VNHN - Tuy vốn FDI có dấu hiệu chững lại do Covid-19, song theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư mới sau đại dịch.
Ảnh minh họa
Theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết ngày 20/42020, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 12,33 tỉ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn thực hiện ước đạt 5,15 tỉ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, vốn FDI 4 tháng đầu năm nay sụt giảm do việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án gặp khó khăn vì dịch bệnh. Nguồn cung nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất cũng như nhu cầu sản phẩm đầu ra của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thị trường tiêu thụ có xu hướng thu hẹp, nhiều đơn hàng bị hoãn, hủy. Nhiều doanh nghiệp FDI gặp khó khi duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh do thiếu chuyên gia nước ngoài.
Tuy vốn FDI có dấu hiệu chững lại do Covid-19, song theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư mới sau đại dịch. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về phòng chống dịch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư, kinh doanh. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia thuộc nhóm các nước bị ảnh hưởng ít nhất và dự báo sẽ vượt qua "cơn bão" suy thoái kinh tế toàn cầu.
GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài cho rằng, thu hút FDI 4 tháng đầu năm 2020 giảm không phải là xu hướng mà chỉ mang tính tạm thời, ảnh hưởng chính từ dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm.
Có một số tín hiệu lạc quan nên GS. Nguyễn Mại dự báo thu hút FDI sẽ "bùng nổ" sau dịch. Tín hiệu lạc quan, theo GS. Nguyễn Mại, đó là nỗ lực của Việt Nam chống dịch, kiểm soát dịch tốt và tránh được những cuộc phong tỏa kéo dài. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc đã ngày một rõ rệt và Việt Nam với yếu tố tích cực chống dịch hiệu quả đang là đích ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Từ năm 2019, nhiều tập đoàn công nghệ đã lên kế hoạch rời Trung Quốc để tránh bị tổn thương từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các công ty đa quốc gia như Samsung và LG đã đầu tư dây chuyển sản xuất mới tại Việt Nam thay vì Trung Quốc theo kế hoạch cũ.
Tờ Nikkei của Nhật Bản cũng đưa tin các "ông lớn" như Google, Microsoft đang chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại, laptop từ Trung Quốc sang Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hãng trò chơi điện tử Nintendo cũng đã chuyển một phần hoạt động sản xuất máy chơi game Switch Lite sang Việt Nam...
GS. Nguyễn Mại lưu ý: Việt Nam mong muốn thu hút được nhiều dự án lớn trên thế giới. Nếu chỉ thu hút được các dự án nhỏ li ti thì tham vọng trở thành "công xưởng" thế giới của Việt Nam có thể đạt về số lượng, nhưng chất lượng không cao. Cần thu hút các dự án FDI công nghệ cao, công nghệ mới cho tương lai.
Xu hướng dịch chuyển vốn FDI ra khỏi Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, do tác động kép từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19 bùng phát ngày càng được thể hiện rõ và đang được đẩy nhanh. Việt Nam được xem là một điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong vài tháng qua đã khiến nhiều quốc gia nhận thấy sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, không chỉ tập trung tại Trung Quốc.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, thu hút FDI của Việt Nam cho thấy những tín hiệu khá lạc quan khi tăng dần trở lại vào cuối năm nay và tạo đà cho năm 2021 do đón đầu dòng vốn tái định vị sản xuất của các công ty đa quốc gia. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư tại Việt Nam nhờ sự hấp dẫn của môi trường và chính sách đầu tư của Việt Nam./.
Trần Ngọc