23/01/2025 lúc 01:08 (GMT+7)
Breaking News

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ thiên tài, nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, nhà quân sự kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời cách mạng của Người đã dành một phần công sức lớn lao cho công việc sáng lập, rèn luyện, giáo dục quân đội nhân dân Việt Nam.

Tóm tắt

Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ thiên tài, nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, nhà quân sự kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời cách mạng của Người đã dành một phần công sức lớn lao cho công việc sáng lập, rèn luyện, giáo dục quân đội nhân dân Việt Nam. Hình ảnh quân đội ta luôn luôn tận trung với Đảng, với nước, tận hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Phát huy tinh thần bộ đội cụ Hồ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm nên những thắng lợi vô cùng to lớn trong lịch sử, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc thời kỳ hiện nay. Bài viết làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình chuẩn bị, sáng lập và rèn luyện quân đội nhân dân Việt Nam của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ khóa: Hồ Chí Minh, ra đời, xây dựng, Quân đội nhân dân Việt Nam.

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đặt nền móng cho sự ra đời Quân đội nhân dân Việt Nam

Mang theo trong hành trang của mình lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, cùng những truyền thống tốt đẹp, những bài học kinh nghiệm trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Hồ Chí Minh đã sớm đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, đến với con đường cách mạng nhằm giải phóng nhân dân khỏi kiếp lầm than nô lệ và xây dựng chế độ xã hội mới. Tiếp thu quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, tuy nhiên, theo Người yêu cầu quan trọng hàng đầu là phải có đội quân tổ chức, hướng dẫn quần chúng nhân dân đấu tranh để đi đến thắng lợi cuối cùng. Sớm khẳng định sự ra đời của quân đội là 1 tất yếu, là vấn đề có tính quy luật trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc ở Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu cách mạng chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức ra lực lượng vũ trang cách mạng làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh giai cấp, dân tộc mà tiền thân là những đội xích vệ đỏ, du kích vũ trang, sau đó phát triển thành quân đội nhân dân.

Bắt đầu từ những đội tự vệ đỏ trong phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh, đến đội vũ trang Cao Bằng, du kích Nam kỳ, Bắc Sơn (sau đổi thành Cứu quốc quân), Ba Tơ… cùng với sự phát triển của tiến trình cách mạng, ngày 22-12-1944, thực hiện Chỉ thị của Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã được thành lập. Với thắng lợi ban đầu (hạ đồn Phai Khắt, Nà Ngần) và từ 34 chiến sĩ đầu tiên, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày càng mở rộng địa bàn hoạt động, phát triển thành đại đội, rồi đại đội chủ lực đầu tiên của Quân đội ta… Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: tiền đồ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân rất vẻ vang, “nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”[1].

