Bài viết làm rõ chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng về công tác thông tin đối ngoại trong thời kỳ hội nhập quốc tế; kết quả đạt được và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
1. Chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng về công tác thông tin đối ngoại
Đại hội XI của Đảng (năm 2011) nêu rõ: “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”(1). Với việc mở rộng biên độ hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, đòi hỏi phải làm tốt hơn nữa công tác thông tin đối ngoại. Ngày 14-2-2012, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Kết luận số 16-KL/TW về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, trong đó xác định thông tin đối ngoại là một nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác đối ngoại và công tác tư tưởng của Đảng.
Triển khai thực hiện Kết luận số 16-KL/TW, ngày 06-8-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020. Tiếp đó, ngày 04-9-2012, Chính phủ ban hành Quyết định 1209/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch phát thanh, truyền hình đối ngoại đến năm 2020, nêu rõ: Phát thanh, truyền hình đối ngoại là lực lượng chủ lực để thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại. Ngày 28-2-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 368/QĐ-Ttg về việc Phê duyệt chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013-2020. Ngày 08-2-2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tới năm 2020.
Đại hội XII của Đảng (năm 2016) nêu rõ: “Tăng cường công tác thông tin đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo đồng thuận trong nước và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước”(2). Triển khai Nghị quyết Đại hội XII, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), tháng 11-2016, ra Nghị quyết về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó xác định công tác thông tin đối ngoại có nhiệm vụ nâng cao và phát huy hiệu quả uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam.
Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 05-8-2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và nâng cao năng lực công tác thông tin tuyên truyền và thông tin đối ngoại góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, với mục tiêu tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và thông tin đối ngoại nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam tới các nước có chung đường biên giới, góp phần xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Đại hội XIII của Đảng (1-2021) nhấn mạnh: “Đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại”(3). Thực hiện chủ trương và sự chỉ đạo, định hướng của Đảng, công tác thông tin đối ngoại ngày càng phát triển.
2. Kết quả của công tác thông tin đối ngoại
Một là, lực lượng tham gia làm công tác thông tin đối ngoại ngày càng đa dạng, trong đó báo chí đối ngoại đã phát huy vai trò, hiệu quả
Trong quá trình thực hiện công tác thông tin đối ngoại, báo chí là một lực lượng quan trọng. Tính đến năm 2011, cả nước có 706 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh - truyền hình của Trung ương và địa phương. Riêng về báo chí truyền thông đối ngoại, có khoảng 40 báo, tạp chí đối ngoại với trên 700 ấn phẩm, như: Vietnam News, Le Courrier du Vietnam, Vietnam Law and Legal Forum, Vietnam Economics Times, Saigon Times Daily, Thế giới &Việt Nam, Tạp chí Quê hương, Tạp chí Thông tin đối ngoại, Báo điện tử Tổ quốc, Tạp chí Cửa sổ Văn hóa...(4). Đến cuối năm 2018, cả nước có 844 cơ quan báo chí in, với 184 báo, 660 tạp chí, cùng 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập(5). Năm 2020, số lượng cơ quan báo chí và nhân sự hoạt động là 41 nghìn nhân sự, 779 cơ quan báo chí (trong đó có 142 báo, 612 tạp chí in, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập), 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình(6). Trong đó, nhiều cơ quan báo chí Việt Nam có ấn phẩm hoặc chuyên trang xuất bản bằng tiếng nước ngoài.
Trong bối cảnh thế giới bước sang kỷ nguyên số, với những phương tiện, hình thức thông tin truyền thông mới, hệ thống báo chí điện tử, phát thanh, truyền hình trên mạng interrnet phát triển mạnh, nhiều báo điện tử được thành lập và phát triển nhanh chóng, với số lượng người truy cập ngày càng cao như Nhân dân, Vnexpress, Vietnamnet, Dân trí, Tuoitreonline... Số lượng, chương trình, chuyên mục, ấn phẩm bằng tiếng nước ngoài ngày càng tăng. Đài Truyền hình Việt Nam nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình đối ngoại; đa dạng hóa các phương thức thông tin, vừa đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang truyền thống, vừa đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh thông tin mạng. Đài Tiếng nói Việt Nam cập nhật kịp thời những thông tin đối ngoại trên kênh VTC - Đài Truyền hình kỹ thuật số bằng tiếng Việt và tiếng Anh; trong các chương trình phát thanh Bản tin tổng hợp hằng ngày bằng 13 ngôn ngữ và đăng tải thông tin trên vov.vn, vovworld.vn, vtcnews.vn(7).
