23/12/2024 lúc 16:25 (GMT+7)
Breaking News

Đầu tư, hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu cá cảnh

VNHN - Trong vài năm gần đây, cá cảnh thành phố phát triển mạnh, vì chỉ cần diện tích nhỏ cũng có thể kinh doanh, sản xuất. So với cá thịt, cá cảnh có thị trường, năng suất tốt, ngoài ra còn được Nhà nước hỗ trợ chính sách.

VNHN - Trong vài năm gần đây, cá cảnh thành phố phát triển mạnh, vì chỉ cần diện tích nhỏ cũng có thể kinh doanh, sản xuất. So với cá thịt, cá cảnh có thị trường, năng suất tốt, ngoài ra còn được Nhà nước hỗ trợ chính sách.

Nuôi cá cảnh xuất khẩu với thương hiệu Discus House

Tiềm năng

Theo Chi cục Thủy sản TPHCM, sản lượng cá cảnh sản xuất và xuất khẩu tăng đều qua các năm. Tính đến năm 2018, tổng diện tích nuôi cá cảnh trên toàn thành phố khoảng 88,9ha với hơn 292 cơ sở, hộ nuôi, chủ yếu tập trung ở huyện Bình Chánh, Củ Chi; quận 12, quận 9, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức. Trong đó có 3 hình thức nuôi là trong hồ kính, hồ xi măng, ao đất. Sản lượng cá cảnh năm 2018 sản xuất đạt 182 triệu con, tăng 17,4% so với năm 2017; xuất khẩu trên 20,31 triệu con, tăng 11,6% so với năm 2017, giá trị kim ngạch đạt 22,39 triệu USD, tăng 11,5% so với năm 2017. Tuy chỉ có hơn 20 đơn vị, cá nhân của thành phố tham gia xuất khẩu, nhưng đã xuất đến 46 quốc gia, trong đó thị trường châu Âu chiếm 55%, châu Á 28,95%, châu Mỹ 14,44%, Trung Đông 0,92% và Nam Phi 1,63%.

Trong tháng 11-2019, thành phố sản xuất gần 12 triệu con cá cảnh, xuất khẩu 1.799.684 con (so với tháng 11-2018 là 1.732.796 con, đạt 103,9% so cùng kỳ); với kim ngạch 1.708.657 USD (tháng 11-2018 là 1.685.054 USD, đạt 101,4% so với cùng kỳ). Tính đến hết tháng 11-2019, số lượng cá cảnh sản xuất là 192,5 triệu con (11 tháng năm 2018 là 170 triệu con, đạt 113,24% so cùng kỳ). Số lượng cá cảnh xuất khẩu được 19,7 triệu con (11 tháng năm 2018 là 18,6 triệu con, đạt 105,7% so với cùng kỳ). Kim ngạch đạt 21 triệu USD (11 tháng năm 2018 là 20 triệu USD, đạt 104,4% so với cùng kỳ).

Cá cảnh được xác định là một trong những lĩnh vực nông nghiệp chủ lực của thành phố cần phát triển, vì tiềm năng hơn cá thịt. Cũng chính từ đó, bắt đầu năm 2016, thành phố đã tổ chức Triển lãm Cá cảnh TPHCM và diễn ra hàng năm, thu hút nông dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham quan trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, sưu tầm, nhân giống. Đặc biệt, năm 2019 có nhiều đơn vị đến từ các tỉnh thành phố khác như Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Dương, Tiền Giang. Để phát huy hiệu quả của tiềm năng cá cảnh, triển lãm còn trưng bày mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các dòng cá cảnh chất lượng tốt, giúp cho việc sản xuất các giống cá mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là những giống cá có thế mạnh xuất khẩu.

Thiếu quỹ đất “sạch”

Tiềm năng sản xuất cả cảnh rất lớn, nhưng với quỹ đất eo hẹp, nhiều nhà sản xuất không thể mở rộng diện tích để tăng sản lượng; đầu tư công nghệ để tăng chất lượng, nhằm đáp ứng với thị trường khó tính. Công ty TNHH - ĐT - XK Luxhouse (thương hiệu Discus House) có doanh thu xuất khẩu cá cảnh hơn 1 triệu USD/năm, đang liên kết với hơn 50 hộ nuôi cá ở các quận trong thành phố và tỉnh Long An, Tiền Giang, Bình Dương, nhưng khu sản xuất của công ty đang phải thuê lại mặt bằng 500m2 để vừa sản xuất, làm kho hàng vừa là trụ sở công ty...

Ông Ngô Đăng Linh, Giám đốc Discus House, chia sẻ nhiều lần tìm kiếm vị trí sản xuất phù hợp để thuê hoặc mua lại thì không được giá; cùng với đó hợp đồng thuê cũng không ổn định thời gian, nếu giá đất thị trường tăng thì chủ thuê sẽ bán. Còn đối với quỹ đất nhà nước rất khó tiếp cận.

Hàng năm xuất khẩu 4 triệu con cá Neon, doanh thu 100.000 - 150.000 USD/năm sang các quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Mỹ, Nga, Italy, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, đại diện lãnh đạo công ty Thiện Đức cho hay, cá Neon có nguồn gốc từ Brasil, nhưng chỉ có một số nước châu Á sản xuất thành công, trong đó, Việt Nam chiếm số lượng xuất khẩu toàn cầu rất cao. Tuy nhiên, giá thành sản xuất tại Việt Nam vẫn còn quá cao so với nước khác do nhân công lao động khó tìm, giá cao sẽ khó cạnh trạnh. Trong những năm qua, công ty đã gửi giống đến một số hộ nông dân để chuyển giao quy trình nhân giống, nhờ vậy tăng nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Mặt khác, nhà nước thường xuyên tổ chức triển lãm có sự tham gia của nước ngoài để mở rộng, kết nối thị trường, góp phần thúc đẩy sản lượng ngành thủy sản.

Không chỉ sản xuất, thành phố với lợi thế trung tâm giao dịch đã thu hút nhiều địa phương khác. Tham gia triển lãm cá được 2 mùa, bà Trần Thị Quỳnh Nhi, chủ trang trại Nhà Mình Farm, cho biết trang trại đã có 10 khách hàng trong nước và 4 khách hàng nước ngoài. Nhiều nông dân đã quảng bá được thương hiệu, kết nối với doanh nghiệp, không thông qua trung gian, giá thành tốt hơn nhờ hợp đồng ổn định. Thông qua triển lãm, nhiều nhà sản xuất cũng tiếp cận được công nghệ xử lý môi tường nước hiệu quả.

Ông Trương Hoàng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TPHCM, nhận định cá cảnh thành phố trở thành trung tâm sản xuất phục vụ cả nước, nếu tính riêng cá giống chiếm 70% cả nước. Với sản lượng và kim ngạch mỗi năm đều tăng, do đó, các cơ sở nuôi và kinh doanh cá cảnh nên quan tâm đăng ký bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa vì đây là vấn đề quan trọng cho việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi xuất khẩu. Tuy nhiên, quỹ đất phát triển cá cảnh không có, nên nhà sản xuất chỉ tận dụng được bể nhỏ. Do đó, thành phố cần có thêm chính sách tín dụng và cho vay ưu đãi. Bên cạnh đó, công tác kiểm dịch trong xuất khẩu vẫn còn khó khăn và doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ để giảm khâu vận chuyển rút ngắn ngày lại, do vòng đời cá rất ngắn.