08/05/2024 lúc 07:26 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển đổi số tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực

Hội thảo khoa học quốc tế "Truyền thông số và phục hồi của nền kinh tế" đã diễn ra ngày 11-7 tại Khách sạn Majestic. Sự kiện do Trường ĐH Văn Hiến chủ trì nhân kỷ niệm 26 năm thành lập Trường, đồng tổ chức với Báo Người Lao Động và nhiều trường Đại học và Viện Nghiên cứu danh tiếng. Hội thảo đã thu hút hơn 200 chuyên gia và giảng viên, cùng nhau chia sẻ về cơ hội và thách thức trong thời đại công nghệ bùng nổ.

Theo TS Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát Triển Kinh Tế Số Việt Nam, kinh tế số đang trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế toàn cầu, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong việc phát triển kinh tế số, đặc biệt là hạ tầng mạng còn hạn chế ở các vùng nông thôn và miền núi, gây hạn chế sự tiếp cận và sử dụng công nghệ số của người dân và doanh nghiệp.

Thông qua bài trình bày “Kinh tế số tại Việt Nam – từ chính sách đến thực thi”, Ông đã truyền tải nhiều thông tin giá trị về định hướng phát triển kinh tế số của Việt Nam giai đoạn 2025-2030 với nhiều mục tiêu quan trọng được đề ra.

TS. Trần Quý – Viện trưởng Viện Kinh Tế Số Việt Nam trình bày chủ để “Kinh tế số tại Việt Nam – từ chính sách đến thực thi”

TS.Trần Quý – Viện trưởng Viện Kinh Tế Số Việt Nam trình bày chủ để “Kinh tế số tại Việt Nam – từ chính sách đến thực thi”

Ông Miquel Angel Perez Martorell từ Công ty MQL Sustainable Tourism Services cho biết trí tuệ nhân tạo (AI) đang được áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống hiện đại. Khả năng lưu trữ, xử lý và phân tích dữ liệu khổng lồ của AI là một điểm nổi bật và hỗ trợ cho mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, khi áp dụng AI, các doanh nghiệp cần xem xét chiến lược và giá trị thật của AI đối với bản thân.

Theo ông Miquel Angel, các doanh nghiệp đã triển khai các giải pháp ứng dụng AI vào quy trình quản trị nguồn nhân lực để cải thiện chức năng nhân sự và tối ưu quá trình tuyển dụng. AI được áp dụng vào dữ liệu lớn sẽ thay thế công tác nhân sự như tuyển dụng, đánh giá, đào tạo, phát triển và gắn kết nhân viên. Dữ liệu lớn sẽ giúp chuyên viên nhân sự đảm nhận những công việc nặng nhọc, chỉ để lại quyền quyết định và phương án xử lý.

"Xu hướng hiện nay trong ngành nhân sự là ứng dụng công nghệ để xây dựng nguồn nhân lực số. Công nghệ AI trong ngành nhân sự hoạt động giống như bộ óc phân tích của con người, nhưng có quy mô và tốc độ tốt hơn nhiều lần" - ông Miquel Angel nhấn mạnh.

Các chuyên gia trong phiên thảo luận tại hội thảo

Các chuyên gia trong phiên thảo luận tại hội thảo

Tham luận "Báo chí nỗ lực vượt qua những thách thức sống còn" của Báo Người Lao Động đã được đại diện Ban Biên tập trình bày tại hội thảo. Tham luận nhấn mạnh rằng báo chí Việt Nam đang đối mặt với "cơn bão" công nghệ. Các tiến bộ nhanh chóng của AI, đặc biệt là sự ra đời của ChatGPT gần đây, đã đặt nghề báo toàn cầu trước cơ hội và rủi ro. ChatGPT giúp người làm báo thoát khỏi sự phụ thuộc vào công cụ tìm kiếm Google, đồng thời thu thập nguồn thông tin dữ liệu nhanh chóng và phong phú để tạo nội dung sáng tạo thuận tiện hơn. Tuy nhiên, cùng với ChatGPT và AI, nguy cơ tin giả, tin sai sự thật có thể gia tăng, gây nguy hiểm cho báo chí và công chúng. Trước tình hình này, báo chí Việt Nam vừa háo hức vừa dè dặt với AI. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, nhưng "làm thế nào?" là câu hỏi lớn, không dễ có đáp án.

Trong phiên thảo luận, PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, cho biết giáo dục Singapore đã tự tin áp dụng ứng dụng ChatGPT vào giảng dạy, trong khi Việt Nam vẫn đang tìm hướng đi. Câu hỏi được đặt ra là làm sao để học sinh, sinh viên tận dụng tốt những lợi ích của ứng dụng này mà không bị lệ thuộc, đạo nhái hay sao chép bài học từ các công cụ hỗ trợ này.

PGS-TS Nguyễn Minh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, lấy ví dụ về du lịch Đà Lạt để nhấn mạnh giá trị thực tiễn của công nghệ. Trong cuộc cạnh tranh thu hút khách du lịch, các khách sạn nhỏ thường bị thua kém so với các khách sạn 3-5 sao do thiếu tiếp thị. Hệ thống tiếp thị trong các khách sạn nhỏ vẫn chưa được đầu tư và không có chiến lược tiếp thị cụ thể, rõ ràng.

Theo ông Đức, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số trong những năm gần đây, tiếp thị đã chuyển sang hướng số hóa để tiếp cận khách hàng nhanh chóng và giảm chi phí. Do đó, cần phát triển chiến lược tiếp thị trực tuyến và giải pháp kinh doanh thiết thực cho các khách sạn nhỏ tại TP Đà Lạt, nhằm tăng cường cạnh tranh và doanh thu cho doanh nghiệp, cũng như đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Lâm Đồng.

TS - Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động – PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, PGS-TS Nguyễn Minh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến và TS. Trần Quý – Viện trưởng Viện Phát Triển Kinh Tế Số Việt Nam
TS - Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động;  PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á; PGS-TS Nguyễn Minh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến và TS. Trần Quý – Viện trưởng Viện Phát Triển Kinh Tế Số Việt Nam

Tại hội thảo, nhiều tham luận giá trị đã được trình bày, bao gồm truyền thông số trong lĩnh vực du lịch, khách sạn và sức khỏe. Các chuyên đề bao gồm "Xây dựng thương hiệu khách sạn trực tuyến dựa trên sự truyền thông của nhân viên trên mạng xã hội", "Ứng dụng marketing trực tuyến cho các khách sạn 2-3 sao", "Phát triển truyền thông số của doanh nghiệp lữ hành TP HCM trong chuyển đổi số và phục hồi hậu dịch COVID-19", "Tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần", "Bảo vệ pháp lý liên quan đến sự nguy hiểm của nội dung tiêu cực trên mạng xã hội đối với trẻ em"...

Kết thúc thảo luận, PGS-TS Nguyễn Minh Đức tóm lược lại 6 chuyên đề: truyền thông số trong khu vực công, truyền thông số trong sản xuất - kinh doanh, truyền thông số trong giáo dục và đào tạo, truyền thông số với báo chí, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số và các vấn đề liên quan đến vai trò của truyền thông số trong sự phục hồi nền kinh tế. Ông Đức cho biết các tham luận và đóng góp của các chuyên gia sẽ được tổng hợp và biên tập thành bộ kỷ yếu có giá trị cao từ mặt khoa học và thực tiễn. Bộ kỷ yếu này sẽ là cơ sở lý thuyết vững chắc phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu về các vấn đề cấp thiết.

Văn Lịch – Trọng Hậu