21/11/2024 lúc 22:18 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển đổi số - Con đường bứt phá của doanh nghiệp

Vừa qua, nền tảng quản trị doanh nghiệp MDO xuất hiện trong Tọa đàm do Tạp chí Việt Nam Hội nhập tổ chức với chủ đề: “Chuyển đổi số trong phát triển doanh nghiệp”. Trong tọa đàm, đại diện MDO đã chỉ ra những nỗi đau hiện tại mà hầu hết các doanh nghiệp đang gặp phải khi đứng trước làn sóng chuyển đổi số dần lan rộng và cả những khó khăn thách thức thậm chí thất bại khi doanh nghiệp bước chân vào con đường này.

Chúng ta có thể dễ dàng thấy, không chỉ doanh nghiệp mà ngay từ cá nhân đều cần 1 cú hích nào đó tác động mạnh mẽ mới chịu xoay mình chuyển đổi. Bởi sức ỳ của con người là vô cùng lớn, hầu hết chúng ta đều sợ phải thay đổi thói quen, sợ áp dụng những điều mới. Vậy nên tuy rằng 2 năm đại dịch Covid-19 qua đi doanh nghiệp phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng thì chính đại dịch cũng mở ra cơ hội để chúng ta bước vào thời kỳ cách mạng công nghệ mới. Không chỉ sửa chữa, đào thải những giá trị cũ hiện trở thành rào cản mà còn bồi đắp, mở ra không gian phát triển mới.

TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã khẳng định chuyển đổi số là một nội dung rất quan trọng hiện nay, cả nước nói, ai cũng nói, không nói đến là lạc hậu. Đối tượng thảo luận về chuyển đổi số tại Tọa đàm hôm nay lại là doanh nghiệp thì tầm quan trọng lại càng tăng lên...

“Chuyển đổi số vô cùng phức tạp, vô cùng đơn giản, vô cùng thú vị và hiệu quả. Do vậy, Toạ đàm ngày hôm nay là rất hữu ích cho đất nước chúng ta để chúng ta sẽ không thua bất cứ nước nào” - Chủ tịch Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Chuyển đổi số mang lại ý nghĩa to lớn như thế nào mà ai cũng nhắc đến, ai cũng quan tâm và hầu hết doanh nghiệp đều mong có thể thực hiện thành công?

Chia sẻ trong tọa đàm, Tiến sĩ Đoàn Duy Khương – nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Áp dụng chuyển đổi số giúp doanh nghiệp giảm chi phí bao gồm tiền bạc và thời gian, đồng thời giúp tăng năng suất lao động rất cao. Các doanh nghiệp ở các nước phát triển như Đức đã tăng 140% - một con số đáng kinh ngạc. Không chỉ vậy chuyển đổi số giúp người lao động cơ hội làm việc tốt hơn, người tiêu dùng mua bán thuận lợi, tiếp cận hàng hóa dịch vụ nhanh hơn hơn”.

Tiến sĩ Đoàn Duy Khương – nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm

 

Tuy nhiên, không có con đường nào trải đầy hoa hồng, quá trình chuyển đổi số cũng chứa đầy chông gai. Rủi ro để ứng dụng chuyển đổi số rất cao. Hiện nay theo thống kê có đến 70% sáng kiến chuyển đổi số không hiệu quả. Thế giới đang tiêu tốn 1300 tỷ đô thì có đến 900 tỷ đô là lãng phí. Điều này chứng tỏ hầu hết các doanh nghiệp chưa ứng dụng tốt, chưa nắm bắt đúng những điều chuyển đổi số mang lại.

“Chúng ta muốn tiến tới sự phát triển thì phải có nguồn lực, nếu ứng dụng tốt thì mới có thể phát triển được. Hiện này hầu hết các doanh nghiệp đều tập trung vào năm nguồn lực: Tài chính, con người, xã hội, tài nguyên, nguồn vốn xã hội. Công nghệ chỉ là 1 yếu tố nhỏ, là công cụ sản xuất để chúng ta nâng cao năng suất lao động. Vì vậy trước khi đề cập tới công nghệ, doanh nghiệp cần nghiên cứu bốn nguồn lực còn lại xem chuyển đổi số liệu có tác dụng tiêu cực hay kích thích chúng phát triển. Nếu hài hòa năm nguồn lực cùng đồng thời duy trì phát triển thì doanh nghiệp mới có thể thành công và đi lên được.” Tiến sĩ Đoàn Duy Khương chia sẻ thêm.