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam giải phóng quân (do Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân hợp lại) đã cùng toàn dân vùng lên đấu tranh, giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Như vậy, không chỉ tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, Hồ Chí Minh còn sáng lập lực lượng vũ trang cách mạng, lãnh đạo toàn dân tiến hành khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền về tay nhân dân, đưa những người dân Việt Nam từ thân phận những người nô lệ thành chủ nhân của một nước Việt Nam độc lập. Tuy nhiên, khi quân Pháp ngày càng lấn tới, khi không thể cúi đầu làm nô lệ, theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nhân dân cả nước bước vào cuộc trường chinh chống thực dân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Mục đích của cuộc kháng chiến là đánh thực dân phản động Pháp, giành độc lập thống nhất. Tính chất cuộc kháng chiến là toàn dân, toàn diện, trường kỳ. Chính sách kháng chiến là đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, v.v.. nên trong cuộc chiến đấu không cân sức này, chúng ta sẽ tiến hành kháng chiến toàn diện, kết hợp các mặt trận và các hình thức đấu tranh, trong đó đấu tranh quân sự là chủ chốt. Và cũng từ việc thực hiện chỉ dẫn của Người, công tác đảng trong quân đội được tăng cường, tinh thần đoàn kết thống nhất luôn được củng cố, kỷ luật được thực hiện nghiêm minh. Đặc biệt, để tăng cường sức mạnh của đội quân cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ - “những người tướng giỏi của đoàn thể” và nhấn mạnh yêu cầu “bộ đội được tổ chức chặt chẽ, tập luyện hẳn hoi, chuẩn bị chu đáo” thường xuyên, liên tục để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu. Ngày một phát triển về số lượng và nâng cao trình độ tác chiến, tài thao lược trên các chiến trường, đồng thời vận dụng sáng tạo kinh nghiệm đánh giặc của tổ tiên “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, lấy yếu chống mạnh”, Quân đội ta đã chuyển từ thế phòng ngự sang thế tiến công. Xuất phát từ thực tiễn, từ kinh nghiệm “biết địch, biết ta, trăm trận, trăm thắng”, thay đổi phương án từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, và kiên cường, mưu trí, sáng tạo, Quân đội ta đã giành thắng lợi to lớn trong trận Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tuy nhiên, khi Pháp bại trận, đế quốc Mỹ đã ngang nhiên tuyên bố không bị ràng buộc bởi Hiệp định Giơnevơ, can thiệp sâu vào miền Nam Việt Nam, nhằm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. “Lửa vẫn cháy và máu vẫn chảy”, cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược đã trở thành một cuộc đụng đầu lịch sử. Quyết tâm đánh Mỹ và quyết tâm thắng Mỹ, cả nước tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, với tinh thần đoàn kết “triệu người như một”, với niềm tin chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, với ý chí “đánh cho đến thắng lợi hoàn toàn, đánh cho đến độc lập và thống nhất thực sự”, và quyết tâm “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quyết sạch nó đi”. Đồng thời, phát huy truyền thống “cả nước đánh giặc” của cha ông trong lịch sử, thấm nhuần lời dạy của Lê-nin, khi có chiến tranh phải “biến cả nước thành một dinh luỹ cách mạng”, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: phải vũ trang toàn dân đi đôi với xây dựng đội quân cách mạng. Trên tinh thần đó, lực lượng vũ trang cách mạng bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích được xây dựng, hình thành thế trận bao vây và tiêu diệt địch. Trong mọi hoàn cảnh, quân đội cách mạng luôn là đội quân chiến đấu, là đội quân công tác và sản xuất, thực hiện tốt nhiệm vụ: bộ đội chủ lực vừa tiêu diệt địch, bảo vệ nhân dân, vừa dìu dắt bộ đội địa phương; bộ đội địa phương phối hợp hành động với bộ đội chủ lực, giúp đõ bộ đội chủ lực và dìu dắt dân quân du kích; dân quân du kích vừa phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, vừa tự mình đánh giặc, trừ gian và tham gia sản xuất, v.v. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cũng xuất phát từ thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh và sẵn sàng chiến đấu để giữ gìn hoà bình, bảo vệ đất nước, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà”[2]. Để thực hiện chỉ huấn của Người, đồng thời để có đủ sức mạnh chiến thắng kẻ thù, Quân đội ta ra sức rèn luyện, học tập nâng cao trình độ tác chiến trên chiến trường, phối hợp với quân dân miền Bắc vừa sản xuất vừa chiến đấu (với tinh thần miền Bắc là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam, với tinh thần hậu phương miền Bắc thi đua với tiền phương miền Nam), tạo thành nguồn sức mạnh tổng hợp nhằm đưa cách mạng tiến lên bằng những bước nhảy vọt. Cuối cùng, chớp đúng thời cơ, Quân đội ta đã “thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, để giành thắng lợi trong cuộc Tổng tấn công mùa xuân 1975, thu giang sơn về một mối.

2. Những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam

Bản chất của quân đội nhân dân Việt Nam

Ngay từ khi thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quân đội nhân dân Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc.

Đảng Cộng sản lấy dân làm gốc, quân đội cách mạng cũng phải dựa vào dân, “lực lượng chính là ở dân”, “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”[3], Quân đội nhân dân Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên coi trọng bản chất của giai cấp công nhân cho quân đội, coi đó là cơ sở, nền tảng để xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện. Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình phát triển, quân đội ta luôn thực sự là một quân đội kiểu mới mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, đồng thời có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Bản chất giai cấp của quân đội ta được đúc kết qua lời khen của Bác: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[5]. Bên cạnh đó, Người còn khẳng định quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Người lập luận, bản chất giai cấp công nhân và tính nhân dân của quân đội ta là một thể thống nhất, xem  đó như là biểu hiện tính quy luật của quá trình hình thành và phát triển quân đội kiểu mới, quân đội của giai cấp vô sản.

Là tổ chức quân sự, nhưng có thời kỳ hoạt động theo phương châm chính trị trọng hơn quân sự; là quân đội chủ lực, từ các đội du kích các địa phương tập trung lên trở thành giải phóng quân; do Trung ương trực tiếp lãnh đạo và chỉ huy thống nhất từ Nam chí Bắc; là quân đội chính quy của một Nhà nước, của một quốc gia độc lập có chủ quyền, một quân đội cách mạng, cùng nhân dân vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền, bảo vệ vững chắc chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ nền độc lập thống nhất và bản sắc văn hoá dân tộc. Đó là quân đội của nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu.

Chức năng, nhiệm vụ của quân đội nhân dân Việt Nam

Mục tiêu lý tưởng chiến đấu của quân đội ta là thực hiện mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, của giai cấp công nhân và của toàn dân tộc: gắn giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.

