08/09/2024 lúc 11:41 (GMT+7)
Breaking News

Đảm bảo sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội

Gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Đó là yêu cầu mang tính nguyên tắc nhằm bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước.

Chính sách kinh tế và chính sách xã hội là hai phạm trù riêng rẽ nhưng không tách rời nhau, có mối quan hệ tương hỗ và thống nhất. Sự đồng bộ giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội là điều kiện cần và đủ để bình ổn và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc.

Ảnh minh họa - Internet

Chủ trương xuyên suốt và kết quả đạt được

Ngay từ năm 1986, trước yêu cầu cấp thiết phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, tại Đại hội lần thứ VI, Đảng ta đã chỉ rõ quan điểm: “Thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, khắc phục thái độ coi nhẹ chính sách xã hội…mục tiêu xã hội lại là mục đích của hoạt động kinh tế”. Tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã cụ thể hơn và đặt yêu cầu phải kết hợp chặt chẽ: “Hoàn thiện hệ thống chính sách, kết hợp chặt chẽ các mục tiêu, chính sách kinh tế với các mục tiêu, chính sách xã hội; thực hiện tốt tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững”. Đại hội XII và XIII, Đảng tiếp tục khẳng định phải gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, đồng thời nêu rõ phải: “bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội”.

Từ các quan điểm và chủ trương của Đảng, có thể nhận thức rõ mối quan hệ hữu cơ giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội, đó là: Trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chính sách xã hội. Ngược lại, sự ổn định, công bằng và tiến bộ của xã hội đạt được thông qua các chính sách xã hội lại tạo ra những động lực mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu kinh tế. Cũng có nghĩa là, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xoá đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn…

Bước vào thời kỳ đổi mới từ sau Đại hội VI của Đảng (1986), trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để bảo đảm vừa tăng trưởng kinh tế vừa thực hiện công bằng xã hội, Đảng ta chủ trương thực hiện phân phối theo lao động. Tại Đại hội IX (năm 2001), Đảng tiếp tục khẳng định: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội”. Đây là nguyên tắc phân phối công bằng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh nguyên tắc phân phối ngày càng hài hòa giữa phát triển và công bằng xã hội, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thể hiện tính ưu việt, công bằng xã hội của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực tế cho thấy, qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, cùng với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, việc thực hiện tiến bộ xã hội ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu: Lực lượng sản xuất phát triển với quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa; kinh tế tăng trưởng nhanh, chất lượng phát triển được cải thiện; quyền làm chủ của nhân dân đối với mọi mặt đời sống xã hội được bảo đảm; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ngày càng hoàn thiện theo hướng trong sạch, vững mạnh. Dân chủ được phát huy, kỷ luật, kỷ cương được bảo đảm; văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ được mở mang, trình độ dân trí phát triển; những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội được đấu tranh loại bỏ dần; môi trường sinh thái được quan tâm bảo vệ hơn; con người có điều kiện hơn để phát triển về thể chất, trí tuệ, đạo đức, nghề nghiệp, có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc…

Không phải ngẫu nhiên mà Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Những thành tựu Việt Nam đạt được là không thể phủ nhận; là một trong những nước nghiêm túc thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc, nhất là các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, lồng ghép các mục tiêu đó vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, hài hòa với các khuôn khổ hợp tác ký kết với Liên hợp quốc theo từng giai đoạn.

Tuy nhiên, sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội vẫn còn những hạn chế, nên những bất cập trong đời sống xã hội vẫn chưa được khắc phục triệt để, cũng như phát triển kinh tế chưa phát huy được đầy đủ niềm năng, chưa huy động được toàn bộ nguồn lực cho phát triển. Nên kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả sức cạnh tranh của nền  kinh tế thấp, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc. Tăng trưởng kinh tế vẫn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Về đời sống xã hội, tình trạng phân hóa giàu nghèo, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao, giảm nghèo chưa bền vững, bất bình đẳng trong thu nhập, chênh lệch mức sống ngày càng tăng, không ít giá trị văn hóa, đạo đức bị mai một, xuống cấp. Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, môi trường còn nhiều hạn chế, yếu kém…

Giải pháp tăng cường kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện các chính sách xã hội

Để bảo đảm gắn kết chính sách kinh tế với chính xã hội một cách chặt chẽ, hiệu quả, cần chú ý tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

1.  Quán triệt tốt các chính sách cũng như yêu cầu, nội dung của sự phối kết hợp các chính sách đến với mỗi cơ quan, đơn vị, cũng như tới mọi người dân, nhất là những đối tượng trực tiếp xây dựng, thực thi và thụ hưởng chính sách.

2. Tạo cơ hội thuận lợi cho mọi người, nhất là người nghèo được quyền sở hữu hay chiếm hữu và sử dụng những yếu tố sản xuất, hoặc còn gọi là "các tài sản sinh lời".

3. Thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo cơ sở chủ động trong các chính sách xã hội.

4. Tích cực điều tiết giá cả, quan hệ cung cầu trên thị trường, nhằm bảo đảm ổn định sản xuất và mức sống của những người có thu nhập thấp.

5. Xây dựng quy hoạch cụ thể, khoa học để cân đối hợp lý đầu tư nguồn lực cho các vùng lãnh thổ, các chương trình quốc gia. Việc xây dựng quy hoạch cụ thể, khoa học là việc làm cần thiết để tạo ra sự phát triển hài hòa, hợp lý giữa các vùng, miền, các ngành, lĩnh vực.

6. Huy động sức mạnh tổng hợp, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn dân tạo môi trường tăng trưởng thực thi tốt chính sách kinh tế.

7. Nhất quán nguyên tắc phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm công bằng tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng.

8. Thể chế hóa các chính sách và yêu cầu của việc kết hợp chặt chẽ giữa chính sách kinh tế với chính sách xã hội, bảo đảm cho sự tăng trưởng gắn với tiến bộ, công bằng xã hội. Bên cạnh việc tuyên truyền về nội dung, sự cần thiết gắn kết, đòi hỏi phải thể chế hóa các chính sách và yêu cầu kết hợp các chính sách.

9. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm triển khai thực hiện tốt các định hướng chính sách, cả chính sách kinh tế lẫn chính sách xã hội. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu, cũng như trong bản thân các quốc gia, ngành, lĩnh vực diễn ra quyết liệt, đòi hỏi phải có chính sách tốt với nguồn nhân lực chất lượng cao, hoạt động với năng suất cao, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đó cũng là mục tiêu của các chính sách./.

TS Phạm Quý Toàn

...