28/11/2024 lúc 04:00 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ ở Việt Nam: một số vấn đề và giải pháp

VNHN-Trong những năm qua, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ ở nước ta đã từng bước diễn ra theo hướng tích cực, phù hợp với xu hướng vận động phát triển của cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số vấn đề đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tìm kiếm giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

VNHN-Trong những năm qua, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ ở nước ta đã từng bước diễn ra theo hướng tích cực, phù hợp với xu hướng vận động phát triển của cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số vấn đề đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tìm kiếm giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

1. Một số vấn đề của chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ ở Việt Nam

Trong những năm qua, nhất là giai đoạn 2010 - 2017, chuyển dịch lao động theo ngành ở nước ta đang diễn ra theo hướng hợp lý và tiến bộ: giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp (từ 49,5% năm 2010 xuống còn 40,3% năm 2017); tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp (từ 21% lên 25,7%) và dịch vụ (từ 29,5% lên 34%)(1). Chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành đã từng bước phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành và khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế. Sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ đã làm tăng năng suất lao động: ngành nông, lâm, thủy sản giảm 1% lao động thì năng suất tăng 2,1%; ngành công nghiệp - xây dựng tăng 1% lao động làm tăng 8,89% năng suất lao động; tương tự, ngành dịch vụ tăng 1% lao động thì năng suất lao động tăng 16,1% (2). Tuy nhiên, trước yêu cầu sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ đang đứng trước những vấn đề sau: 

Một là, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ còn chậm

Trong 7 năm (2010-2017), lao động nông nghiệp mới chuyển dịch được 9,2% ra khỏi ngành, bình quân mỗi năm giảm 1,31%; lao động công nghiệp tăng 4,7%, bình quân 0,67%/năm; lao động dịch vụ tăng 4,5%, bình quân 0,64%/năm. Kết quả trên thấp hơn so với giai đoạn 2000 - 2010, bình quân mỗi năm lao động nông nghiệp giảm 1,56%, lao động công nghiệp, dịch vụ tăng 0,79% và 0,87%. Theo tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại của Việt Nam, đến năm 2030 tỷ lệ lao động nông nghiệp trên tổng lao động xã hội của nước ta chỉ còn từ 20% trở xuống(3). Song với quá trình chuyển dịch như hiện nay thì mục tiêu trên khó đạt được.

Hai là, trình độ chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ lao động nói chung, lao động trong nông thôn, nông nghiệp nói riêng còn thấp

Đến năm 2017, cả nước chỉ có 21,4% lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật(4), thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực: Singapore 61,5%, Malaysia 62%, Philippines 67%(5). Mặt khác, một bộ phậm lao động đã qua đào tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường cả về trình độ chuyên môn và kỹ năng mềm (kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện, sáng tạo, trình độ ngoại ngữ...); cơ cấu nguồn nhân lực còn bất hợp lý, “thừa thầy, thiếu thợ”.

Ở khu vực nông thôn, trong tổng số 31,62 triệu người trong độ tuổi có khả năng lao động năm 2017, có tới 27,29 triệu người (chiếm 86,3%) chưa qua đào tạo hoặc đào tạo ngắn hạn không được cấp chứng chỉ; chỉ có 4,33 triệu người được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, trong đó, sơ cấp nghề chiếm 15,9%, tương đương với 0,69 triệu người. Riêng ngành nông nghiệp, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo rất thấp, tăng từ 2,4% năm 2010 tăng lên 4,2% năm 2017(6). Như vậy, đến năm 2017 vẫn còn 95,8% lao động ngành nông nghiệp, tương ứng 38,61 triệu người không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, gây trở ngại lớn cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ nói riêng.

Ba là, chuyển dịch cơ cấu lao động chưa tương ứng với cơ cấu ngành kinh tế

Giai đoạn 2010 - 2017, chuyển dịch cơ cấu lao động và chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế nhìn chung cùng chiều, song vẫn còn chưa hợp lý. Cơ cấu kinh tế của nước ta giai đoạn này xét về mặt giá trị là: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp nhưng cơ cấu lao động là: nông nghiệp - dịch vụ - công nghiệp. Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra nhanh hơn nhiều so với chuyển dịch cơ cấu lao động. Năm 2017, giá trị gia tăng ngành nông nghiệp chỉ chiếm 15,34% trong cơ cấu GDP nhưng lao động lại chiếm tới 40,3% tổng lao động xã hội. Lao động tập trung quá đông trong nông nghiệp không chỉ cản trở việc ứng dụng tiến bộ tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất mà còn chứng tỏ việc phân bố lao động không hiệu quả.

Bốn là, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ chưa đưa đến năng suất lao động cao

Chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ trong thời gian qua đã làm tăng năng suất lao động nói chung và của các ngành này nói riêng, song vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam tính theo sức mua tương đương (PPP) đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% của Singapore, 18,4% của Malaysia, 36,2% của Thái Lan, 43% của Indonesia, 55% của Philippines(7). Riêng ngành nông nghiệp, năng suất lao động chỉ cao hơn so với Campuchia và thấp hơn nhiều so với các nước châu Á. Theo Báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á năm 2017” của ADB, sản lượng nông nghiệp bình quân/lao động của Việt Nam chỉ bằng 2/3 của Indonesia, chưa bằng 1/2 so với Thái Lan, Philippines(8).

