VNHN - Không có bất kỳ chủ trương, chính sách, pháp luật nào có thể đi vào thực tiễn thành công mà thiếu vắng vai trò và phẩm chất cần thiết của con người; đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước - những người chủ đạo trong việc cụ thể hóa và tổ chức triển khai những chính sách đó trong các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội.
Còn nhớ cách đây hơn 4 năm, tại Hội nghị của Ban Chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức (25/1/2013), đồng chí Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ) có nói rằng: “…trong bộ máy có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Đồng chí còn đặt câu hỏi: “Liệu 2,8 triệu công chức hiện nay có cống hiết hết mình hay không ?”. Cho dù ở mức độ cụ thể nào đi nữa thì những vấn đề nêu trên cũng đang là một thực tế bất cập không nhỏ trong hệ thống quản lý của nước ta hiện nay.
Còn đó những người không phải là công bộc của dân…
Bên cạnh những cán bộ, công chức tận tụy với công việc, thể hiện là những công bộc của dân, đáng tiếc vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức hiện nay không tích cực làm việc. Bộ phận cán bộ “chậm tiến” ấy thể hiện ở các mặt: Bảo thủ trong cách nghĩ, cách làm; thiếu tính năng động, thiếu sáng tạo và sự đổi mới; làm việc quan liêu, không gắn với thực tiễn, hành chính hóa, không thạo việc, tác phong chậm chạp, rườm rà; đặc biệt là thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm… Một vấn đề, một văn bản, một đề nghị chính đáng của người dân, của cơ quan, doanh nghiệp… lẽ ra giải quyết chỉ trong vài ngày hoặc cùng lắm là vài tuần, thì có khi bị kéo dài cả nhiều tháng và trên thực tế sự chờ đợi đó gây nhiều thiệt hại không đáng có cho người dân, cho doanh nghiệp, xét rộng ra là cho xã hội, cả về thời gian, về tiền bạc và đặc biệt là sự suy giảm lòng tin của người dân đối với bộ máy công quyền. Điều này đương nhiên đi ngược lại với phương châm xây dựng một nền hành chính phát triển, hiện đại của Nhà nước pháp quyền XHCN – một nhà nước “của dân, do dân, vì dân”. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ công chức suy thoái phẩm chất đạo đức, vô cảm trước yêu cầu của người dân, của xã hội, chỉ chú trọng tới lợi ích cá nhân mình… Điều đó dẫn đến khó khăn cho việc huy động các nguồn lực để thực hiện cải cách và đổi mới. Một khi tinh thần thái độ làm việc của cán bộ công chức kém và yếu thì hầu như cả quá trình triển khai chính sách trong thực tiễn, cũng như việc giải quyết những vướng mắc của người dân, của doanh nghiệp… sẽ bị ách tắc theo. Hậu quả từ những vấn đề nêu trên thật khó lường; như đồng chí Nguyễn Xuân Phúc từng cảnh báo: “…nếu không đổi mới chế độ công vụ, công chức thì sẽ thất bại trước nền kinh tế thị trường”.
Nguyên nhân và giải pháp
Tình trạng thiếu tích cực khi làm việc của một bộ phận cán bộ công chức hiện nay có nhiều nguyên nhân, cả nguyên nhân thuộc về bản thân người cán bộ đó, cả nguyên nhân thuộc về cơ chế, chính sách chung.
Về cái chung, thực sự chúng ta vẫn chưa có được những quy định cụ thể “ra tấm ra món” về chức năng, nhiệm vụ cho từng loại hình công việc, từng loại phòng, ban,cho từng chức danh trong mỗi tổ chức, nhất là những quy định về tính chịu trách nhiệm của cá nhân trước tổ chức về công việc được giao. Vì thế mà có cá nhân ỷ lại vào cấp trên, không có ý thức phấn đấu vươn lên. Mặt khác, trong lĩnh vực quản lý cán bộ, vẫn còn hiện tượng áp đặt, quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, hối lộ, tự do vô tổ chức, coi thường kỷ cương, kỷ luật… nên cán bộ công chức vừa không nhìn nhận được vai trò của mình, bị động, “nghe ngóng”, vừa không phát huy được tính chủ động, sáng tạo và sự nghiêm túc trong công việc. Đặc biệt là chế độ đãi ngộ (tiền lương) đối với cán bộ công chức còn thấp quá, chưa đủ sống, người có phẩm chất kém sẽ tìm cách để tham nhũng, ăn hối lộ. Trong khi, công tác tuyển chọn và đề bạt cán bộ, công chức còn những hạn chế, thiếu tính minh bạch; hiện tượng “chạy chọt, lo lót” vẫn còn nhiều.
Đối với cá nhân, điều đáng lo ngại nhất là có những cán bộ công chức đặt lợi ích cá nhân lên trên, không vì cái chung. Làm việc gì không có lợi cho cá nhân mình thì không làm, hoặc chỉ làm cho xong chuyện, không cần biết đến hậu quả ra sao. “Có tiền thì làm nhanh, không có tiền thì bài bây” đã trở thành một căn bệnh trầm kha trong xã hội mà việc chữa trị chưa có hiệu quả. Mặt khác, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, cũng là nguyên nhân làm giảm tính tích cực, tính hiệu quả, thậm chí còn gây hậu quả xấu trong công việc.
Để khắc phục những vấn đề nêu trên nhằm hạn chế tới mức thấp nhất sự trì trệ trong công việc, nâng cao tính tích cực và sự tận tụy trong công việc của cán bộ công chức nói chung, rất cần bổ sung và hoàn thiện nhiều giải pháp tích cực và đồng bộ. Trong đó, điều quan trọng đầu tiên là phải bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện những tiêu chuẩn, quy định về người cán bộ công chức theo hướng nâng cao tính chịu trách nhiệm và tính kỷ luật của cá nhân, không để tồn tại tình trạng “không làm được việc cũng không sao”, các quy định cần chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể và dễ kiểm soát, tránh những tiêu chí chung chung thiếu định tính, định lượng. Quy định là để thực hiện chứ không phải là để “nghiên cứu, vận dung”… Mặt khác, phải bằng mọi cách nâng cao thu nhập (tiền lương) của cán bộ công chức để họ có thể đủ sống nếu làm việc tận tâm, tận tụy; đi đôi với việc thực hiện giảm biên chế một cách kiên quyết và nghiêm túc. Có cơ chế và tiêu chí cụ thể, dễ thực hiện nhằm đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, không tích cực và không hoàn thành nhiệm vụ, tham nhũng, quan liêu. Vấn đề cải cách hành chính, hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật liên quan cần được đẩy nhanh, đi đôi với cơ chế kiểm tra, kiểm soát một cách cụ thể việc thực hiện của cán bộ công chức phụ trách từng lĩnh vực; loại bỏ mọi “kẽ hở” có thể có cho người xấu lợi dụng để lách luật làm sai, trục lợi… Trong mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức của bộ máy quản lý nhà nước, người đứng đầu có vai trò rất quan trọng. Nếu người đứng đầu nghiêm túc, gương mẫu, tận tâm với công việc… thì các cán bộ công chức cấp dưới không thể làm việc tùy tiện, “thiếu lửa” được. Vì vậy, các tiêu chí và quy định đối với người lãnh đạo càng phải có tính tiên phong, tính trách nhiệm cao và dễ kiểm soát, dễ đánh giá trong quá trình thực hiện.