VNHN - Thời gian vừa qua, nhiều vụ việc liên quan đến CSGT truy đuổi người vi phạm giao thông dẫn đến những thương vong cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông... Theo Luật sư cho biết, hiện nay chưa có quy định cụ thể nào của pháp luật về việc cho phép (CSGT) truy đuổi người vi phạm luật giao thông.
Trao đổi với cơ quan ngôn luận về vấn đề Cảnh sát giao thông (CSGT) có được quyền truy đuổi người vi phạm? Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Hiện nay chưa có quy định cụ thể nào của pháp luật về việc cho phép (CSGT) truy đuổi người vi phạm luật giao thông mà chỉ có quy định cho phép CSGT dừng xe của người điều khiển vi phạm lại một cách an toàn.
Ảnh minh họa
Theo luật sư Hòe, luật cho phép CSGT và các lực lượng khác dừng xe của người điều khiển giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Cụ thể, theo điều 87 Luật giao thông đường bộ 2008 và Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA cho phép CSGT dừng xe của người điều khiển vi phạm lại một cách an toàn.
Theo Luật xử lý vi phạm hành chính 2013, Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định “Mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh”. Đồng thời, CSGT “được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”.
Việc truy đuổi chỉ diễn ra khi một người có dấu hiệu tội phạm hoặc có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và tùy vào tình hình cụ thể, CSGT hoặc lực lượng chức năng khác quyết định có truy đuổi hay không. Ví dụ như tội phạm bị truy nã, người có dấu hiệu vi phạm chống người thi hành công vụ, ...
Việc truy đuổi, nếu có, cũng phải bảo đảm nguyên tắc an toàn cho người bị truy đuổi và những người khác đang tham gia giao thông trên đường.
“Có nhiều biện pháp có thể thực hiện để xử lý người vi phạm bỏ chạy, như ghi biển số phương tiện hoặc dùng điện thoại chụp hình, quay phim hành vi vi phạm để sau đó truy xét, xử lý, chứ không nhất thiết phải truy đuổi” – luật sư Hòe nói.
Luật sư Hòe nhấn mạnh, nếu CSGT khi truy đuổi người vi phạm dẫn đến tai nạn nghiêm trọng, trong quá trình truy đuổi vì lỗi vô ý hoặc cố ý (có sử dụng vũ lực như đạp đổ xe, chèn ép xe, chặn đầu xe…) dẫn tới người bị truy đuổi bị thương tích hoặc chết thì tùy theo mức độ của hành vi và tình huống khi đó có thể bị xử lý kỷ luật, bồi thường thiệt hại và thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.