15/01/2025 lúc 12:20 (GMT+7)
Breaking News

Công tác thu thập hồ sơ, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ lịch sử TP.Hồ Chí Minh

Hiện nay, tại các lưu trữ lịch sử của các tỉnh nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng việc giao nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là việc thu thập tài liệu của các cơ quan thuộc nguồn giao nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử.

Ảnh minh họa - TL

Tóm tắt:Thu thập hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử là một nội dung quan trọng trong công tác lưu trữ. Hàng năm, tài liệu hình thành trong quá trình theo dõi,  giải quyết xong công việc các đơn vị, cá nhân phải tiến hành lập hồ sơ và giao nộp vào lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử là một chế độ bắt buộc. Hồ sơ, tài liệu được thu thập đầy đủ, đúng quy định sẽ giúp cho các phông lưu trữ thu thập tài liệu được hoàn chỉnh, tránh thất lạc, mất mát tài liệu. Đồng thời, thực hiện tốt công tác thu thập tài liệu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các khâu nghiệp vụ lưu trữ khác.

Từ khóa: Công tác lưu trữ, tài liệu lưu trữ; thu thập hồ sơ; giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ.

1. Đặt vấn đề.

Tài liệu lưu trữ có giá trị về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật… được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, là một trong những phương tiện thông tin chính xác và có hiệu quả phục vụ đắc lực cho yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo công tác hàng ngày của các cơ quan, tổ chức. Công tác lưu trữ, tài liệu lưu trữ  có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, tài liệu lưu trữ là những chứng cứ đáng tin cậy, đóng góp của tài liệu lưu trữ đã được khẳng định một cách mạnh mẽ trong phục vụ việc nghiên cứu lịch sử, khoa học và thực tiễn. Ngày nay, với những yêu cầu ngày càng lớn của công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, công tác lưu trữ có vai trò vô cùng đặc biệt quan trọng trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên, để phát huy được giá trị của tài liệu lưu trữ đòi hỏi toàn xã hội, các cấp, các ngành cùng phối hợp tổ chức thực hiện tốt các khâu nghiệp vụ của công tác lưu trữ. Trong đó, việc giao nộp tài liệu vào lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử là một nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện. Hiện nay, tại các lưu trữ lịch sử của các tỉnh nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng việc giao nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là việc thu thập tài liệu của các cơ quan thuộc nguồn giao nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử.

2. Thực trạng công tác giao nộp tài liệu vào Trung tâm lưu trữ lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.

Thu thập tài liệu vào lưu trữ là nghiên cứu, vận dụng các biện pháp để tổ chức thu thập tài liệu vào lưu trữ cơ quan và lưu trữ lịch sử một cách đầy đủ nhằm đảm bảo quản an toàn và sử dụng tài liệu có hiệu quả.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố có chức năng giúp Chi cục trưởng Chi cục Văn thư - Lưu trữ tham mưu Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ của lưu trữ lịch sử, trực tiếp quản lý tài liệu lưu trữ thuộc nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử và thực hiện các hoạt động dịch vụ lưu trữ theo quy định của pháp luật; Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu chuẩn bị tài liệu để giao nộp; Tham mưu, tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm bảo quản, bảo vệ an toàn và nâng cao tuổi thọ cho tài liệu lưu trữ lịch sử; Thực hiện chế độ báo cáo thống kê, tu bổ phục chế, bảo hiểm, giải mật tài liệu lưu trữ lịch sử.

Công tác lưu trữ nói chung, thu thập tài liệu lưu trữ nói riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được các cơ quan, các ngành, các cấp quan tâm và thực tế đã có những kết quả đạt được thể hiện qua các nội dung cụ thể như thường xuyên cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan trung ương về công tác văn thư, lưu trữ.  

Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lưu trữ và giao nộp tài liệu vào Trung tâm lưu trữ lịch sử, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều văn bản liên qua đến việc thu thập, nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ lịch sử như: Quyết định số 5249/QĐ-UBND, ngày 23/10/2014 về ban hành Danh mục thành phần hồ sơ, tài liệu quận, huyện nộp lưu vào lưu trữ lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định số 2801/QĐ-UBND ngày 01/7/2019 về ban hành Danh mục thành phần hồ sơ, tài liệu cơ quan cấp huyện nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử Thành phố;

Ngày 06/02/2018, UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 559/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án thu thập hồ sơ, tài liệu của các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu vào Trung tâm lưu trữ lịch sử Thành phố giai đoạn 2018-2022;

Nhằm thực hiện giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Trung tâm lưu trữ đúng, đủ và đảm bảo chất lượng, ngày 13/02/2023 UBND Thành phố ban hành Quyết định số 414/QĐ- UBND về việc ban hành danh mục và mã phông các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu vào Trung tâm lưu trữ lịch sử Thành phố; Ngày 15/8/2023 UBND thành phố tiếp tục ban hành Quyết định số 3412/QĐ-UBND về ban hành danh mục thành phần hồ sơ, tài liệu của cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử Thành phố (thay thế Quyết định 2153/QĐ-UBND ngày 02/5/2013 về ban hành danh mục nguồn tài liệu nộp lưu vào lưu trữ lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh)…

Mặc dù, đã có nhiều văn bản quy định hướng dẫn, chỉ đạo về công tác giao nộp hồ sơ vào Trung tâm lưu trữ lịch sử. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị giao nộp tài liệu từ các cơ quan thuộc nguồn nộp lưu chưa thực hiện tốt, tài liệu thuộc nguồn nộp lưu vẫn còn bảo quản tại các cơ quan, tổ chức mà chưa được giao nộp theo quy định.

Hiện nay, tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ bảo quản hơn 3.500 mét giá tài liệu, gồm tài liệu của 16 phông. Trong đó gồm tài liệu thời Phong kiến; Phông Chưởng khế Pháp; Chưởng khế Sài Gòn; Đô thành Sài Gòn; Ủy ban quân quản; Ủy ban nhân dân Cách mạng Miền Nam Việt Nam; Phông của Hội đồng nhân dân Thành phố; Ủy ban nhân dân Thành phố; Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố và tài liệu của các cơ quan giải thể. Còn các cơ quan tổ chức khác thuộc nguồn nộp lưu nhưng chưa tiến hành giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ lịch sử.

Theo Danh mục các cơ quan tổ chức thuộc nguồn giao nộp tài liệu vào Trung tâm lưu trữ lịch sử Thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 414/QĐ-UBND ngày 13/02/2023 của Ủy ban nhân Thành phố Hồ Chí Minh, gồm 628 cơ quan thuộc diện phải giao nộp vào lưu trữ lịch sử Thành phố. Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm lưu trữ lịch sử mới chỉ thu được tài liệu giao nộp của UBND Thành phố và Sở Nội vụ giao nộp. Các cơ quan còn lại chưa thực hiện việc giao nộp vào Trung tâm lưu trữ lịch sử do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, tài liệu khi giao nộp vào lưu trữ chưa được lập hồ sơ hoàn chỉnh nên Trung tâm lưu trữ còn mất rất nhiều thời gian để chỉnh lý, sắp xếp khoa học khối tài liệu đã giao nộp.

Để chuẩn bị cho việc giao nộp tài liệu vào Trung tân Lưu trữ lịch sử đạt hiệu quả, ngày 15/6/2023 UBND Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ban hành Quyết định 3412/QĐ-UBND ban hành Danh mục thành phần hồ sơ, tài liệu của các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn tài liệu giao nộp vào lưu trữ lịch sử Thành phố; Danh mục thành phần hồ sơ, tài liệu của Hội đồng nhân dân và UBND Thành phố nộp lưu vào Trung tâm lưu trữ lịch sử Thành phố; Danh mục thành phần hồ sơ, tài liệu của Hội đồng nhân dân, UBND quận, huyện và Thành phố Thủ Đức nộp lưu vào Trung tâm lưu trữ lịch sử Thành Phố; Danh mục hồ sơ, tài liệu của các cơ quan thuộc quận, huyện và thành phố Thủ Đức nộp lưu vào Trung tâm lưu trữ lịch sử Thành phố để giúp các cơ quan xác định thành phần hồ sơ, tài liệu hình thành trong quá trình giải quyết công việc thuộc nguồn nộp được đầy đủ, chính xác.

Thực hiện kế hoạch thu thập hồ sơ, tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố năm 2024, có 11 cơ quan đăng ký nộp hồ sơ, tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố gồm:  Thanh tra Thành phố; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Công thương ; Sở Y tế; Sở Kế hoạch và Đầu tư ; UBND Quận 5; Văn phòng UBND Thành phố; UBND huyện Cần Giờ; UBND quận Bình Thạnh; Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH một thành viên; UBND quận Tân Phú. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan chưa chuẩn bị được hồ sơ, tài liệu đáp ứng theo yêu cầu để giao nộp và chưa tiến hành giao nộp.