Nhiệm vụ của quân đội ta là phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi bảo vệ tổ quốc XHCN, trước tình hình nhiệm vụ mới của cách mạng và của quân đội, quân đội còn phải tham gia vào nhiệm vụ xây dựng đất nước, sản xuất ra của cải vật chất và tiến hành công tác huấn luyện.

Quân đội ta có 3 chức năng: là quân đội chiến đấu, đội quân công tác và quân đội sản xuất.

Với tư cách là đội quân chiến đấu, quân đội luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ trật tự an toàn xã hội, tham gia vào cuộc tiến công địch trên mặt trận lý luận, chính trị, tư tưởng văn hóa, …

Là đội quân sản xuất, quân đội tích cực tăng gia sản xuất cải thiện đời sống, xây dựng  kinh tế, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.

Là đội quân công tác, quân đội tham gia vận động quần chúng nhân dân xây dựng cơ sở chính trị xã hội vững mạnh, góp phần tăng cường sự đoàn kết giữa Đảng, quân đội với nhân dân; giúp dân chống thiên tai, giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống, tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ và chấp hành đúng đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước.

Nguyên tắc xây dựng quân đội

 Một là, “Quân sự phục tùng chính trị”, “quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”[4]. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định bản chất cách mạng, sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân. Có sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta luôn luôn lấy việc xây dựng về chính trị làm cơ sở để nâng cao sức mạnh chiến đấu tổng hợp, thường xuyên tăng cường hiệu lực công tác Đảng - công tác chính trị. Khi đã có Nhà nước, trở thành một bộ phận của Nhà nước, Quân đội ta tuân thủ hiến pháp và pháp luật. Thực tiễn lịch sử cho thấy, cơ chế quản lý của Nhà nước với quốc phòng không làm suy yếu sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp, về mọi mặt của Đảng với quân đội; vì quân đội là một tổ chức quân sự, khác với các tổ chức khác trong bộ máy Nhà nước… Đảng trực tiếp lãnh đạo Nhà nước đồng thời trực tiếp lãnh đạo quân đội.

Hai là, về nguyên tắc tổ chức quân đội: “Phải có tổ chức vững chắc và nghiêm mật”, “nếu không có tổ chức thì không phải là một đội quân cách mạng, không thể đánh thắng được”[5] kết cục sẽ rơi vào tình trạng vô chính phủ và tan rã. Người chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xác định đúng đắn mối quan hệ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Vận dụng sáng tạo nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng vào xây dựng quân đội cách mạng, Người nêu rõ có tổ chức mạnh mới có con người mạnh. Con người mạnh làm cho tổ chức mạnh, Đảng bộ trong quân đội làm nòng cốt và hạt nhân lãnh đạo, vừa có hệ thống lãnh đạo, vừa có hệ thống chỉ huy, xác định rõ lãnh đạo là tập thể, chỉ huy là trách nhiệm cá nhân. Quân đội phải có kỷ luật sắt “quân lệnh như sơn” đi đôi với thực hiện dân chủ, phê bình, tự phê bình từ dưới lên, chống quan liêu, quân phiệt, độc đoán, chống tự do vô kỷ luật.

Ba làQuân đội ta là Quân đội của dân, do dân, vì dân. Vì vậy, phải luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, có thái độ chính trị đúng đắn trước những mối quan hệ chính trị cơ bản: Với nhân dân, Quân đội ta là người phục vụ trung thành, cùng nhân dân bảo vệ độc lập chủ quyền, chế độ xã hội, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền làm chủ của nhân dân. Với đất nước, Quân đội ta là công cụ để bảo vệ độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc… Với bầu bạn, Quân đội ta thấm nhuần tinh thần quốc tế vô sản, ủng hộ sự nghiệp đấu tranh cho độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hoà bình thế giới. Với nội bộ, thực hiện toàn quân một ý chí, kỷ luật nghiêm minh, dân chủ, bình đẳng về chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”[6].

Bốn là, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong xây dựng quân đội phải lấy việc bồi dưỡng xây dựng con người là chính. Bác nói: “Người trước súng sau”. Chiến lược “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên một đội ngũ cán bộ quân đội trung thành, có trí tuệ, đáp ứng yêu cầu khắc nghiệt của đấu tranh và mọi thử thách của cách mạng. Người nói: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, “…cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[7].