Đại diện cho Giải pháp chuyển đổi số MDO, ông Phan Thúc Định và ông Thân Đức Bình đã có những chia sẻ dựa trên nhiều năm kinh nghiệm sát cánh cùng các doanh nghiệp trong nước trên con đường chuyển đổi số. Nhiều người vẫn hay lầm tưởng, chuyển đổi số là đơn thuần công nghệ, đây cũng chính là lầm tưởng phổ biến nhất dẫn đến chuyển đổi số thất bại.

Ông Thân Đức Bình – Giám đốc Giải pháp Chuyển đổi số MDO

“Vấn đề lớn nhất của chuyển đổi số là nhận thức, nếu mình không thể thích nghi được với thay đổi thì không thể đáp ứng được môi trường và cách thức làm việc mới. Yếu tố thứ 2 là yếu tố về văn hóa, cái gì có quy định người ta sẽ hành động theo quy định, nếu không họ sẽ hành động theo văn hóa. Sau khi giải quyết được vấn đề con người, quy trình, thể chế, mới nói đến vấn đề công nghệ. Công nghệ chỉ đi theo để triển khai quy trình hoạt động mới, triển khai cách làm việc mới, chứ không phải công nghệ đi trước bắt con người đi theo.” Ông Thân Đức Bình khẳng định.
Để giải quyết bài toán tưởng chừng hóc búa này, Nền tảng MDO đã đi theo các doanh nghiệp để tư vấn thiết kế cũng đã tìm ra 1 số vấn đề giải quyết cho doanh nghiệp.

Cái đầu tiên là vấn đề tài chính, cần nguồn lực tài chính ở mức độ như thế nào và với nguồn lực tài chính như thế này thì có chuyển đổi số được không? Chúng ta mới là người hiểu nhất chúng ta là ai, chúng ta hiểu được nỗi đau của doanh nghiệp chúng ta là gì, chúng ta cần phải tập trung vào đâu, từ đấy ưu tiên lựa chọn giải pháp phù hợp, hơn là tập trung vào tổng thể ngay từ đầu.

Ông Phan Thúc Định cũng cho biết thêm “MDO có rất nhiều giải pháp riêng lẻ giải quyết từng vấn đề như Quản lý công việc, Quản lý yêu cầu, Quản lý quy trình, Quản lý nguồn lực, Nhân sự - Kế toán,…, hội tụ hợp nhất trên một hệ sinh thái nhưng lại có thể triển khai độc lập trên các giai đoạn khác nhau, chạm vào nỗi đau giải quyết trước, giai đoạn nào nhìn thấy hiệu quả giai đoạn đó theo lộ trình.”

Ông Phan Thúc Định – Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Hệ thống Dịch vụ CNTT

 

Vấn đề thứ 2 khi doanh nghiệp hoạt động liên tục, thay đổi mô hình doanh nghiệp và chiến lược, áp dụng giải pháp cứng thì có đáp ứng được không? MDO có sự khác biệt so với các nền tảng chuyển đổi số khác, chúng tôi đi sâu vào tối ưu giải pháp theo nhu cầu của từng khách hàng, tư vấn thay đổi tính năng phù hợp nhất với mô hình quản trị và sản xuất của doanh nghiệp. Vì vậy MDO đã được xây lên từ các tham số, linh hoạt hơn để dễ dàng trong việc tái cấu trúc, dù mở rộng hay co gọn lại cũng hoàn toàn đáp ứng được.

Vấn đề cuối cùng, áp dụng MDO nên áp dụng từ đâu? Các doanh nghiệp hiểu nhất cơ thể mình thì chúng ta mới là người biết nên bắt đầu từ đâu dưới sự hỗ trợ của các bên chuyển đổi số doanh nghiệp. Có nên theo trào lưu chuyển đổi số không, áp dụng tổng thể hay 1 công đoạn nào đó để rút kinh nghiệm

“Doanh nghiệp nên lựa chọn một công cụ để giải quyết hết các bài toán gặp phải thay vì sử dụng nhiều công cụ khác nhau.” Ông Phan Thúc Định đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp khi đứng trước bài toán Chuyển đổi số.

Qua chương trình tọa đàm, hơn 200 doanh nghiệp đã cùng lắng nghe những nhận định phân tích và cùng bắt đầu lên kế hoạch cho quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp mình, những bước đi thật chậm nhưng chắc chắn và có hiệu quả. Chuyển đổi số mở ra cơ hội bứt phá không chỉ có nền kinh tế nói chung mà còn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, người lao động, được tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách chọn lọc, đa chiều thông tin và chất lượng./.

Tường Vân