Năm là, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ chưa bền vững

Phần lớn lao động nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... hoặc được ký hợp đồng nhưng không được đóng bảo hiểm. Trong tổng số hơn 18 triệu lao động đang làm các công việc phi chính thức phi nông nghiệp trong cả nước, 90% không có chuyên môn kỹ thuật, trên 76,7% không có hợp đồng lao động bằng văn bản, thời gian làm việc nhiều hơn khu vực chính thức 2 giờ nhưng thu nhập chỉ bằng 2/3 khu vực chính thức(9). Việc làm không ổn định, thu nhập thấp, bấp bênh dẫn đến một tỷ lệ đáng kể lao động đã dịch chuyển từ khu vực phi nông nghiệp sang nông nghiệp. Theo nghiên cứu của tổ chức Oxfam công bố ngày 29-3-2018, nhiều thanh niên làm nông nghiệp chỉ ra thành thị làm lao động phổ thông (chạy Grab, Uber, shipper, khuân vác, bán hàng rong...) hoặc làm công nhân tại các doanh nghiệp tư nhân, khu công nghiệp một thời gian, rồi lại quay về làm nông nghiệp ở địa phương(10). Như vậy, chính thu nhập thấp, bấp bênh, quyền lợi không được bảo đảm đã dẫn đến tình trạng lao động dịch chuyển ngược về nông nghiệp, làm cho chuyển dịch lao động không bền vững.

2. Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ

Trong thời gian tới, để khắc phục những vấn đề trên và đẩy mạnh chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ cần phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, nhóm giải pháp nâng cao trình độ học vấn phổ thông và trình độ chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ lao động, nhất là lao động nông thôn, nông nghiệp

* Đối với đội ngũ lao động cả nước nói chung:

- Xây dựng chiến lược giáo dục đào tạo thống nhất trong cả nước với mục tiêu chất lượng làm đầu. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ quản cần xây dựng chiến lược hoạt động cho toàn ngành trên cơ sở lấy sự nghiệp đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế làm mục tiêu, từ đó đưa ra chiến lược nhất quán, tránh tình trạng thử nghiệm cải cách không hợp lý, vừa tốn kém vừa không hiệu quả.

- Thực hiện cải cách hệ thống các bậc học, như giáo dục đại học, đào tạo nghề, giáo dục phổ thông... Đối với bậc phổ thông, cần trang bị kiến thức cơ bản của tất cả các lĩnh vực để các em học sinh sau khi tốt nghiệp có hành trang bước vào cuộc sống. Đối với bậc đào tạo nghề, cao đẳng, đại học cần đi sâu vào chuyên môn nghiệp vụ; nội dung, chương trình đào tạo phải gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp và của nền kinh tế; chất lượng đào tạo ra phải phù hợp với nhu cầu sử dụng của xã hội.

- Tăng cường công tác dự báo nhu cầu nhân lực. Thường xuyên điều tra, khảo sát thực trạng nguồn nhân lực ở tất cả các ngành, các cấp, địa phương trên cả nước; trên cơ sở đó, tính toán số lượng, cơ cấu ngành nghề nhằm đưa ra dự báo định hướng và hỗ trợ đào tạo, bảo đảm cân đối cung - cầu nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội.

- Các Bộ, ngành, địa phương cần xây dựng quy hoạch dài hạn và chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, dự báo nhu cầu về số lượng, chất lượng nhân lực, cơ cấu ngành nghề, trình độ. Trên cơ sở đó, phối hợp với các cơ sở giáo dục, đào tạo điều chỉnh cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực, khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ lao động hiện có về cả chuyên môn, nghiệp vụ lẫn ngoại ngữ cũng như ý thức lao động.

- Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực đào tạo, đưa doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác, trao đổi, liên doanh với nước ngoài trong giáo dục đào tạo.

* Đối với lao động nông thôn, nông nghiệp:

- Tăng cường công tác tuyên truyền đến người lao động nông thôn, nông nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về học nghề, lựa chọn nghề phù hợp để có cơ hội tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm sau đào tạo.

- Đào tạo nghề gắn với tạo việc làm và định hướng nghề nghiệp. Các cơ sở dạy nghề cần tích cực liên kết với các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp để

tìm hiểu nhu cầu lao động của họ, từ đó, định hướng nghề nghiệp cho người tham gia đào tạo. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo nghề cần cấp chứng chỉ nghề nghiệp cho người học, tạo cơ sở pháp lý để lao động nông thôn, nông nghiệp có thêm cơ hội tìm việc làm sau khi học nghề.

- Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nghề phù hợp, linh hoạt, chủ yếu dạy thực hành và thực hiện tại nơi sản xuất. Ưu tiên đào tạo những ngành nghề có điều kiện tiếp cận công nghệ trên địa bàn khu vực nông thôn. Đào tạo nghề gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020.

