17/01/2025 lúc 06:53 (GMT+7)
Breaking News

Công nghiệp chế biến, chế tạo hút mạnh vốn FDI trong Quý I/2019

VNHN-Theo Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 2.876,5 triệu USD, chiếm 75,3% tổng vốn đăng ký cấp mới.

VNHN-Theo Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 2.876,5 triệu USD, chiếm 75,3% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/3 thu hút 785 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 3.821,4 triệu USD, tăng 27% về số dự án và tăng 80,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, có 279 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1.298,4 triệu USD, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Ảnh minh họa - Internet

Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 3 tháng đạt 5.119,8 triệu USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 3 tháng ước tính đạt 4.120 triệu USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 3 tháng năm 2019 còn có 1.653 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp là 5,69 tỷ USD, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2018, trong đó có 588 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 4,79 tỷ USD và 1.065 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 0,9 tỷ USD.

Trong 3 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 2.876,5 triệu USD, chiếm 75,3% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 497,7 triệu USD, chiếm 13%; các ngành còn lại đạt 447,2 triệu USD, chiếm 11,7%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 3 tháng năm nay đạt 4.026,2 triệu USD, chiếm 78,6% tổng vốn đăng ký; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 505,6 triệu USD, chiếm 9,9%; các ngành còn lại đạt 588 triệu USD, chiếm 11,5%.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4.372,2 triệu USD, chiếm 76,9% tổng giá trị góp vốn; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 302,7 triệu USD, chiếm 5,3%; các ngành còn lại đạt 1.010,8 triệu USD, chiếm 17,8%.

Cả nước có 39 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 3 tháng đầu năm, trong đó Bắc Ninh có số vốn đăng ký lớn nhất với 455,7 triệu USD, chiếm 11,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bình Dương 329,6 triệu USD, chiếm 8,6%; TPHCM 7,6%; Đà Nẵng 249,8 triệu USD, chiếm 6,5%; Hải Dương 236 triệu USD, chiếm 6,2%; Hải Phòng 223,2 triệu USD, chiếm 5,8%; Tiền Giang 214,4 triệu USD, chiếm 5,6%.

Trong số 42 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong quý I/2019, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 723,2 triệu USD, chiếm 18,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore 690,8 triệu USD, chiếm 18,1%; Hàn Quốc 547,3 triệu USD, chiếm 14,3%; Nhật Bản 471,5 triệu USD, chiếm 12,3%; Hong Kong (Trung Quốc) 456,4 triệu USD, chiếm 11,9%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 207,3 triệu USD, chiếm 5,4%; Đài Loan (Trung Quốc) 197,5 triệu USD, chiếm 5,2%.

Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong quý I/2019, cả nước có 24 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư của phía Việt Nam là 80,4 triệu USD, bên cạnh đó có 8 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 39,6 triệu USD.

Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) trong quý I năm nay đạt 120 triệu USD, trong đó lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 67,8 triệu USD, chiếm 56,5% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 36,1 triệu USD, chiếm 30,1%; lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 10,7 triệu USD, chiếm 8,9%.

Trong quý I/2019 có 18 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, dẫn đầu là Tây Ban Nha với 59,8 triệu USD, chiếm 49,9% tổng vốn đầu tư; tiếp đến là Campuchia 37,9 triệu USD, chiếm 31,6%; Hoa Kỳ 11 triệu USD, chiếm 9,2%; Trung Quốc 3 triệu USD, chiếm 2,5%; Manta 2,3 triệu USD, chiếm 1,9%; Australia 1,5 triệu USD, chiếm 1,2%; Nhật Bản 1 triệu USD, chiếm 0,9%...