Qua rà soát của Chi cục Văn thư-Lưu trữ về công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu giao nộp, về cơ bản tài liệu của một số cơ quan đã được chỉnh lý, lập hồ sơ nhưng vẫn thật sự đạt yêu cầu. Việc lựa chọn tài liệu giao nộp vào lưu trữ lịch sử còn gặp nhiều khó khăn do hồ sơ chưa được lập hoàn chỉnh, tài liệu trong hồ sơ thu thập không đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu về thành phần tài liệu giao nộp vào lưu trữ lịch sử.

Bên cạnh đó, nhân sự làm công tác lưu trữ tại các cơ quan còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ, một số cơ quan còn chưa bố trí lưu trữ chuyên trách, cán bộ lưu trữ vẫn còn kiêm nhiệm dẫn đến tình trạng tài liệu chưa được giao nộp vào kho lưu trữ cơ quan để lựa chọn những hồ sơ có giá trị thuộc thành phần giao nộp vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử. Công tác giao nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử chưa thực sự được các cơ quan, các quận, huyện quan tâm đúng mức, một số quận, huyện tài liệu vẫn còn nằm rải rác ở các cơ quan chuyên môn mà chưa được giao nộp vào kho lưu trữ của UBND quận, huyện.

Công tác lập hồ sơ và chuẩn bị hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan tại những cơ quan thuộc nguồn nộp lưu chưa được quan tâm, chỉ đạo sát sao của người đứng đầu cơ quan, đơn vị dẫn đến tình trạng tài liệu vẫn còn bảo quản tại lưu trữ của cơ quan mà chưa giao nộp vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố.

Những tồn tại trên cần có các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác thu thập, góp phần bảo quản an toàn tài liệu có giá trị hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác thu thập tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.

Để công tác giao nộp tài liệu từ các cơ quan được thực hiện đúng quy định, phát huy được chức năng, nhiệm vụ của kho lưu trữ lịch sử ở địa phương, nhằm tăng cường bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, đồng thời đưa hoạt động lưu trữ và thu thập tài liệu đi vào nề nếp cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất,  Đối với các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử.

Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Luật Lưu trữ; Nghị định số 01/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ; Thông tư số 16/2014/TT-BNV ngày 20/11/2014 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn giao, nhận tài liệu vào Lưu trữ lịch sử các cấp và các văn bản quy định về công tác giao nộp tài liệu của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Nội vụ, Chi cục Văn thư Lưu trữ và của chính cơ quan mình. Hàng năm các cơ quan cần phải có kế hoạch giao nộp tài liệu vào lưu trữ cơ quan và lưu trữ lịch sử để các cơ quan, đơn vị thuộc nguồn nộp lưu chủ động trong việc chuẩn bị tài liệu giao nộp.

Tài liệu lưu trữ là tài liệu có giá trị phục vụ hoạt động thực tiễn, nghiên cứu khoa học, lịch sử được lựa chọn để lưu trữ, do đó cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân  về  vai trò, vị trí, ý nghĩa của tài liệu.

Để công tác thu thập tài liệu vào Lưu trữ lịch sử đảm bảo hiệu quả, tài liệu lưu trữ phát huy được giá trị thì tài liệu lưu trữ của các cơ quan thuộc nguồn nộp lưu phải được tổ chức khoa học trước khi thu thập vào kho Lưu trữ lịch sử. Việc tổ chức khoa học tài liệu là hết sức quan trọng, đảm bảo tài liệu được phân loại, xác định giá trị, hoàn thiện hệ thống công cụ tra cứu khoa học tài liệu. Khi việc tổ chức khoa học tài liệu được thực hiện tốt sẽ thuận lợi cho công tác thu thập tài liệu và đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của các tổ chức và cá nhân.

