11/01/2025 lúc 21:49 (GMT+7)
Breaking News

Chuyện cánh chim, cây tre trong ngoại giao Việt Nam

Mùa Xuân, khởi đầu của dự định vươn cao, bay xa ra năm châu, bốn biển, mùa tưởng nhớ, hướng về cội nguồn của cộng người Việt Nam ở nước ngoài... Nhiều thứ gợi lên những suy tưởng về ngoại giao Việt Nam.

Mùa Xuân, khởi đầu của dự định vươn cao, bay xa ra năm châu, bốn biển, mùa tưởng nhớ, hướng về cội nguồn của cộng người Việt Nam ở nước ngoài... Nhiều thứ gợi lên những suy tưởng về ngoại giao Việt Nam.

Ngày 14/12/2021, lần đầu tiên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị, có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng.

Bài phát biểu thể hiện toàn diện, sâu sắc, sinh động các quan điểm, nội dung cơ bản và bài học kinh nghiệm về đối ngoại, ngoại giao Việt Nam thời kỳ mới, thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và dư luận quốc tế. Một trong những nội dung tâm đắc là hình tượng “hai cánh chim” và trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”, chứa đựng nét độc đáo, đặc sắc, mang cốt cách dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đối nội và đối ngoại, hai cánh chim

Chim Lạc là biểu tượng gắn liền với sự hình thành, phát triển suốt chiều dài lịch sử dân tộc, lưu dấu trên trống đồng Đông Sơn. Hình tượng Chim Lạc dang rộng đôi cánh chứa đựng giá trị văn hóa, thể hiện niềm tự hào, khát vọng bay cao, bay xa của các thế hệ người Việt Nam. Cháy bỏng khát vọng, cách đây 110 năm, Nguyễn Ái Quốc, như cánh chim vượt muôn trùng đại dương, tìm đường cứu nước.

Thấm đẫm văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa nhân loại, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đưa ra những luận điểm sáng tạo với cách diễn đạt bằng hình ảnh trực quan. Người nói, chủ nghĩa tư bản là “con đỉa hai vòi”. Cách mạng muốn giành thắng lợi phải như “…con chim đại bàng có hai cánh, một cánh vỗ ở các nước thuộc địa, một cách vỗ ở các nước chính quốc.

Có hai cánh vỗ thì đại bàng mới bay được” (1). Hình tượng hai cánh chim thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa cách mạng ở các nước chính quốc và các nước thuộc địa, như xứ Đông Dương. Chính xác, sinh động, sâu sắc mà dễ hiểu.

Cụ thể hóa nguyên lý “hai cánh chim” vào điều kiện Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra các quan điểm chỉ đạo cách mạng. Đó là, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước, văn hóa, truyền thống dân tộc, với tinh hoa văn hóa, ngoại giao thế giới; độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh thời đại; tự lực, tự cường gắn với đoàn kết quốc tế “quan sơn muôn dặm một nhà”; tinh thần hữu nghị, hòa hiếu, dùng “ngoại giao tâm công” đẩy lùi nguy cơ chiến tranh...

Với những tư tưởng đó, nguyên lý “hai cánh chim” cách mạng được mở rộng, phát triển, phong phú, sâu sắc hơn. Chim muốn bay cao, bay xa, vượt qua giông bão thì hai cánh phải khỏe, tận dụng được sức nâng của các “luồng gió”, phải vỗ nhịp nhàng theo sự điều khiển của cái đầu và được nuôi dưỡng bằng dòng máu chảy liên tục trong cơ thể.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng lý luận vào thực tiễn trong quá trình lãnh đạo cách mạng, xây dựng nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu sức sống, hấp dẫn bạn bè, làm kẻ thù vừa e ngại vừa tôn trọng. Việt Nam từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới đã “đánh thắng hai kẻ thù to”, hòa vào dòng chảy thời đại, đóng góp xứng đáng cho hòa bình, hữu nghị của nhân loại.

Kế thừa, vận dụng tư tưởng “hai cánh chim” cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: đối nội và đối ngoại là hai vấn đề cơ bản của quốc gia, “có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau như hai cái cánh của một con chim, tạo thế và lực cho nhau, gắn kết và đan xen ngày càng chặt chẽ với nhau, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ và sâu rộng” (2).

Hình tượng “hai cánh chim” thể hiện sinh động về mối quan hệ biện chứng giữa hai vấn đề cơ bản của quốc gia và vai trò của đối ngoại.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra quan điểm mới khẳng định đối ngoại, ngoại giao là một “mặt trận”, giữ vai trò “tiên phong”, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam; ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh, “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”... Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc” (3).

Bài phát biểu của Tổng Bí thư cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn quan điểm, nhận thức mới về vai trò của đối ngoại, làm cơ sở để vận dụng, xử lý tốt trong thực tiễn mối quan hệ lớn giữa đối nội và đối ngoại, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, lợi ích quốc gia - dân tộc và trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế…

Ảnh: qdnd.vn

Trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”

Cây tre rất thân thuộc trong đời sống, một trong những biểu tượng của văn hóa dân tộc, in đậm trong nhiều tác phẩm nghệ thuật. Đặc tính tự nhiên nổi trội của cây tre gần gũi với phẩm chất của dân tộc Việt Nam. Nhiều nước có tre, nhưng nói đến cây tre là nghĩ đến Việt Nam.

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (22-26/8/2016), Tổng Bí thư đã nhắc đến trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần này, nội dung đó được đề cập đậm hơn, sâu hơn và chốt lại trong lời kết của bài phát biểu tâm huyết: Quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”.

Hình tượng “cây tre Việt Nam” có gì độc đáo, đặc sắc gợi đến trường phái ngoại giao Việt Nam? Đặc điểm nổi trội của cây tre là dẻo dai, giàu sức sống, dễ thích nghi với môi trường. Tre vững chãi vì sống kết thành bụi, thành lũy, thành rừng, rễ bám sâu vào lòng đất, gió bão cũng phải chịu thua…

Trong bụi tre, lũy tre, rừng tre, cây to khỏe ở ngoài che đỡ cho cây non, tre già măng mọc, gợi lên bài học về sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất, về phương châm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Đó cũng là những phẩm chất tiêu biểu cần có của ngành Ngoại giao.

Khái quát biểu tượng cây tre “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, chính là triết lý, phương pháp luận và phương châm chỉ đạo của ngoại giao Việt Nam. Nền tảng văn hóa, truyền thống hữu nghị, hòa hiếu, khoan dung, đường lối của Đảng, là cội nguồn, là cái gốc để ngoại giao vững chắc, vươn cao.

Ngoại giao Việt Nam lúc nhu, lúc cương, biết thời, biết thế, biết mình, biết người, biết tiến, biết thoái, khôn khéo, sáng tạo, bản lĩnh trước mọi thử thách, thích nghi với mọi đối tác, đối tượng, điều kiện; kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, vì độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc.

Có sự trùng hợp kỳ lạ giữa hình tượng cây tre Việt Nam với trường phái ngoại giao Việt Nam. Nói trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” chính là sự ghi nhận những phẩm chất tốt đẹp, sức mạnh, đóng góp của mặt trận ngoại giao, ngành Ngoại giao, hoạt động ngoại giao.

Chúng ta đã vận dụng sáng tạo nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, tư tưởng tiến bộ của thời đại, xây dựng nên trường phái ngoại giao đặc sắc, độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh.

Ngoại giao Việt Nam đã đóng góp rất quan trọng vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 35 năm đổi mới, góp phần làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” là niềm vinh dự, tự hào to lớn và là nhiệm vụ, yêu cầu mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó, tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hơn, quyết tâm xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng.

Không tiên phong là bỏ lỡ thời cơ

Bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước luôn vận động, phát triển. Thế giới bước vào kỷ nguyên số. Thời cơ đến và trôi qua rất nhanh. Không tiên phong là không bắt kịp sự phát triển, là bỏ lỡ thời cơ. Yêu cầu đặt ra cho đối ngoại, ngoại giao cao hơn về chất lượng, hiệu quả; sâu rộng hơn về lĩnh vực và lực lượng tham gia; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ hơn; chủ động, tích cực hơn trong triển khai thực hiện đường lối đối ngoại thời kỳ mới.

Thách thức lớn nhưng ngoại giao cũng đứng trước thuận lợi lớn. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra các quan điểm mới.

Đó là, “triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”; phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong “tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín đất nước”; “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại” với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước là bệ phóng, đường lối đối ngoại là ánh sáng soi đường, dẫn lối, để đối ngoại, ngoại giao Việt Nam vươn cao, bay xa.

Quan tâm, thấu hiểu yêu cầu, thời cơ, thách thức của ngoại giao, Tổng Bí thư đã phân tích cặn kẽ, sâu sắc vai trò các nhiệm vụ: giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng. Từ đó, đề ra phương châm chỉ đạo: mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm hiểu các đối tác mới, hướng đi mới.

Cùng với “kim chỉ nam”, hành trang lực lượng đối ngoại, ngoại giao cần mang theo là năm bài học sâu sắc mà Tổng Bí thư đã đúc kết. Thứ nhất, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. Thứ hai, kiên định nguyên tắc và linh hoạt về sách lược. Thứ ba, xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Thứ tư, bài học về công tác xây dựng tổ chức bộ máy và công tác cán bộ. Thứ năm, bài học về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước.

Tổng Bí thư cũng gợi mở, nhấn mạnh sáu vấn đề trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Một là, thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc diễn biến tình hình để kịp thời có giải pháp thích hợp… Hai là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển…

Ba là, phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương… Bốn là, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hóa và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng… Năm là, hết sức coi trọng, nâng cao hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược… Sáu là, đặc biệt chú trọng công tác xây dựng tổ chức, bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ…

Trên cơ sở đường lối, yêu cầu, nhiệm vụ và bài học kinh nghiệm, có thể bổ sung, hoàn thiện tiêu chí cán bộ ngoại giao, để xây dựng, bồi dưỡng. Bên cạnh bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chuyên nghiệp, phải có tư duy mới, tiên phong trong hành động, dám nghĩ, dám làm.

Việc củng cố tổ chức, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, phối hợp các lực lượng, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, hoạt động ngoại giao. Đặc biệt, chỗ dựa vững chắc của lực lượng ngoại giao, như khẳng định của người đứng đầu Đảng: “Các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động đối ngoại cần luôn ghi nhớ rằng, phía sau mình là Đảng, là Đất nước, là Nhân dân” (4).

***

Những ngày cuối năm 2021, diễn ra một loạt hội nghị đối ngoại, ngoại giao, được ví như Hội nghị Diên Hồng thời kỳ mới (ý của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan). Xuyên suốt, như đánh giá của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, là sự lan tỏa khí thế mới, xung lực mới để thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng. Ngành Ngoại giao đồng hành cùng Đất nước vào Xuân. “Chiêng Việt Nam” chế tác bằng chất liệu quý, bởi bàn tay tài hoa của dân tộc, đủ lớn để ngoại giao đưa “tiếng chiêng” độc đáo, đặc sắc, vang xa, cuốn hút lòng người.


(1). Trần Quang Phú, Từ Làng Sen đến bến Nhà Rồng (lời Bác Hồ nói với đồng chí Hà Huy Giáp), Nxb. Thanh niên, 2012, tr.193.

(2.3.4). Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, 14/12/2021.