Bên cạnh đó, nhiều cơ quan có trang tin trên mạng xã hội như: Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại vận hành trang ttdn.vn; Cổng thông tin điện tử Chính phủ vận hành Fanpage@VNGov (phiên bản tiếng Anh, tiếng Trung) trên Facebook, vận hành hiệu quả tài khoản Twitter@VNGovPortal phiên bản tiếng Anh. Tạp chí Thời đại phát hành trên mạng bằng 6 ngôn ngữ (Việt, Anh, Trung Quốc, Nga, Lào, Khmer). Bộ Ngoại giao quản lý 4 tài khoản mạng xã hội; Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý và duy trì Trang tin Vietnam.vn; Aseanvietnam.vn; Vietbao.vn...(8)
Các cơ quan báo chí chủ lực như Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân đã phát huy vai trò trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, thông tin đối ngoại. Các văn phòng báo chí ở nước ngoài của các cơ quan báo chí chủ lực tiếp tục được duy trì và mở rộng. Số văn phòng báo chí Việt Nam thường trú tại nước ngoài năm 2018 là 57 văn phòng, số lượng phóng viên Việt Nam thường trú tại nước ngoài năm 2018 là 148 người(9).
Hai là, phương thức thông tin đối ngoại ngày càng đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa
Công tác tuyên truyền đối ngoại thông qua con đường ngoại giao, các cơ quan phát ngôn chính thức của Đảng và Nhà nước: Đến năm 2020, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với 224 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam là thành viên của 63 tổ chức quốc tế và khu vực, có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ(10). Đến cuối năm 2018, Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ ở mức độ khác nhau với 247 chính đảng và phong trào ở 111 quốc gia trên thế giới, trong đó có 96 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 28 đảng tham chính hoặc tham gia liên minh cầm quyền(11). Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị thường xuyên tổ chức, trao đổi các chuyến thăm chính thức, hữu nghị với các nước, chính đảng trên thế giới và trong khu vực.
Công tác tuyên truyền đối ngoại thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và hệ thống cơ quan đại diện các nước, các tổ chức quốc tế, dư luận truyền thông quốc tế và phóng viên nước ngoài tại Việt Nam: Tại các sứ quán và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đều có sách báo, băng hình bằng ngoại văn để cung cấp cho các độc giả nước ngoài thông qua các cuộc gặp mặt đại diện các chính khách, các cơ quan báo chí, các tổ chức ngoại giao, khoa học ở các nước sở tại.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã nhạy bén, nhanh chóng chuyển đổi các hoạt động thông tin, thích ứng với tình hình, làm tốt việc thông tin về những thành tựu chống dịch của Việt Nam, đề xuất hợp tác trong xử lý dịch bệnh, các biện pháp bảo hộ công dân của Nhà nước... Qua đó, góp phần ổn định tâm lý và đời sống của người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đất nước, con người Việt Nam, xúc tiến thương mại và đầu tư.
Hằng năm, Nhà nước tạo điều kiện để các đoàn nhà báo quốc tế tới tìm hiểu thực tế tại Việt Nam để viết bài. Năm 2018, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp đón hơn 300 đoàn với khoảng 2.100 phóng viên nước ngoài vào Việt Nam. Năm 2019 đón gần 4 nghìn phóng viên nước ngoài đến Việt Nam, riêng 6 tháng đầu năm 2019, đón hơn 3.300 phóng viên. Đặc biệt, sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều thu hút sự có mặt 2.600 phóng viên của 218 hãng thông tấn, báo chí từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện đón và hướng dẫn cho 14 đoàn phóng viên tới thăm và làm việc tại Việt Nam, đến từ các nước: Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Ốtxtrâylia, Trung Quốc, Mianma, Campuchia, Angiêri(12). Theo thống kê, năm 2017 có 13.187 tin, bài, năm 2018 có 9.509 tin, bài trên các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài nói về Việt Nam(13). Năm 2020, do tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng phóng viên nước ngoài vào Việt Nam hạn chế, chỉ khoảng 300 người. Vì vậy, Nhà nước đã tạo điều kiện để 38 văn phòng báo chí nước ngoài thường trú tác nghiệp. Các bài viết của phóng viên cơ quan báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam đã được hàng nghìn trang tin, báo chí thế giới dẫn lại.
