21/12/2024 lúc 12:46 (GMT+7)
Breaking News

Đắk Nông: Tiềm năng và Cơ hội cho đầu tư

Nằm trên Quốc lộ 14 nối Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ và TP.Hồ Chí Minh; Có Quốc lộ 28 nối với Lâm Đồng và Bình Thuận, cửa khẩu quốc gia Buprăng và cửa khẩu Đắk Peur đi Mondulkiri (Campuchia)…tỉnh Đắk Nông được đánh giá là địa phương có vị trí khá thuận lợi để phát triển kinh tế.

Nằm trên Quốc lộ 14 nối Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ và TP.Hồ Chí Minh; Có Quốc lộ 28 nối với Lâm Đồng và Bình Thuận, cửa khẩu quốc gia Buprăng và cửa khẩu Đắk Peur đi Mondulkiri (Campuchia)…tỉnh Đắk Nông được đánh giá là địa phương có vị trí khá thuận lợi để phát triển kinh tế.

Ông Phạm Đình Tuấn - Giám đốc Sở kế hoạch đầu tư tỉnh cho biết: Kể từ khi mới thành lập, UBND tỉnh Đắk Nông đã tích cực triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư thông thoáng, ưu đãi, cũng như kịp thời bổ sung, điều chỉnh cơ chế kêu gọi đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nên bước đầu đã gặt hái được một số kết quả đáng khích lệ trong việc thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nông lâm nghiệp, đóng góp đáng kể vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. 

Với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 650.000 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 90%. Các loại đất của Đắk Nông khá phong phú và đa dạng với 11 nhóm, nhưng chủ yếu đất đỏ bazan chiếm 60,34% diện tích, phân bố ở các huyện Đắk Mil, Tuy Đức, Đắk Song; đất xám chiếm 28,26% diện tích và phân bố đều toàn tỉnh, còn lại là đất phù sa, đất đen, nâu, …Đất bazan phân bố trên địa hình đồi, núi cao trùng điệp xen giữa thung lũng sâu và bình nguyên cùng nguồn nước dồi dào từ hệ thống sông, hồ, đập phân bố dày đặc trên địa bàn tỉnh là những ưu thế chính tạo thuận lợi cho tỉnh phát triển các vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp dài ngày, cây hàng năm và đa dạng hàng hóa nông sản từ các loại cây trồng, vật nuôi.

Các khu công nghiệp đã bước đầu phát huy hiệu quả, sản xuất được nhiều sản phẩm cần thiết cho xã hội. (ảnh: CTTĐTT)

Đắk Nông còn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản với diện tích mặt nước nuôi trồng tương đối lớn, hơn 1.000 ha mặt nước, ngoài ra hàng năm có thể tận dụng nuôi trồng trên diện tích mặt nước từ những hồ đập mới được tạo ra bởi các công trình thủy điện. Trong đó, việc xây dựng các vùng chuyên canh cây công nghiệp như cây mắc ca, cà phê, hồ tiêu, ca cao và rau, củ, quả các loại, các dự án áp dụng khoa học kĩ thuật để phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, thế mạnh là những lĩnh vực nằm trong danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư của tỉnh.

Lợi thế về điều kiện tự nhiên không chỉ giúp Đắk Nông phát triển sản xuất nông nghiệp mà còn tạo cho Đắk Nông nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghiệp chế biến. Hàng năm, sản lượng các loại cây công nghiệp lâu năm như: cao su, cà phê, ca cao, hồ tiêu, điều, chè và cây hàng năm: ngô đậu, khoai, sắn lên tới hàng trăm nghìn tấn... Sản lượng hàng hóa lớn nhưng khâu chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu, sản phẩm của địa phương chủ yếu là xuất thô qua các đại lý thu mua hoặc thương lái, dẫn đến giá trị sản phẩm thấp. Do đó, lĩnh vực này còn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.

Đắk Nông có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 218 mỏ và điểm mỏ với 16 loại khoáng sản, nổi bật là Bauxite với trữ lượng khoảng 3,4 tỷ tấn quặng thô. Ngoài ra, Đắk Nông còn nhiều loại khoáng sản khác có giá trị kinh tế cao phục vụ cho ngành công nghiệp như: Đá Opal; đất sét phục vụ cho công nghiệp sản xuất gạch ngói; sét cao lanh làm gốm sứ cao cấp; Puzơlan được nghiền làm nguyên liệu cho xi măng đặc chủng dùng cho các công trình chống lún, chống thấm; đá Bazan bọt làm nguyên liệu sản xuất gạch ốp lát cách âm, cách nhiệt, sợi chịu nhiệt và các khoáng sản quý hiếm như vàng, đá quý, vonfram, thiếc, antimon là những lợi thế để Đắk Nông phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp nhôm và dịch vụ phụ trợ công nghiệp khai thác Bauxite, luyện Alumin.