Đối với cán bộ trong quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải có các phẩm chất: “Trí, Dũng, Liêm, Trung”. Người đặt “ Trí” lên hàng đầu. Theo Hồ Chí Minh, cán bộ quân sự trước hết phải là người có trí tuệ, không ngừng trau dồi trí thức, nâng cao trí tuệ, mới hoàn thành nhiệm vụ. Người cán bộ phải có giác ngộ chính trị hơn quần chúng, vì vậy phải có trình độ hiểu biết về chủ nghĩa Mác- Lênin, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật quân sự; nắm vững đường lối chính sách của Đảng mới tự giác phấn đấu theo đường lối cách mạng mà Đảng đã vạch ra, có niềm tin thắng lợi, dựa vào căn cứ khoa học, có lý luận để thuyết phục quần chúng, có khả năng tổng kết thực tiễn, phát huy sức sáng tạo của quần chúng để góp phần cụ thể hoá, bổ sung đường lối chủ trương của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc cán bộ học ở trường, ở sách vở và trong thực tiễn đấu tranh cách mạng đều rất quan trọng. Theo Người, học phải đi đôi với hành, lời nói phải đi đôi với việc làm. Người coi trọng quá trình xây dựng quân đội nhân dân phải là quá trình rèn luyện lâu dài chiến đấu với kẻ thù, trong đấu tranh chính trị, trong vận động quần chúng, trong xây dựng nâng cao sức mạnh chiến đấu. Bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu của mỗi quân nhân trong quân đội chẳng những là sự tích luỹ một hàm lượng trí tuệ mà còn là kết quả của sự đấu trí giữa ta và địch. Hơn nửa thế kỷ xây dựng và chiến đấu, quân đội ta đã bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ quân sự tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, giỏi thao lược, đánh thắng mọi kẻ thù. Trong Quân đội nhân dân Việt Nam, có nhiều cán bộ cao cấp từ công nhân, nông dân, trí thức cách mạng trưởng thành lên. Đó là một thành công lớn của Đảng và Bác Hồ.

Chiến lược “trồng người” trong quân đội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng lên một hình tượng đẹp, đó là danh hiệu “Anh bộ đội cụ Hồ” được nhân dân tặng cho người chiến sĩ Quân đội nhân dân, một biểu tượng của con người mới, vừa mang phẩm chất truyền thống của dân tộc, vừa mang nhân cách và tầm vóc của người anh hùng thời đại và có giá trị nhân văn xã hội chủ nghĩa.

KẾT LUẬN

80 năm qua, Quân đội ta xây dựng và chiến đấu theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đã hoàn thành nhiệm vụ trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Những năm hoà bình, Quân đội ta là một lực lượng rất quan trọng đảm bảo sự ổn định chính trị và an toàn xã hội của nước nhà. Ngày nay, trong bối cảnh mới, đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hoá. Chúng ta đang đứng trước vận hội mới và những thách thức mới.

Trước những biến chuyển to lớn, phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, trước vận hội mới và thách thức mới, “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn là trụ cột, là lực lượng kiên định đi theo con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn. Quân đội ta phải tiếp tục xây dựng nâng cao trình độ về mọi mặt ngang tầm với nhiệm vụ, trước hết và cơ bản nhất là trình độ chính trị.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tương lai, đòi hỏi quân đội phải xây dựng với chất lượng cao, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Nhiệm vụ đó đặt ra yêu cầu đầu tư hơn nữa vào công tác huấn luyện bộ đội, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chỉ huy giỏi, sáng tạo cách đánh và tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học quân sự, vận dụng sáng tạo vào quá trình xây dựng học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại mới, góp phần vào việc đổi mới phong cách lãnh đạo chỉ huy quân đội nhân dân. Cần thiết phải bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật về xây dựng Quân đội nhân dân, củng cố nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc; Tiếp tục thể chế hoá đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng về xây dựng quân đội; Ban hành hệ thống điều lệnh, điều lệ về các hoạt động của Quân đội nhân dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quân đội, giải quyết tốt nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân trong nhà nước pháp quyền do Đảng lãnh đạo.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chăm sóc của Người, với sự nỗ lực đoàn kết của toàn quân, đoàn kết quân dân và đoàn kết quốc tế, Quân đội ta - công cụ bạo lực vũ trang chủ yếu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, đã góp phần to lớn vào thắng lợi chung của dân tộc, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Từ những vấn đề nghiên cứu trên, đặt ra yêu cầu mỗi giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị ngày càng quan tâm hơn nữa vấn đề lý luận và thực tiễn; cập nhật những thông tin thời sự trong và ngoài nước; tích cực trau dồi kiến thực chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ quá trình giảng dạy. Đặc biệt, nhận thức vai trò của chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, kiên định con đường, mục tiêu đã lựa chọn.

ThS. Nguyễn Văn Khánh

Khoa Lý luận Chính trị - Pháp luật, Đại học Công Nghiệp Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật Hà Nội, 2011, tập 3, tr.540

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.365

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.485

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.217

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.77

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.435

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.309

...