Các phương thức tuyên truyền truyền thống tiếp tục được phát huy: Tổ chức các chương trình, hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, các sự kiện chính trị - đối ngoại quan trọng như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai (tháng 2-2019), Việt Nam trúng cử Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (tháng 6-2019), năm Chủ tịch ASEAN 2020...; Hoạt động sáng tác, biểu diễn, triển lãm các tác phẩm nghệ thuật, sáng tạo thường xuyên được tổ chức. Năm 2019, đã tổ chức Tuần lễ văn hóa Việt Nam của sinh viên Việt Nam tại Nga, Nhật Bản; Ngày văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc, Cu Ba; triển lãm Ảnh và Tuần phim “Việt Nam - Điểm hẹn thế giới 2019” tại Thụy Điển(14)... Năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức 02 cuộc Triển lãm Ảnh và Phim phóng sự - tài liệu về đất nước, con người - bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu - các dân tộc trong cộng đồng ASEAN tại tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước; trưng bày ảnh và phim phóng sự phục vụ bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội; gửi Triển lãm Ảnh và phim “Khám phá Việt Nam” cho Đại sứ quán Việt Nam tại 05 nước: Bungari, Rumani, Inđônêxia, Đan Mạch và Nam Phi(15). Bộ Quốc phòng tổ chức triển lãm ảnh, chiếu phim tài liệu về 70 năm quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Liên bang Nga, 60 năm hợp tác quốc phòng Việt Nam - Cu Ba...
Ngày càng chú trọng việc tổ chức biên soạn và phát hành các ấn phẩm, tài liệu, phim phục vụ công tác thông tin đối ngoại, trong đó nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng các ấn phẩm tiếng nước ngoài, đặc biệt trên nền tảng số, phù hợp với từng địa bàn, mang lại hiệu quả thiết thực. Năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông sản xuất 67 phim tài liệu trong chuyên mục “Văn hóa và hội nhập”; Chương trình phim chuyên đề 2020 được phát sóng định kỳ hằng tháng trên kênh Văn hóa - Du lịch VOV, Truyền hình Thông tấn và một số đài truyền hình trong nước; sản xuất 10 video clip về 10 nước ASEAN; sản xuất phim về quan hệ Việt Nam - Inđônêxia; Việt Nam - EU; xuất bản sách Việt Nam thường niên 2020(16)...
Thông tin đối ngoại qua các hoạt động hội thảo khoa học trong nước và quốc tế: Trong những năm gần đây, nhiều hội thảo quốc tế đã thu hút sự quan tâm của các học giả nước ngoài, tiêu biểu như Hội thảo quốc tế Việt Nam học được tổ chức thường niên; các hội thảo quốc tế do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức...
Ba là, nội dung thông tin đối ngoại đổi mới, phong phú, đa đạng
Nội dung thông tin đối ngoại ngày càng phong phú, đa dạng như: Thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, tiềm năng hợp tác và phát triển, về đất nước, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa Việt Nam, chính sách đối ngoại, quan điểm lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực; tăng cường thông tin về kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư, thương mại, du lịch Việt Nam.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nội dung tuyên truyền tập trung vào tinh thần chống dịch của Việt Nam và việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó là những thông tin về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và Đại hội XIII của Đảng.
Thông tin tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, biên giới lãnh thổ quốc gia; tuyên truyền về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông phù hợp luật pháp quốc tế; thông tin đối ngoại về vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí... ngày càng đầy đủ, đa chiều, có chiều sâu.
Bốn là, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại ngày càng hiệu lực, hiệu quả
Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại thường xuyên trao đổi thông tin qua nhiều hình thức khác nhau như: cơ chế giao ban tuần của bộ phận thường trực, báo cáo nhanh, phối hợp xây dựng tài liệu thông tin nội bộ về các vấn đề quan trọng, thu hút sự chú ý của dư luận; cơ chế chủ động cung cấp thông tin cho báo chí qua giao ban tổng biên tập các cơ quan báo chí hằng tuần và họp báo định kỳ. Công tác phối hợp tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thông tin đối ngoại bảo đảm phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao.
Năm là, công tác thông tin đối ngoại của các địa phương ngày càng chủ động, bài bản và nền nếp
Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại các địa phương chủ động xây dựng hướng dẫn, các kế hoạch tuyên truyền, thông tin đối ngoại gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị và điều kiện đặc thù của địa phương. Một số địa phương chủ động hợp tác với các hãng truyền thông nước ngoài để tuyên truyền(17), quảng bá hình ảnh, tổ chức các sự kiện văn hóa đặc sắc, đăng ký các sản phẩm truyền thống... mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động thông tin đối ngoại.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác thông tin đối ngoại cũng còn một số hạn chế: Thông tin về Việt Nam tới cộng đồng quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài vẫn chưa thực sự đầy đủ, kịp thời và chưa đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của các nhóm đối tượng ở địa bàn khác nhau. Nhiều cơ quan, báo chí trong nước, nhất là báo điện tử vẫn còn sai sót trong khai thác thông tin từ nguồn báo chí nước ngoài, trên mạng xã hội; một số đơn vị báo chí, truyền thông chạy theo thị trường, thiếu nhạy cảm chính trị, đăng tải những thông tin chưa phù hợp, ảnh hưởng đến công tác thông tin đối ngoại(18).
