22/12/2024 lúc 21:54 (GMT+7)
Breaking News

Cuộc sống của “giới siêu giàu” trong đại dịch khác người ra sao?

Kể từ khi đại dịch diễn ra, du lịch bỗng dưng trở thành một điều xa xỉ với phần đông dân số thế giới. Mọi người chỉ biết cầu mong cho dịch bệnh sớm qua đi để hoạt động di chuyển được quay lại bình thường. Còn giới siêu giàu thì không cần mơ ước. Họ vẫn có thể di chuyển và tận hưởng những thú vui riêng, ngay cả khi dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn.

Kể từ khi đại dịch diễn ra, du lịch bỗng dưng trở thành một điều xa xỉ với phần đông dân số thế giới. Mọi người chỉ biết cầu mong cho dịch bệnh sớm qua đi để hoạt động di chuyển được quay lại bình thường. Còn giới siêu giàu thì không cần mơ ước. Họ vẫn có thể di chuyển và tận hưởng những thú vui riêng, ngay cả khi dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn.

Giới siêu giàu - những vị tỉ phú, ngôi sao quốc tế hạng A, CEO của các tập đoàn lớn,... sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để tiếp tục được tận hưởng cuộc sống tiện nghi trước đại dịch. Vì vậy, với xu hướng hạn chế tối đa tiếp xúc giữa người với người, những dịch vụ riêng tư hạng sang lại có dịp nở rộ để phục vụ nhu cầu của “giới nhà giàu”.

Từ những chuyến chuyên cơ riêng...

Ngay cả khi ngành du lịch toàn cầu đang “thoi thóp” vì đại dịch, vẫn có một lĩnh vực trỗi dậy mạnh mẽ - đó là dịch vụ bay bằng chuyên cơ riêng. Theo nhà cung cấp Air Charter Services, số lượng khách hàng lần đầu sử dụng dịch vụ tăng 23%, và số lượng khách đặt chỗ đã tăng 35% vào năm 2020. Sự tăng đột biến trong nhu cầu này đến từ tâm lý lo sợ của khách hàng về khả năng lây nhiễm chéo trên các chuyến bay thương mại thông thường.

Bên trong một chiếc chuyên cơ riêng (ảnh: Travel Daily)

Khi đã có những hãng bay sẵn sàng phục vụ những vị khách quý này, câu hỏi tiếp theo mà nhiều người quan tâm sẽ là: họ đi đâu khi phần lớn các nước đã đóng cửa biên giới và ban hành lệnh giãn cách xã hội? Câu trả lời rất đơn giản: nhiều quốc gia vẫn sẵn sàng cấp visa lưu trú dài hạn để chào đón họ đến nghỉ dưỡng và làm việc từ xa.

Theo Nhật báo Hoa Nam, một điểm đến yêu thích của giới nhà giàu và người nổi tiếng là Barbados - một quốc đảo nằm ở phía đông Ca-ri-bê. Vị trí địa lí cách biệt cùng với điều kiện nhập cảnh nghiêm ngặt đã giúp quốc gia này gần như không có ca COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Chính điều này đã thu hút các “vị khách bạc tỉ” muốn tìm một nơi an toàn để “trú ẩn” khỏi COVID-19. Ngoài ra, khách hàng cũng chuyển sang thuê villa thay vì thuê phòng khách sạn hạng sang do e ngại tiếp xúc với nhiều người.

Barbados - quốc đảo mộng mơ giữa Ca-ri-bê (ảnh: Carribean Journal)

… cho đến cả một hòn đảo riêng

Chỉ riêng trong năm 2020, nhu cầu “bao trọn” một hòn đảo riêng đã đột ngột tăng gấp đôi so với những năm trước đó. Giới chuyên môn dự đoán rằng con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai gần, do giới nhà giàu mong muốn tìm đến một nơi an toàn để “chạy trốn” đại dịch.

Một hòn đảo lí tưởng cho giới siêu giàu phải đáp ứng các điều kiện sau: riêng tư, độc nhất vô nhị, và gần (nhưng không quá gần) với đất liền - để tiếp cận với bệnh viện trong các trường hợp khẩn cấp.

Sotheby’s International Realty - một công ty đang sở hữu 20 hòn đảo cho biết: những hòn đảo đã được bán trong năm 2020 có giá trung bình khoảng vài triệu đô la Mỹ. Công ty kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong năm 2021 khi các quốc gia bắt đầu chương trình tiêm chủng cho người dân và nới lỏng các biện pháp hạn chế di chuyển.

Đảo Pepin ở New Zealand có giá chào bán khoảng 11.5 triệu đô. Ảnh: Handout

David Forbes - một giám đốc có kinh nghiệm trong ngành chia sẻ thêm: Trong đại dịch, mối quan tâm lớn nhất của khách hàng khi họ chọn một hòn đảo liên quan đến vấn đề y tế. Đưa cả đại gia đình bao gồm cả người già và trẻ em ra một hòn đảo riêng để “tự cách li” có vẻ là một ý tưởng hay để tránh lây nhiễm vi-rút từ cộng đồng, nhưng nếu một thành viên trong gia đình bị ốm thì sao, khi trên đảo không có bệnh viện?

Đó là điểm trừ lớn nhất của việc sống ngoài khơi: khi bị ốm, họ phải đợi thuyền hoặc trực thăng đón vào đất liền để chữa bệnh. Vấn đề sẽ trở nên rất nghiêm trọng khi ai đó cần cấp cứu.

Đảo Leaf Cay - Bahamas đang được chào bán với giá $7.5 triệu đô, theo công ty Savills. Nguồn ảnh: Private Islands Inc.

Tuy vậy, sức nóng của thị trường mua bán đảo vẫn tăng đều chứ không hề giảm sút. Theo Nhật báo Hoa Nam, đại dịch đã làm cho nhiều người nhận ra rằng cuộc sống thành thị đông đúc thực ra không lí tưởng như họ vẫn nghĩ, và điều này cũng phần nào giải thích cho trào lưu “bỏ phố về đảo” của giới siêu giàu trong thời gian gần đây.

Vấp phải những ý kiến trái chiều

Tuy nhiên, những cách mà giới siêu giàu “chống dịch” lại không được lòng dư luận cho lắm. Nhiều người cho rằng, dùng chuyên cơ riêng để đi du lịch hay mua hẳn một hòn đảo riêng là những hành động “chơi ngông” và “làm lố”, nhất là khi cuộc sống của phần lớn mọi người trên thế giới đều bị ảnh hưởng xấu bởi COVID-19.

Thay vì dùng sức lan tỏa của bản thân để nhắc nhở mọi người nên ở nhà tránh dịch, tỷ phú truyền thông David Geffen lại viết trên Instagram: “Tôi đang “tự cách li” ở đảo Grenadines. Mong tất cả mọi người đều bình an”, đính kèm ảnh chiếc du thuyền hạng sang của ông trên biển Ca-ri-bê.

Nội dung bài đăng mà David Geffen đăng tải trên trang cá nhân Instagram

Kim Kardashian thì khoe bữa tiệc sinh nhật được tổ chức trên hòn đảo riêng của cô, nhưng lại mời rất nhiều bạn bè và người thân tham dự. Những động thái trên được cho là thiếu trách nhiệm với cộng đồng: vừa tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm COVID-19, lại vừa làm mọi người mất cảnh giác với đại dịch.

Thanh Ngân