Các khu công nghiệp (KCN) đã bước đầu phát huy hiệu quả, sản xuất được nhiều sản phẩm cần thiết cho xã hội như phân vi sinh, gỗ tinh chế, nhiên liệu sinh học, đường, thức ăn gia súc, các loại thực phẩm… giải quyết được hàng nghìn lao động cho địa phương. Hiện UBND tỉnh Đắk Nông đã thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch để trong thời gian tới làm đầu mối tiếp nhận, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án, cũng như thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư. Tiếp tục thực hiện Chương trình hợp tác với TP.HCM nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của hai địa phương, nhất là tăng cường thu hút các doanh nghiệp từ TP.HCM tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, đã có trên 30 dự án của các doanh nghiệp, đơn vị ở TP. Hồ Chí Minh đầu tư vào Đắk Nông với số vốn hàng ngàn tỷ đồng. 

Với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 650.000 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 90%.(Ảnh: Thế Hùng)

Là tỉnh đầu mối nối khu vực Tây nguyên với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Nam Trung bộ, có hai cửa khẩu Đắk Per (Đắk Mil) và Bu Prăng (Tuy Đức), lợi thế vị trí mang đến cho Đắk Nông nhiều cơ hội giao thương, phát triển thương mại, dịch vụ. Cùng với các tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ như trên, du lịch là một lĩnh vực mà tỉnh đang đặc biệt quan tâm kêu gọi và thu hút nhiều nhà đầu tư.

 Là vùng đất lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của 40 cộng đồng dân tộc cùng chung sống với những bản sử thi truyền đời, những di tích lịch sử, không gian nghệ thuật, văn hóa cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm tinh xảo...Nơi đây cũng là vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều thắng cảnh hùng vĩ, hữu tình. Giữa không gian xanh mượt của thung lũng, núi, đồi xen kẽ những cánh rừng nguyên sinh trải bạt ngàn, những con sông, suối góp công cùng địa hình vùng cao tạo thành những hồ nước nên thơ: hồ Ea Snô, hồ Tây, hồ Doãn Văn, hồ Trúc.

Đắk Nông có hệ thống thác nước hùng vĩ, kỳ diệu, riêng có của tỉnh như: thác Đắk G’lun, Đắk Buk So, Đray Sáp, Gia Long, Trinh Nữ, Liêng Nung và các Khu bảo tồn thiên nhiên như: Nâm Nung rộng 12.300 ha, Tà Đùng rộng trên 22.100 ha, với hệ động thực vật phong phú, trong đó, nhiều động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới tạo thành quần thể du lịch hấp dẫn. Ngoài ra, các tuyến Quốc lộ 14, 14C, 28 chạy qua, nối Đắk Nông với các trung tâm du lịch lớn của cả nước như thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Đà Lạt, Bình Thuận; hai cửa khẩu Bu Prăng và Đắk Per nối với nước bạn Campuchia tạo cho Đắk Nông những điều kiện thuận lợi để hình thành các tour, tuyến du lịch liên vùng, miền, quốc gia.

Du lịch là một lĩnh vực mà tỉnh đang đặc biệt quan tâm, kêu gọi và thu hút nhiều nhà đầu tư. (Ảnh: Huỳnh Yên)

Thời gian qua, với sự nỗ lực của mình tỉnh Đắk Nông đã chủ động tranh thủ sự chỉ đạo của Chính phủ và sự hỗ trợ của các bộ, ngành, thông qua tham tán thương mại ở các nước để quảng bá, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào tỉnh nhà. Đồng thời tổ chức các diễn đàn giới thiệu tiềm năng kêu gọi đầu tư tại các thành phố lớn để thu hút đầu tư trong nước. Tạo mối quan hệ tốt đối với các tổng công ty, các tập đoàn nhằm tranh thủ sự đầu tư vào địa bàn, nhất là các ngành có lợi thế cạnh tranh như thủy điện, chế biến nông, lâm sản, khai thác khoáng sản, nhằm tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp của tỉnh để nền kinh tế của tỉnh phát triển bền vững theo hướng công - nông - lâm nghiệp và dịch vụ.

Trong tầm nhìn phát triển kinh tế của mình, tỉnh Đắk Nông quyết tâm tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút tối đa các dự án đầu tư, nhanh chóng lấp đầy KCN và thu hút đầu tư vào các CNN khác. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, thực hiện công khai minh bạch các nhà đầu tư, rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng để thu hút các các thành phần kinh tế cùng tham gia.

Đồng thời tổ chức các diễn đàn giới thiệu tiềm năng kêu gọi đầu tư tại các thành phố lớn để thu hút đầu tư trong nước, tạo mối quan hệ tốt đối với các tổng công ty, các tập đoàn nhằm tranh thủ sự đầu tư vào địa bàn, nhất là các ngành có lợi thế cạnh tranh như thủy điện, chế biến nông, lâm sản, khai thác khoáng sản, nhằm tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp để nền kinh tế của tỉnh phát triển theo hướng công - nông - lâm nghiệp và dịch vụ./.