27/04/2024 lúc 18:55 (GMT+7)
Breaking News

Đắk Nông: Thu hút trên 8 tỷ USD sau công bố quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Chiều ngày 23/3/2024, tại thành phố Gia Nghĩa, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông năm 2024.

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trần Lưu Quang; Trung tướng Thái Đại Ngọc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu V, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thanh Tâm; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trong khu vực Tây Nguyên - Duyên hải Miền Trung và vùng kinh tế Đông Nam Bộ; Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo tỉnh Mondulkiri – Vương quốc Campuchia; đại diện một số tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. 

Toàn cảnh hội nghị.

Về phía tỉnh Đắk Nông có các đồng chí: Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Đắk Nông qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh và các hội đoàn thể, doanh nhân, doanh nghiệp trong tỉnh và hơn 700 khách mời, đại biểu.

Đắk Nông nằm trong khối cao nguyên cổ bazan và là cửa ngõ phía Tây Nam Tây Nguyên, có diện tích đất tự nhiên 650.927 ha, chiếm 11,95% diện tích vùng Tây Nguyên. Trong đó, địa phương đang khai thác sử dụng 649.521 ha (99,78%), tài nguyên đất đai trên địa bàn khá phong phú và đa dạng, trong đó đất đỏ bazan khoảng 60,34% diện tích, phù hợp với nhiều loại cây cây công nghiệp, cây ngắn ngày và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao nên thuận lợi để hình thành các khu, vùng trồng chuyên canh cũng như sản xuất hàng hóa tập trung. Ngoài ra tỉnh Đắk Nông có trữ lượng và chủng loại khoáng sản phong phú, phân bố tương đối đồng đều, trong đó nổi bật nhất là bôxít với trữ lượng dự tính khoảng 1.845,7 triệu tấn tinh quặng, trữ lượng lớn nhất cả nước. Nguồn tài nguyên bô xít đã, đang và sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng, là động lực tạo đột phá trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh và mở ra cơ hội trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của cả nước.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông trao giấy chứng nhận đầu tư và bản ghi nhớ đầu tư cho đại diện 8 nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, là địa phương có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm 22 - 23 độ C, nguồn tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, phong phú và đa dạng, rất phù hợp để phát triển nông lâm nghiệp, du lịch sinh thái, với 02 khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung và Tà Đùng có độ đa dạng sinh học cao và khoảng 16 thác và hồ chứa nước đẹp, hùng vỹ nằm xen kẽ các khu rừng đặc dụng, trong đó có nhiều thác nước đã và đang được đầu tư khai thác du lịch. Đặc biệt, Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu và hồ Tà Đùng với diện tích mặt nước trên 3.632 ha, bao quanh 47 đảo lớn nhỏ và là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật đặc hữu, được mệnh danh là "Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên".

Ngoài ra, Đắk Nông có vị trí chiến lược, vị trí địa chính trị, an ninh quốc phòng chiến lược thuộc vùng Tây Nguyên là “nóc nhà của Đông Dương”, có vị trí là cửa ngõ của vùng Tây Nguyên, vị trí địa lý rất thuận lợi đối với kết nối trục dọc, giao thương giữa 02 vùng địa lý, vùng kinh tế Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và tương đối thuận lợi đối với kết nối trục ngang, giao thương liên kết với khu vực Nam Trung Bộ. Đồng thời Đắk Nông thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây thuộc Tam giác phát triển triển 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Tỉnh có lợi thế to lớn trong giao thương, liên kết vùng với Hệ thống giao thông đối ngoại tương đối thuận lợi khi có hơn 141 km đường biên giới với Campuchia, với 02 cửa khẩu quốc gia là Bu Prăng và Đắk Peur.

Đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư năm 2024 là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Qua đó khẳng định khát vọng, tầm nhìn, chỉ ra các động lực phát triển để Đắk Nông khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường; vững vàng trên hành trình phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên. Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan điểm của tỉnh qua các thời kỳ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025; đã cho thấy ý chí, khát vọng vươn lên của tỉnh Đắk Nông với mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên. Do đó, đây là cơ sở chính trị và pháp lý vô cùng quan trọng, để tỉnh bước vào thời kỳ phát triển mới đột phá, nhanh và bền vững với mục tiêu xuyên suốt đến năm 2050 là trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên, trở thành “Tỉnh mạnh – Dân giàu – Thiên nhiên tươi đẹp – Xã hội nghĩa tình”.