Đồng thời tăng cường công tác tập huấn để nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức về công tác lưu trữ, trong đó chú trọng công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ vào lưu trữ cơ quan và lưu trữ lịch sử. Cán bộ chuyên môn là người chịu trách nhiệm lập hồ sơ công việc cần được trang bị đầy đủ về phương pháp và kỹ năng lập hồ sơ. Hiện nay, vẫn còn nhiều công chức, viên chức chưa nắm được quy trình lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ vào lưu trữ cơ quan nên rất lúng túng trong việc lập hồ sơ các công việc được giao. Nếu cán bộ lưu trữ không đủ kiến thức chuyên môn, không am tường về tài liệu được chỉnh lý thì khó có thể khôi phục hồ sơ theo đúng quá trình giải quyết công việc ở giai đoạn văn thư và ảnh hưởng trực tiếp việc giao nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử. Như vậy, để thu thập được các hồ sơ, tài liệu có giá trị và có chất lượng vào lưu trữ lịch sử, cần quan tâm hơn nữa tới việc lập hồ sơ công việc ở giai đoạn văn thư và thu thập hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan. Từ đó, tạo được nguồn tài liệu có chất lượng tốt ngay từ đầu và tạo thuận lợi cho lưu trữ lịch sử trong việc chủ động lựa chọn và thu thập những hồ sơ, tài liệu có giá trị cao.

Thứ hai, Đối với Lưu trữ lịch sử

Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, triển khai, hướng dẫn thực hiện các văn bản của UBND thành phố, Sở Nội vụ và Chi Cục Văn thư - Lưu trữ về công tác lưu trữ nói chung và giao nộp tài liệu lưu trữ nói riêng, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức đối với công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ vào lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử.

Cần đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan trong việc chuẩn bị giao nộp tài liệu vào lưu trữ. Đặc biệt là trong việc xử lý kịp thời tài liệu tích đống, bó gói vì muốn thu thập được tài liệu của các cơ quan, tổ chức trước hết cần hướng dẫn các cơ quan xây dựng kế hoạch, lập dự toán chỉnh lý trên cơ sở kế hoạch chung của Thành phố. Làm tốt vấn đề này thì việc thu thập tài liệu vào Lưu trữ lịch sử mới đạt hiệu quả cao.

Cán bộ làm công tác thu thập phải bám sát cơ sở, tận tình hướng dẫn nghiệp vụ, đánh giá đúng được số lượng và chất lượng tài liệu tại các cơ quan, thời gian tài liệu, nội dung, thành phần tài liệu giao nộp. Có như thế, mới nắm bắt được tình trạng tài liệu của các cơ quan, từ đó mới hướng dẫn chính xác, kịp thời cách thức tổ chức thực hiện cho từng cơ quan.

Bên cạnh hướng dẫn cần chỉ đạo, đôn đốc, các cấp có thẩm quyền tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về công tác lưu trữ, giúp các cơ quan, tổ chức chuẩn bị hồ sơ, tài liệu giao nộp, thành phần tài liệu giao nộp và các loại tài liệu nghiệp vụ đi kèm tài liệu giao nộp đúng quy định.

Bổ sung tiêu chí giao nộp hồ sơ vào Lưu trữ lịch sử làm cơ sở đánh giá, xếp loại thi đua cũng như xử lý vi phạm của các cơ quan, tổ chức  để nâng cao chất lượng công tác văn thư, lưu trữ tại các sở, ban, ngành và UBND cấp quận/huyện ngày càng tốt hơn.

Hàng năm tổ chức họp đánh giá lại kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong công tác thu thập tài liệu vào Lưu trữ lịch sử để từ đó đề ra những giải pháp cụ thể cho năm tới.           

Trong công cuộc đổi mới đất nước, các ngành, các lĩnh vực hoạt động có những đóng góp nhất định và luôn có sự cải tiến để vươn tới sự hoàn thiện, ngành lưu trữ cũng vậy. Hòa vào xu thế đó, công tác lưu trữ cần được quan tâm, đầu tư để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Tại Lưu trữ lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, công tác thu thập tài liệu cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa. Có như vậy tài liệu lưu trữ mới được phát huy giá trị và góp phần vào sự phát triển chung của Thanh phố. Với những giải pháp nêu trên, nếu được thực hiện sẽ tạo ra bước chuyển biến mới trong việc nâng cao chất lượng công tác thu thập hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ lịch sử của Thành phố.                    

