VNHNO - Những nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học khiến chúng ta tin rằng trong thời gian tới những ứng dụng về khoa học công nghệ có thể giúp màn hình điện thoại, màn hình laptop, kính xe thậm chí là cửa sổ máy bay đều có khả năng tự chữa lành vết nứt.
Các nghiên cứu này nhằm để tìm ra các vật liệu công nghệ cao có thể giúp các thiết bị tự chữa lành bản thân khi bị nứt nhằm tái sử dụng các sản phẩm công nghệ để giảm bớt sự lãng phí do xã hội hiện đại tạo ra.
Vỡ, nứt màn hình luôn là nỗi ám ảnh với những thiết bị công nghệ
Vào đầu năm 2018, gã khổng lồ công nghệ Samsung đã nộp bằng sáng chế cho một nghiên cứu mới về lớp phủ màn hình điện thoại có khả năng tự chữa lành vết xước nhỏ. Từ đó, nhiều người đã suy đoán rằng công nghệ mới này sắp được ứng dụng cho dòng điện thoại thông minh tiếp theo của hãng này sẽ ra mắt vào năm 2019 tới sau sản phẩm S10. Điều này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người hâm mộ dòng điện thoại thông minh với hy vọng về một thiết bị chống hư hại tốt hơn.
Vậy làm thế nào một vật thể vô tri vô giác có thể tự chữa lành những vết thương?
Trong một nghiên cứu của Giáo sư Takuzo Aida của Đại học Tokyo được báo cáo trên tạp chí Science hồi cuối năm ngoái về hợp chất Polymer có thể tự hàn gắn một vết nứt nhỏ nhờ một chất có tên Thiourea. Chất này chứa các nguyên tử hydro tạo nên các liên kết mới với nhau theo một chuỗi zigzag, từ đó giúp cho vật liệu bị hư hỏng nhanh chóng phục hồi. Nghiên cứu này hứa hẹn về một chất liệu đầy tiềm năng cho màn hình điện thoại thông minh tương lai.
Chất liệu polymer có khả năng tự chữa lành vết thương
Tương tự như vậy, một polymer tự chữa bệnh cũng được phát triển tại Đại học California, Riverside, được coi là một vị cứu tinh màn hình điện thoại tiềm năng. Tuy nhiên cho đến nay hợp chất này chỉ mới được thử nghiệm trong các mô hình cơ nhân tạo trong phòng thí nghiệm.
Trên thực tế một số sản phẩm chứa chất liệu Polymer tự chữa lành đã được đưa vào ứng dụng. Ví dụ như hãng Feynlab của Mỹ đã phát triển một lớp sơn phủ có chứa polyme này để sử dụng trên những chiếc xe giúp lấp đầy những vết trầy xước nhỏ. Khi bị đun nóng bằng cách để trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời hoặc đổ nước nóng qua khu vực bị trầy xước thì bề mặt của lớp sơn trầy xước lập tức được khắc phục.
Công nghệ này sẽ giúp ích rất nhiều nếu được ứng dụng thực tế
Riêng Đại học Carnegie Mellon đang thử nghiệm một mạch nội bộ có thể chịu được tác hại của lực tác động nhờ vào vật liệu tổng hợp dẫn điện tự chữa bệnh. Đó là mạch nội bộ có thể chịu được thiệt hại nhờ vào vật liệu tổng hợp dẫn điện tự hồi phục sau sự cố. Ông Rian Whitton thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Ý tưởng về việc có mạch điện có thể tự sửa chữa mà không có bất kỳ sự tương tác hay can thiệp nào của con người đều có các ứng dụng rất lớn, không chỉ trong đời sống mà kể cả trong lĩnh vực quân sự”.
Từ sự thành công của sự tự hàn gắn, chữa lành những vết xước bề mặt, các nhà khoa học đang chạy đua để tìm ra những vật liệu có khả năng chữa lành những tổn hại sâu hơn về cấu trúc bên trong. Điều đó hứa hẹn việc khắc phục những vết nứt trên kính không chỉ ứng dụng cho các màn hình mà còn ứng dụng cho kính ô tô, kính máy bay nhằm tránh gây ra những thiệt hại nghiêm trọng như vết nứt ở cửa kính chuyến bay Southwest Airlines ở Mỹ vào tháng 4/2018 đã khiến một nữ hành khách tử vong./.
Nguồn: BBC