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức cần thiết để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương; các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, toàn thể Nhân dân trên địa bàn biết các nội dung, ý nghĩa của quy hoạch, nhằm thống nhất cao về nhận thức và hành động để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Quy hoạch tỉnh.”

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết mặc dù tỉnh Đắk Nông đang có nhiều khó khăn nhưng vẫn có những điểm sáng và lợi thế riêng có, hoàn toàn có thể tập trung vào phát triển.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng đề nghị chính quyền và nhân dân cần phải đoàn kết, gắn bó và chia sẻ. Sự nêu gương, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Phải quan tâm đến đồng bào dân tộc về sinh kế, cán bộ người dân tộc, cán bộ làm công tác dân tộc. Trong khát khao phát triển vẫn phải giữ được tài nguyên, sự đa dạng sinh học và đặc biệt là giữ rừng với tư cách là lá phổi cho khu vực và đất nước. Quan tâm trao đổi kinh nghiệm với nhiều địa phương khác đang có cách làm hay. Có sự chọn lọc trong đầu tư và thu hút đầu tư.

Bà Thái Hương, Anh hùng Lao động - Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH chia sẻ tại hội nghị.

Chia sẻ tại hội nghị, bà Thái Hương, Anh hùng Lao động - Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH: Để có một dự án thành công, mang tầm ảnh hưởng đối với đất nước, đối với tỉnh nhà; cần phải có 3 nhóm yếu tố. Thứ nhất là năng lực tài chính, năng lực quản trị của nhà đầu tư; yếu tố thứ 2 là thực chất nguồn lực ngành nghề đó ở địa phương ở cấp độ nào, phát triển phải đi trên lợi thế của vùng đó, đất đai thổ nhưỡng tại địa phương đó; yếu tố thứ ba là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu.

"Sau thời gian dài tìm hiểu và làm việc tại vùng Tây Nguyên và đặc biệt là tại Đắk Nông, tôi nhận thấy hiện nay Đắk Nông đã hội tụ đầy đủ 3 nhóm yếu tố. Chính vì thế tôi tư vấn cho một số doanh nghiệp trong đó có Tập đoàn TH, với tổng vốn đầu tư lên đến 3,6 tỷ đô la, gồm: nông, lâm nghiệp và thảo dược; thương mại, dịch vụ, du lịch; công nghiệp khai khoáng, năng lượng tái tạo, đồng hành cùng tỉnh Đắk Nông để triển khai các dự án trên nhiều lĩnh vực tỉnh có lợi thế". Bà Thái Hương cho biết thêm.

Đồng chí Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Lưu Quang những thuận lợi và khó khăn về bô xít.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh: Để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Đăk Nông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông sẽ hết sức nỗ lực, nâng cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, quyết tâm huy động các nguồn lực nhất là các nguồn lực của xã hội, của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, để thúc đẩy  phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; xây dựng tỉnh Đăk Nông đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ; là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương giữa vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia, năng lượng tái tạo của vùng; phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị thị trường; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, xã hội, môi trường, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định "Tỉnh Đắk Nông cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển với tinh thần "Lắng nghe - Thấu hiểu - Đồng hành và cùng khát vọng phát triển".

Phó Thủ tướng Chính phủ, Trần Lưu Quang và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung trao quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh.

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg, ngày 31/12/2023, định hướng quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển: Đến năm 2030, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ; là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương giữa vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia, năng lượng tái tạo của vùng; phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị thị trường; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, xã hội, môi trường, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển bền vững, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; là trung tâm về công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia; nền nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái của vùng. Trở thành “Tỉnh mạnh - Dân giàu - Thiên nhiên tươi đẹp - Xã hội nghĩa tình”. 

Định hướng tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình “Một trung tâm - Ba cực động lực tăng trưởng - Bốn hành lang kinh tế - Bốn tiểu vùng phát triển”.

Đình Tiến