sẽ đảm bảo đầu tư cho 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế chế văn hóa, cấp huyện, cấp xã có Trung tâm văn hóa - thể thao; 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa; tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa… Nhưng mục tiêu đó có thực hiện được hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào mức kinh phí đầu tư được thực hiện. Đồng thời phải có sự thay đổi ngay từ bên trong, trước hết là ở cơ quan quản lý văn hóa, ở người đứng đầu các cấp đối với văn hóa.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa". Tuy vậy, chủ trương đúng đắn của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa vẫn chưa được hiện thực hóa một cách đầy đủ trong đời sống xã hội, cũng như trong kế hoạch đầu tư và phát triển cụ thể. Cho nên, để thực hiện mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc" đòi hỏi phải có ngay những giải pháp, những điều chỉnh kịp thời, đồng bộ, phù hợp tình hình thực tiễn.
Giải pháp cho phát triển văn hóa
Để văn hóa phát triển xứng tầm, đúng với chủ trương của Đảng và yêu cầu của thực tiễn đất nước, trước hết cần khẩn trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực văn hóa, nhằm tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội về văn hóa, tạo nguồn lực phát triển; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, hợp tác công tư cho phát triển văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa; chính sách thúc đẩy phát triển tài năng, tinh hoa trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhân lực của ngành văn hóa... Đây là vấn đề hết sức cần thiết, vì nguồn lực cho văn hóa không chỉ là vấn đề tài chính, ngân sách, con người mà gồm cả cơ chế, chính sách, pháp luật và thời đại.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn xã hội trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; cũng như quan điểm đúng đắn trong việc đầu tư nguồn lực, đầu tư chính sách cho phát triển văn hóa.
Một giải pháp nữa là phải nâng cao năng lực quản trị và cơ chế phân bổ nguồn đầu tư công trong việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính cho phát triển văn hóa. Nghĩa là cơ chế đầu tư cần hướng tới các mục tiêu dài hạn và được triển khai theo các tiêu chí rõ ràng. Nhà nước xây dựng kế hoạch cụ thể và lựa chọn đầu tư vào các lĩnh vực, các ngành trọng điểm, ưu tiên các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số loại hình nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn, phát huy; ưu tiên đầu tư vào loại hình sản phẩm và dịch vụ văn hóa phục vụ nhu cầu chung của cả cộng đồng, hoặc một số sản phẩm và dịch vụ văn hóa không thể do tư nhân cung ứng vì đòi hỏi những điều kiện nhất định mà chỉ có Nhà nước mới đủ tiềm lực để thực hiện.
Hoàn thiện hơn nữa chính sách, cơ chế nhằm đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, phát huy sự tham gia của xã hội vào việc phát triển văn hóa; bao gồm các chính sách, cơ chế ưu đãi (về thuế, phí, tín dụng, quyền sử dụng đất…) nhằm đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa./.
Ths. Hoàng Chung