Cuộc đời 79 mùa Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại.
Người thày vĩ đại của cách mạng Việt Nam
Với lòng yêu nước thiết tha và ý chí, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc, ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh rời Cảng Sài Gòn, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Bằng nhãn quan chính trị đặc biệt, Người quyết định sang Phương Tây, nơi khởi nguồn của chủ nghĩa thực dân, quê hương của các cuộc cách mạng tư sản, để tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ "Tự do", "Bình đẳng", "Bác ái"; xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào.
Bôn ba khắp năm châu, bốn biển để nghiên cứu, tìm hiểu về các cuộc cách mạng điển hình, kiểm nghiệm nhiều học thuyết, nhiều con đường đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân các nước thuộc địa, cuối cùng Người đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy ở đó ánh sáng chân lý của thời đại, con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, đó là: "muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản". Tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã dần dần xây dựng được một hệ thống lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc phù hợp với thực tiễn Việt Nam, xác định đúng mục tiêu, con đường, lực lượng tham gia, lực lượng lãnh đạo, cũng như phương pháp cách mạng và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của một chính đảng cách mạng ở Việt Nam.
Để rồi, mùa Xuân năm 1930, Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam. Sự ra đời của Đảng khẳng định tầm nhìn, vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là cống hiến to lớn và đầy sáng tạo của Người trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc thành lập một đảng cách mạng chân chính để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Và sau gần 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/01/1941, Người trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng phù hợp với sự thay đổi mau lẹ của tình hình quốc tế và trong nước, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tổ chức vận động, tập hợp lực lượng toàn dân tộc; thành lập Mặt trận Việt Minh; tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa, tạo nên các cao trào cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ trên phạm vi cả nước.
Tháng 8/1945, với tư duy chính trị nhạy cảm và sắc bén, dự báo chính xác, phân tích kịp thời và thấu đáo tình hình trong nước và quốc tế, nhận rõ thời cơ cách mạng đã chín muồi, Người nêu quyết tâm "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho kỳ được độc lập dân tộc", "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã vùng lên phá tan gông xiềng nô lệ hơn 80 năm của chế độ thực dân, xóa bỏ chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một thời đại mới rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài cấu kết với nhau mưu toan lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ, hòng áp đặt ách cai trị nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân cùng một lúc chống cả 3 thứ giặc: "giặc đói", "giặc dốt" và "giặc ngoại xâm". Với sách lược khôn khéo, linh hoạt, Người đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, hiểm nguy, trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", vừa tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng về mọi mặt, vừa ra sức bảo vệ, củng cố chính quyền cách mạng mới được xác lập, còn rất non trẻ.
Trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, hiệu triệu toàn dân tộc đồng lòng, chung sức tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, với ý chí sắt đá: "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, theo ngọn cờ "kháng chiến, kiến quốc" Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các kế hoạch quân sự của kẻ thù mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, cùng Đảng ta hoạch định đường lối và lãnh đạo nhân dân ra sức đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường xây dựng Đảng, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa… làm cho miền Bắc ngày càng vững mạnh về mọi mặt, trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là tâm nguyện cháy bỏng, là nỗi trăn trở khôn nguôi của Người. Người từng nói: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi!"; "Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi". Trước lúc đi xa, Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta bản Di chúc lịch sử trong đó khẳng định một ý chí mãnh liệt, một quyết tâm sắt đá và một niềm tin tất thắng: "Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà".
Thực hiện di huấn của Người, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, làm nên thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, hòa bình, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Vĩnh biệt chúng ta, Bác không có gì dành cho riêng mình, ngoài những điều sâu sắc nhất, lớn lao nhất, vĩ đại nhất dành cho nhân dân, cho đất nước và Người chỉ tiếc là tiếc rằng "không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa". Đó là lý tưởng chính trị, là văn hoá đạo đức và chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.
Người mở ra nền văn hóa mới cho dân tộc Việt Nam
Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, “nhà văn hóa” trùm lên tất cả các danh vị khác. Thực tiễn cho thấy, có người được coi là anh hùng dân tộc nhưng không phải là nhà văn hóa và ngược lại. Chủ tịch Hồ Chí Minh có cả “hai trong một”. Người đem văn hóa phổ vào mọi mặt của đời sống xã hội, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của nó: “Lấy văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Sự nghiệp cách mạng Việt Nam đã minh chứng, văn hóa Hồ Chí Minh có trong chiến lược, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta; trong chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Đồng thời, văn hóa đó có cả trong tiếng “gầm đại bác” tiêu diệt quân thù ở Điện Biên Phủ; điệu hò của các chị, các anh dân công lội suối, băng rừng tiếp tế cho chiến trường; trong trận tiến công chiến lược làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975; trong tiếng học i, tờ của trẻ em khi cắp sách đến trường và cả trong cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại nghèo nàn và lạc hậu…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra một nền văn hóa mới cho dân tộc Việt Nam, huy động các tiềm năng vào việc xây dựng chế độ mới, làm rạng rỡ dân tộc Việt Nam. Nhân loại đã, đang và sẽ phấn đấu cho một tương lai tươi sáng, trong đó có việc phát huy những giá trị tốt đẹp, đấu tranh chống lại những gì phản động, lạc hậu - sự nghiệp đó chính là sự nghiệp của văn hóa, mà lực lượng nòng cốt là những danh nhân văn hóa. Điều đó cắt nghĩa vì sao những danh nhân văn hóa thế giới đều là những vĩ nhân “đi trước thời đại”, có tầm nhìn xa trông rộng, nhãn quan của họ có thể nhìn xuyên thế kỷ, với tư chất một nhà văn hóa kiệt xuất. Hồ Chí Minh là một người như vậy.
Biểu tượng sáng ngời về đạo đức
Đạo đức Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa nói và làm, hướng tới tiến bộ xã hội. Đạo đức mà Người đề cập là đạo đức mới - đạo đức cách mạng,
Theo Người, đạo đức cách mạng được biểu hiện ở các phẩm chất, như: lòng nhân ái, tính nhân văn cao cả, trung với nước, hiếu với dân, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, tinh thần quốc tế trong sáng… Đây là lĩnh vực nhạy cảm của văn hóa và là cái gốc của sự phát triển.
Trong xã hội hiện đại, luật pháp ngày càng đầy đủ hơn, chặt chẽ hơn, nhưng ngoài luật pháp thì đạo đức giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều tiết các quan hệ xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng chú ý cả “đức trị” và “pháp trị”, xử lý mọi công việc vừa có lý, vừa có tình. Với mỗi con người cụ thể, Người coi trọng cả đức và tài, nhưng xét về thứ tự ưu tiên thì Người vẫn cho đức là cơ bản hơn cả. Đạo đức đối với người cách mạng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”.
Có thể nói, cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh như “pho sách” lớn, biểu tượng sáng ngời về đạo đức, đã lan toả, thẩm thấu, trở thành giá trị văn hóa vĩnh hằng trong các thế hệ người Việt Nam và nhân dân tiến bộ toàn thế giới.
Với tất cả niềm tin yêu và lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh - soi sáng con đường chúng ta đi, chúng ta nguyện đoàn kết một lòng, xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hùng cường - Đó là cách học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thiết thực nhất, cụ thể nhất và hiệu quả nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi với non sông đất nước, với nhân dân ta./.