VNHN - Trải qua gần 140 năm phát triển, nguồn điện khai thác từ những tấm pin năng lượng mặt trời (cùng các loại năng lượng tái tạo khác) đã đáp ứng được 26.2% nhu cầu tiêu thụ điện toàn cầu, đóng góp vào 2% tổng sản lượng sản xuất điện trên thế giới.
Sự ra đời của chiếc pin quang điện đầu tiên trên thế giới vào năm 1839 bởi nhà vật lý người Pháp Alexandre Edmond Becquerel đã đánh dấu bước ngoặt to lớn, chuyển mình cho một kỷ nguyên năng lượng mới ở thế giới tương lai. Với những bước tiến phát triển thần tốc của kỹ thuật - khoa học - công nghệ ứng dụng vào khai thác nguồn ánh sáng từ mặt trời để chuyển hóa thành dạng năng lượng phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân loại cho đến ngày nay, cuộc cách mạng năng lượng tái tạo từng bước thay thế năng lượng hóa thạch đang ngày càng rõ ràng và quan trọng hơn.
Tiềm năng phát triển
Được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây, thị trường năng lượng tái tạo - điện mặt trời, luôn chiếm được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư ở mọi quốc gia. Những cánh đồng năng lượng mặt trời ra đời cùng những dự án, tòa nhà và công trình điện mặt trời áp mái,…luôn được kỳ vọng sẽ đem lại tiềm năng to lớn trong vấn đề an ninh năng lượng của quốc gia, giảm áp lực truyền tải điện và hỗ trợ to lớn, tích cực vào kinh tế của đất nước.
Một góc của dự án điểm du lịch bên cạnh “thảo nguyên” pin mặt trời của nhà máy điện NLMT Sao Mai.
Ở nhiều quốc gia tiên tiến, những chính sách từ Chính phủ về hỗ trợ việc mua lại điện được sản xuất từ doanh nghiệp áp dụng hệ thống điện mặt trời áp mái, đã giúp cho nhiều doanh nghiệp giải quyết được bài toán giảm thiểu chi phí điện sản xuất tối thiểu hàng năm.
Tại Việt Nam, khi Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời được thông qua, không những giúp cho nhiều tổ chức đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời tiết kiệm được chi phí điện hoạt động hàng năm mà còn đem lại nguồn thu đáng kể từ việc bán lại lượng điện dư cho đơn vị điện lực.
Đại diện chủ nhà máy chế biến thủy sản tại Đồng Tháp cho biết: “Hiện trạng của doanh nghiệp chế biến thủy sản là chi phí điện năng rất lớn. Trung bình, mức tiêu thụ điện dao động từ 57 - 2.129 kWh/tấn nguyên liệu và 324 - 4.412 kWh/tấn sản phẩm, trong đó, mức tiêu thụ điện cho hệ thống đông lạnh là lớn nhất, chiếm tới 70%. Tuy nhiên khi áp dụng điện NLMT áp mái với công suất 1,06MW đã giúp nhà máy giảm được khoảng 20% chi phí sản xuất hàng tháng và tiết kiệm được tiền tỉ cho chi phí điện sản xuất hàng năm”.
Thu hút nhiều nhà đầu tư tương lai
Báo cáo từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), gần 20% số lượng điện tiêu thụ toàn cầu cho việc nung nóng, cấp điện và vận chuyển đến từ nguồn năng lượng tái tạo. Thị trường này luôn không ngừng sôi nổi khi nguồn năng lượng hóa thạch được dự báo sẽ trở nên cạn kiệt trong tương lai. Điều này đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia vào công cuộc “sạch hóa” nguồn điện năng cho quá trình hoạt động của mình. Việc số lượng các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo đang có chiều hướng gia tăng đã chứng tỏ rằng cuộc cách mạng năng lượng đang được quan tâm nhiều hơn và ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ.
Không khó để bắt gặp lĩnh vực năng lượng mặt trời được ứng dụng vào các sản phẩm quen thuộc trong cuộc sống như: nguồn điện cho thiết bị di động, phương tiện giao thông, vệ tinh, thiết bị an ninh. Cùng với tính thần tốc của công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, robot, Internet vạn vật, xe tự lái, công nghệ in 3D, công nghệ nano……điện nắng - gió đang dần trở thành biểu tượng cho sự tiến bộ của nhân loại trong thời đại hôm nay.
Kết hợp điểm du lịch và dự án năng lượng mặt trời sẽ đem đến luồng năng lượng mới cho ngành du lịch.
Thị trường hấp dẫn
Việt Nam có vị trí gần xích đạo, nằm gọn trong vành đai khí hậu nhiệt đới Bắc bán cầu, với nền bức xạ nhiệt trung bình năm cao, cán cân bức xạ quanh năm luôn dương, do đó thị trường năng lượng mặt trời nhanh chóng trở thành chiếc bánh béo bở thu hút nhà đầu tư nội địa và nước ngoài tham gia. Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, đến tháng 12/2019 đã có hơn 87 dự án đang được vận hành với công suất thiết kế tối đa, hơn 260 dự án năng lượng mặt trời đang được chờ phê duyệt.
Nhà máy điện NLMT Sao Mai tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên là một trong những dự án quan trọng của vùng biên.
Như vậy, trong tương lai cuộc cách mạng năng lượng tái tạo ở Việt Nam sẽ dẫn đầu xu thế đầu tư và phát triển của thị trường sôi động tại dải đất hình chữ S giàu tiềm năng phát triển này. Và lượng điện mà ngành năng lượng này sản xuất được sẽ giúp củng cố an ninh năng lượng cùng lúc giải quyết được đề toán áp lực truyền tải điện tại Việt Nam.
Sẽ luôn cần nhiều hơn nữa sự ủng hộ và các quyết sách từ phía cấp lãnh đạo và người đứng đầu của mỗi quốc gia để có thể đẩy mạnh cuộc cách mạng này đi đến một viễn cảnh tương lai, nơi mà vấn đề năng lượng không còn là nỗi bận tâm ở bất kỳ quốc gia nào./.
Lê Ngọc