27/11/2024 lúc 20:40 (GMT+7)
Breaking News

Chủ tịch Quốc hội hội kiến Chủ tịch EC, hội đàm với Chủ tịch EP

Ngày 8/9, ngay sau khi đến Thủ đô Brussels bắt đầu chương trình thăm và làm việc tại EU và Vương quốc Bỉ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến với Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel, hội đàm với Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sasoli.

Ngày 8/9, ngay sau khi đến Thủ đô Brussels bắt đầu chương trình thăm và làm việc tại EU và Vương quốc Bỉ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến với Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel, hội đàm với Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sasoli.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Ảnh: VGP/Thành Chung

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) hoan nghênh Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm làm việc với Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu (EP) để trao đổi nhiều vấn đề Việt Nam và EC cùng quan tâm trong đó có thúc đẩy hợp tác hai bên trên tất cả các lĩnh vực, nhất là hỗ trợ nhau trong phòng chống COVID-19 và phục hồi sau đại dịch, củng cố hợp tác ASEAN và EU…

Chủ tịch EC cho rằng dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới đã ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của việc thực thi hiệp định EVFTA, nhấn mạnh sắp tới hai bên cần khai thác hết tiềm năng to lớn mà hiệp định này mang lại.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, EU là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam về thương mại, đầu tư, đặc biệt là kết quả triển khai Hiệp định EVFTA sau hơn 1 năm có hiệu lực cho thấy những lợi ích kinh tế to lớn cho cả hai phía, thương mại tăng 18%  dù chịu nhiều khó khăn của đại dịch COVID-19.

Để tăng cường hợp tác một cách toàn diện, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị EC tiếp tục ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp hai bên và thúc đẩy Nghị viện các nước EU sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Để hướng tới mục tiêu phát triển 2025, 2030, 2045, Việt Nam mong muốn EU hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm trong những lĩnh vực EU có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như  phát triển bền vững, kinh tế số, kinh tế xanh, phát triển nguồn nhan lực chất lượng cao…

Về hợp tác phòng chống COVID-19 và vaccine, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn EU đã ủng hộ 2,4 triệu liều vaccine và giúp đỡ Việt Nam phòng chống dịch, đồng thời bày tỏ mong muốn Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu dành ưu tiên cho Việt Nam trong tiếp cận nguồn cung vaccine của châu Âu, qua cơ chế COVAX hoặc chia sẻ vaccine dôi dư, hỗ trợ cung cấp trang thiết bị y tế thiết yếu, thuốc điều trị COVID-19. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, với năng lực của Việt Nam cũng như nhằm chủ động nguồn cung vaccine trong nước và cung cấp cho khu vực, đề nghị EC ủng hộ hợp tác sản xuất vaccine tại Việt Nam.

Chia sẻ với những quan ngại của EU về thẻ vàng IUU đối với khai thác thủy sản của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội thông báo Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để khắc phục và đã đạt những kết quả rất tích cực và đề nghị EC ủng hộ để Ủy ban châu Âu sớm gỡ thẻ vàng đối với Việt Nam, góp phần bảo đảm sinh kế của ngư dân Việt Nam cũng như lợi ích của người tiêu dùng châu Âu, nhất là trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh gây ra. Việt Nam cũng sẵn sàng trao đổi, hợp tác với EU trong vấn đề quyền con người trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sasoli. Ảnh: VGP/Thành Chung

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với EU và EP tại các cơ chế hợp tác đa phương; sẵn sàng làm cầu nối thúc đẩy quan hệ EU-ASEAN tương xứng với khuôn khổ Đối tác Chiến lược ASEAN-EU vừa ký kết.

Trong trao đổi, hai bên nhất trí cần tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa các lĩnh vực hơp tác, trong đó có vai trò rất quan trọng của Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Châu Âu. Trước mắt tạo điều kiện để thực thi hiệu quả EVFTA, thúc đẩy các thành viên phê chuẩn EVIPA; EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với COVID-19, trong đó có việc viện trợ và hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn vắc-xin cũng như thuốc điều trị và trang thiết bị y tế… Hai bên khẳng định sẽ cùng nhau trao đổi để giải quyết một số tồn tại như gỡ thẻ vàng thuỷ sản IUU, thu hẹp khác biệt về vấn đề quyền con người….

Về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng cho rằng trước tác động và hệ luỵ do COVID-19 và biến đối khí hậu gây ra, cần tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu cũng như tham gia các nỗ lực và hành động chung ứng phó biến đổi khí hậu. Hai bên cũng chia sẻ quan điểm ủng hộ một khu vực ASEAN ổn định, hợp tác và thịnh vượng; duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982.

Chiều 8/9 giờ địa phương (tối cùng ngày giờ Việt Nam), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sasoli.

Ông David Sassoli đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở khu vực, nhấn mạnh EP và Việt Nam chia sẻ lợi ích trong nhiều lĩnh vực và mong muốn cùng Việt Nam tăng cường hợp tác mọi mặt như thương mại và đầu tư, phòng chống dịch COVID-19, ứng phó với biến đối khí hậu, trong đó có thách thức đối với tài nguyên nước, tình trạng xâm nhập mặn, khô hạn đang diễn ra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân trong khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định EU là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Tại hội đàm, hai bên đã trao đổi hàng loạt vấn đề nhằm tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai bên, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-EU phát triển mạnh mẽ, vì lợi ích của cả hai bên.

Để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại một cách toàn diện, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn EP có tiếng nói để nghị viện các nước chưa phê chuẩn EVIPA sớm phê chuẩn hiệp định quan trọng này nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện để thực thi Hiệp định EVFTA một cách hiệu quả nhất; đề nghị EP ủng hộ việc gỡ thẻ vàng IUU đối với khai thác thủy sản của Việt Nam, giúp bảo đảm sinh kế của ngư dân Việt Nam; khẳng định Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để khắc phục và đã đạt những kết quả rất tích cực.

Cảm ơn EP, đại diện các cơ quan hữu quan của EU và các nhóm Nghị sĩ tại EP đã đồng hành, ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam phòng chống dịch, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn EP tích cực hỗ trợ nguồn cung vaccine từ châu Âu, qua cơ chế COVAX, chia sẻ vaccine “dôi dư”, hỗ trợ cung cấp vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu, thuốc điều trị COVID-19, hợp tác sản xuất vaccine.

Chủ tịch EP ghi nhận các đề xuất của phía Việt Nam và khẳng định EVFTA là mô hình hợp tác mẫu mực và cho biết EP đã thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA và đang thúc đẩy nghị viện các quốc gia thành viên còn lại phê chuẩn. EP chia sẻ những khó khăn của Việt Nam hiện nay và sẽ nỗ lực vận động vaccine, cùng các trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống COVID-19 của Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hoạt động trao đổi đoàn các cấp, trao đổi, thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động nghị viện, trong đó có công tác lập pháp.

Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề liên quan đến hoà bình, an ninh và hợp tác trên thế giới; nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 trong giải quyết các tranh chấp và duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ và đóng góp tích cực cho các diễn đàn đa phương khu vực và thế giới.

* Ngay sau hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của EP (INTA), Đoàn Nghị sĩ phụ trách quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN (DASE) và Nhóm nghị sĩ hữu nghị EP. Hai bên trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực cùng quan tâm, trong đó có thương mại và triển khai Hiệp định EVFTA