4. Kết luận.

Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia và tài liệu lưu trữ là tài sản quý báu, có tác dụng rất lớn trong việc nghiên cứu tình hình, tổng kết kinh nghiệm, định hướng chương trình kế hoạch công tác và phương châm chính sách về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, cũng như khoa học kỹ thuật. Đó là nguồn sử liệu phản ánh chân thực, chính xác hoạt động của các cơ quan, tuy nhiên, tài liệu lưu trữ chỉ phát huy giá trị khi chúng được quản lý tập trung, thống nhất và được khai thác, sử dụng có hiệu quả, phục vụ cho hoạt động lãnh đạo quản lý, điều hành; phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, lịch sử, tổng kết kinh nghiệm…Do đó, việc lưu trữ văn bản, tài liệu là một công tác hết sức quan trọng.

 Trong bối cảnh hiện nay, quản lý văn bản, tài liệu là một trong những nhiệm vụ cơ bản của cơ quan nhà nước nhằm đảm bảo hiệu quả cải cách hành chính, chứng minh tính minh bạch và trách nhiệm giải trình các hoạt động bằng thông tin văn bản. Quản lý tài liệu lưu trữ tốt có ảnh hưởng đến quyết định thực hiện mục tiêu cuối cùng của công tác lưu trữ là bảo quản được hồ sơ, tài liệu lưu trữ và phục vụ cho xã hội. Chính vì vậy từ trước tới nay, công tác tổ chức quản lý tài liệu lưu trữ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh việc giao nộp tài liệu vào Trung tâm lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử đã được chú trọng, đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác thu thập, nộp lưu trài liệu vào lưu trữ đã được ban hành giúp các cơ quan chủ động trong việc chuẩn bị tài liệu giao nộp. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa cao.

Trong thời gian tới, để làm tốt công tác thu thập tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố, các ngành, các cấp, các cơ quan cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm giao nộp hồ sơ, tài liệu.

Chúng ta đều biết tài liệu được sản sinh ra trong các cơ quan ngày càng nhiều, nếu công tác thu thập không được thực hiện tốt sẽ dẫn đến tình trạng tài liệu bị phân tán, xé lẻ, nhiều tài liệu có giá trị bị mất mát, thất lạc, xuống cấp. Vì vậy, việc thu thập tài liệu vào lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử nói chung, tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng, được thực hiện thường xuyên nhằm giúp Thành phố Hồ Chí Minh giữ lại được những tài liệu có giá trị. Đồng thời góp phần làm phong phú hơn cho tài liệu Phông Lưu trữ Quốc gia Việt Nam.

Ths. Nguyễn Thị Bình

Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Nội vụ (2014), Thông tư số 16/2014/TT-BNV ngày 20/11/2014 Hướng dẫn giao nhận tài liệu lưu trữ vào lưu trữ lịch sử các cấp;
  2. Bộ Nội vụ (2014), Thông tư số 17/2014/TT-BNV ngày 20/11/2014 Hướng dẫn xác định cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử các cấp;
  3. Quốc hội khóa 13 (2011), Luật Lưu trữ ngày 11/11/2011;
  4. Thủ tướng Chính phủ (20017) Chỉ thị số 05/2007/CT-TTg ngày 02/3/2007 về việc tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.
  5. Thủ tướng Chính phủ (2017), Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 07/9/2017 tăng cường công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử.
  6. Thủ tướng Chính phủ (20017) Chỉ thị số 05/2007/CT-TTg ngày 02/3/2007 về việc tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.
  7. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2017), Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 11/9/2017 về tăng cường công tác quản lý tài liệu lưu trữ tại các cơ quan, tổ chức trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;
  8. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2023), Quyết định số 414/QĐ-UBND ngày 13/02/2023 về ban hành danh mục và mã phông của các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu vào trung tâm lưu trữ lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh;
  1. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2023), Quyết định số 3412/QĐ-UBND ngày 15/8/2023 về ban hành danh mục thành phần hồ sơ, tài liệu của các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu vào trung tâm lưu trữ lịch sử Thành phố;
  2. Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh (2023), Quyết định số 414/QĐ-SNV ngày 29 tháng 8 năm 2023 về ban hành Quy trình thẩm định, phê duyệt Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu và giao nhận hồ sơ, tài liệu vào Trung tâm lưu trữ lịch sử Thành phố.
  3. Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh (2024), Kế hoạch số 741/KH-SNV ngày 30/01/2024 về thu thập hồ sơ, tài liệu vào Trung tâm lưu trữ lịch sử Thành phố năm 2024;
...