- Làm tốt công tác khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động ở khu vực nông thôn, nông nghiệp. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng địa phương có thể phân thành các nhóm như: lao động tiếp tục làm nông nghiệp, lao động tham gia các ngành nghề phi nông nghiệp, lao động tham gia xuất khẩu lao động... Mỗi nhóm đối tượng lao động trên có những đặc thù lứa tuổi, học vấn, nhu cầu việc làm khác nhau, từ đó, các cơ quan liên quan (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư...) thông tin tới các cơ sở đào tạo nghề để có kế hoạch đào tạo phù hợp.

Hai là, nhóm giải pháp giảm việc làm nông nghiệp, gia tăng việc làm trong công nghiệp, dịch vụ

- Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ tạo điều kiện chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH cần:

+ Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, giải phóng lao động, tạo động lực để chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.

+ Tăng đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, từ đó làm thay đổi cơ cấu lao động toàn bộ nền kinh tế theo hướng tăng nhu cầu lao động phi nông nghiệp; phát triển mạnh khu vực công nghiệp, dịch vụ ở cả nông thôn và thành thị.

+ Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ hướng về xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động phổ thông như: dệt may, giày da, chế biến, lắp ráp, chế biến nông, lâm, thủy sản, du lịch... Đây là những ngành vừa kéo lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, vừa giải quyết lao động dư thừa ở nông thôn hiện nay.

- Thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn, phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất; Khuyến khích, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn; Phát triển các hoạt động phi nông nghiệp ở nông thôn như: xây dựng, thương mại, dịch vụ sản xuất kinh doanh, du lịch...

- Đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đầu tư trực tiếp nước ngoài không chỉ đóng góp vào ngân sách, GDP mà còn thúc đẩy phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực như điện tử - viễn thông, dầu khí, công nghệ thông tin... làm gia tăng việc làm trong khu vực công nghiệp.

Ba là, nhóm giải pháp chuyển dịch bền vững lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ

- Tạo lập và quản lý tốt thị trường lao động

Hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động và các chính sách có liên quan đến thị trường lao động như: Bộ luật Lao động, các chính sách tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp, đào tạo và đào tạo lại nghề cho người lao động và các chính sách khác như nhà ở, di cư, nhập cư, hộ khẩu, hộ tịch.

Hoàn thiện hệ thống thông tin về thị trường lao động theo hướng đầy đủ, đồng bộ, cập nhật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống dịch vụ việc làm, qua đó, kết nối cung - cầu lao động, làm cho thị trường lao động vận hành tốt và hiệu quả.

Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về lao động các cấp. Đội ngũ này là những người tham mưu ban hành cơ chế, chính sách để thị trường lao động vận hành. Do đó, rất cần được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

- Thực hiện an sinh xã hội và bảo vệ lợi ích cho người lao động khi chuyển dịch sang lĩnh vực phi nông nghiệp

Việc Nam đang là nước có nền kinh tế chuyển đổi nên khu vực phi chính thức phi nông nghiệp chiếm tỷ trọng khá lớn, là nơi tạo ra nhiều việc làm cho nền kinh tế.

Để lao động yên tâm dịch chuyển sang khu vực này, Nhà nước cần thực hiện an sinh xã hội và bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Cụ thể:

+ Nhà nước cần có biện pháp thúc đẩy chuyển dịch từ lao động phi chính thức sang chính thức thông qua các chính sách, giải pháp hỗ trợ như khuyến khích các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký thành lập dưới các hình thức doanh nghiệp.

+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường chế tài xử phạt đối với những hành vi cố tình vi phạm các quy định hiện hành về ký hợp đồng lao động, thực hiện an toàn lao động và đóng bảo hiểm lao động cho người lao động....

+ Khuyến khích và hỗ trợ người lao động tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện, linh hoạt trong mức đóng, phương thức đóng; bổ sung các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động...; có chính sách đóng hưởng hợp lý đối với những lao động trung niên không đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.

________________________

(1) Kinh tế 2017-2018 Việt Nam và Thế giới, tr.82.

(2) Tính toán từ số liệu Kinh tế 2017-2018 Việt Nam và Thế giới, tr.82, 84.

(3) Hiền Lương: “Đề xuất 6 tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại của Việt Nam”, báo Hà Nội mới điện tử.

(4), (6) Tổng cục Thống kê: Niên  giám thống kê 2017, tr.143, 144.

(5) Vũ Quang Vinh: Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và vấn đề cung cầu lao động của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2017.

(7) Tổng cục Thống kê: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018.

(8) Bảo Văn: “Năng suất lao động nông nghiệp Việt Nam đạt thấp”, báo  Nhân dân điện tử.

(9) Nguyễn Trang: “Nhiều lao động chính thức đang bị đẩy sang khu vực phi chính thức”, https://vov.vn.

(10) Ngân Anh: “Chuyển dịch lao động sang công nghiệp, dịch vụ còn chậm”, báo Nhân dân điện tử.