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thông tin đối ngoại
Một là, cần có chiến lược xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước, thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế; chủ động, tích cực tuyên truyền, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc hình ảnh Việt Nam
Ý thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu quốc gia, Chính phủ đã sớm ban hành văn bản chỉ đạo: Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25-11- 2003 về xây dựng Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam; Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ngày 08-10-2019 về ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 08-10-2009 phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa, triển khai các chương trình, kế hoạch còn chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, cần có chiến lược toàn diện nhằm xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, cần thực hiện “Mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực và quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia và tăng cường sức mạng tổng hợp của đất nước”(19).
Để vận động dư luận và phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc hình ảnh Việt Nam, cần chủ động xây dựng lập luận phản bác, cung cấp thông tin, số liệu cập nhật và dẫn chứng minh họa để tăng tính thuyết phục; tăng cường đấu tranh dư luận trực diện trên mạng internet. Chủ động xây dựng những bộ tài liệu thông tin theo từng chủ đề, tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm về vấn đề có liên quan, trên cơ sở đó cơ quan có thẩm quyền kết luận nội dung để định hướng dư luận cho các cơ quan thông tấn báo chí ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Hai là, có cơ chế quản lý thông tin trên nền tảng số
Hiện nay, tình trạng tin giả, thông tin xấu, độc xuất hiện trên các trang mạng xã hội đang ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thông tin đối ngoại. Trong khi đó, hệ thống cơ chế chính sách còn có những bất cập, chưa thực sự theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông mới, còn thiếu chế tài xử lý, vấn đề bảo mật thông tin, tính xác thực của nguồn tin, thông tin không được kiểm soát... Đây là những điểm yếu, dễ bị các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng. Vì vậy, cần rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thông tin đối ngoại nhằm xây dựng văn bản pháp quy mới hoặc điều chỉnh các văn bản đã có cho phù hợp tình hình, yêu cầu và nhiệm vụ của công tác thông tin đối ngoại trong bối cảnh mới.
Ba là, chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nền tảng công nghệ báo chí truyền thông mới phục vụ công tác thông tin đối ngoại, đáp ứng yêu cầu mới
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại phải đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn. Do đó, cần tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác thông tin đối ngoại cho cán bộ chuyên trách và các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại. Gắn kết chặt chẽ các cơ sở đào tạo, nghiên cứu với các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác thông tin đối ngoại. Có sự phối hợp với các trường đại học có các chuyên ngành về thông tin đối ngoại như Học viện Ngoại giao, Học viện Báo chí - Tuyên truyền... trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông tin đối ngoại.
Công tác thông tin đối ngoại góp phần quan trọng quảng bá những thành tựu của công cuộc đổi mới, đấu tranh, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình Việt Nam, để bạn bè quốc tế hiểu đúng, hiểu rõ hơn về Việt Nam, góp phần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác thông tin đối ngoại phải góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng đề ra: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(20).
__________________
(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr.236.
(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.314-315.
(3), (19), (20) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.165, 50, 161-162.
(4) Lê Thanh Bình (chủ biên): Báo chí và thông tin đối ngoại, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2012, tr.54.
(5) https://congly.vn/thoi-su/hoi-nghi-bao-chi-toan-quoc-tong-ket-cong-tac-nam-2018-trien-khai-nhiem-vu-nam-2019-281918.html.
(6) https://laodong.vn/thoi-su/bao-chi-viet-nam-nam-2020-thong-tin-kip-thoi-trung-thuc-co-tinh-phan-bien-cao-866382.ldo.
(7), (8), (15), (16) Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Thông tin Đối ngoại: Báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và triển khai chương trình công tác năm 2021, Hà Nội, 12-2020.
(9), (13) Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Thông tin Đối ngoại: Báo cáo tổng kết công tác năm 2018 và triển khai chương trình công tác năm 2019, Hà Nội, 12-2018.
(10) http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/thamgiacactochucquocte
(11) Lê Tùng: Những dấu ấn của đối ngoại Đảng năm 2018, Báo Nhân Dân cuối tuần số 52 (1557), ngày 30-12-2018.
(12), (14), (18) Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Thông tin Đối ngoại: Báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và triển khai chương trình công tác năm 2020, Hà Nội, 12-2019.
(17) Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ký hợp đồng quảng bá du lịch trên CNN trong giai đoạn 2016-2018.
TS NGUYỄN THỊ MAI
Viện Lịch sử Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh