14/10/2024 lúc 02:01 (GMT+7)
Breaking News

Chương trình chuyển đổi số quốc gia: Còn nhiều thách thức

Chuyển đổi số ở Việt Nam được nhắc nhiều trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm đảo lộn mọi hoạt động của xã hội. Trong 2 năm trở lại đây, chuyển đổi số được xem là ưu tiên hàng đầu và cấp thiết đối với nhiều doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Nhưng có một thực tế là vẫn còn hơn 60% doanh nghiệp cho rằng chi phí là vấn đề trong chuyển đổi số và không ít cơ quan nhà nước chưa đầu tư cho lĩnh vực này… Điều đó đặt ra nhiều thách thức cho tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Điểm danh những "rào cản"

Theo “Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2022” do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố tháng 2-2023, chỉ có 36,7% doanh nghiệp có ngân sách để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, 43,3% doanh nghiệp có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu. 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số. Thực tế, nhiều doanh nghiệp cho biết, chi phí cho chuyển đổi số và nhân lực thực hiện chuyển đổi số là “rào cản” lớn nhất.

Ở khối cơ quan nhà nước, tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I-2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra ngày 6-3 vừa qua, đại diện một số sở thông tin và truyền thông tỉnh, thành phố nêu một thực trạng là không ít sở, ngành, địa phương chưa “mặn mà” thực hiện chuyển đổi số vì… ngại lập dự án đầu tư. Còn ở một số bộ, ngành, vấn đề kết nối và phần mềm dùng chung là vướng mắc chính. Điều đó có nghĩa tiến trình chuyển đổi số còn không ít trở ngại phải vượt qua.

Với kinh nghiệm tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số Công ty cổ phần Base Enterprise Trần Tuấn Anh cho rằng, thiếu chi phí hay vấn đề nào khác của chuyển đổi số chỉ là “triệu chứng” chứ không phải căn nguyên của “bệnh”. Để giải quyết được căn nguyên, người lãnh đạo cần trả lời được câu hỏi chuyển đổi số thực sự mang lại lợi ích gì cho tổ chức của họ.

“Khi làm việc cùng doanh nghiệp, chúng tôi thấy không ít tổ chức với quy mô khoảng 200 nhân sự, chi phí in ấn có thể lên tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Sau khi dùng các ứng dụng số, số hóa hồ sơ, giấy tờ, văn bản, chi phí in ấn giảm tới 70%. Ngoài ra, cũng có thể thấy ngay những giá trị khác như tri thức, dữ liệu được số hóa và lưu trữ trên hệ thống, rất dễ tra cứu khi cần. Trước một năm được dự báo là rất khó khăn, doanh nghiệp cần hiểu rõ hiệu quả của chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Nguyễn Thị Thu Giang, doanh nghiệp công nghệ thông tin đứng trước cơ hội lớn khi Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm, vào cuộc nhanh chóng. Sự dịch chuyển của các tập đoàn sản xuất trên thế giới sang Việt Nam. Doanh thu từ thị trường quốc tế, điển hình là Mỹ tăng trưởng mạnh, cộng với nhu cầu tìm kiếm đối tác từ châu Âu tăng. Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đưa ra những dự báo tốt về cơ hội từ thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số trong năm 2023.

Giới thiệu hệ thống chiếu sáng đường phố của dự án “Kiến tạo thành phố thông minh” do Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam và Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông phối hợp thực hiện. Ảnh: Hoàng Hồ

Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai Chương trình thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa, với cam kết cung cấp 3-6 tháng miễn phí ứng dụng số cho các doanh nghiệp có quy mô dưới 50 người; các doanh nghiệp sử dụng nền tảng số không cần đầu tư vận hành mà chỉ cần trả tiền theo "thuê bao" hằng tháng… Tính từ tháng 1-2021 đến hết tháng 2-2023, Chương trình thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thu hút 732.163 doanh nghiệp tiếp cận; hơn 90.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số của chương trình.

Về các vấn đề vướng mắc của địa phương, bộ, ngành trong triển khai chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng định hướng, các sở thông tin và truyền thông tỉnh, thành phố cần đứng ra chủ trì làm một số nền tảng dùng chung cho các sở, ban, ngành tại địa phương sử dụng. Qua đó, các đơn vị nhận thấy được giá trị từ ứng dụng đem lại và sẽ tích cực triển khai tại đơn vị mình. “Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì công bố một số ứng dụng mà các sở thông tin và truyền thông chủ trì làm, để dùng chung cho các ban, ngành”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Ngoài ra, để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì làm việc theo chuyên đề với lãnh đạo các sở thông tin và truyền thông địa phương, lắng nghe các vấn đề thực tiễn, từ đó có những giải pháp tháo gỡ hoặc kiến nghị về chính sách để cấp có thẩm quyền kịp thời giải quyết. Với vấn đề kết nối, nền tảng dùng chung của một số bộ, ngành, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã định hướng nên tập trung đầu tư cho các nền tảng dùng chung của toàn ngành, vừa tiết kiệm nguồn lực, vừa quản lý được toàn bộ dữ liệu trên các nền tảng đó.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương đánh giá mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số trên cả nước. Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng bộ Tiêu chí xét duyệt nền tảng số Việt Nam tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương năm 2023…