12/01/2025 lúc 10:59 (GMT+7)
Breaking News

Chip 'hạt gạo' ảnh hưởng như thế nào đến thế giới?

VNHNO - Việc gắn chip để theo dõi, nghe lén, thu thập dữ liệu không còn là chuyện xa lạ trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên việc gắn được những con chip siêu nhỏ vào bo mạch chủ SuperMicro lại là chuyện khác, bởi những tác động của nó được xem là không thể tưởng tượng nổi...

VNHNO - Việc gắn chip để theo dõi, nghe lén, thu thập dữ liệu không còn là chuyện xa lạ trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên việc gắn được những con chip siêu nhỏ vào bo mạch chủ SuperMicro lại là chuyện khác, bởi những tác động của nó được xem là không thể tưởng tượng nổi...

"Điểm huyệt" cả thế giới

SuperMicro được thành lập năm 1993, là một công ty phần cứng máy chủ nổi tiếng của Mỹ có giám đốc điều hành gốc Trung Quốc. Hãng SuperMicro cung ứng đa dạng các thiết bị máy chủ như mainboard server (mainboard), máy chủ, blade server, chassis (vỏ máy server hay case của máy PC), tản nhiệt (heatsinks) với chất lượng từ trung đến cao cấp.

SuperMicro được giới công nghệ đánh giá là một "gã khổng lồ" công nghệ phần cứng với thị phần máy chủ toàn cầu của SuperMicro chiếm 12,4%, đứng thứ 3 chỉ sau HP và Dell. Trên trang chủ nhà sản xuất này, số lượng đối tác của hãng bao trùm gần như khắp toàn cầu. Cơ cấu doanh thu theo quý III/2017 của hãng có 54% tại thị trường Bắc Mỹ, 22% châu Âu, 21 % châu Á và phần còn lại đến từ các thị trường khác.

Chip 'hạt gạo' tạo nên một mối lo cho giới công nghệ khắp toàn cầu

Qua những con số đó chúng ta thấy được quy mô cũng như mức độ bao phủ của những thiết bị điện tử, những bo mạch của SuperMicro gần như có mặt khắp thế giới và trong hầu hết các linh kiện điện tử. Theo một nhà tình báo giấu tên đánh giá rằng: "Có thể xem SuperMicro là Microsoft của thế giới phần cứng".

Chính vì thế nếu Hacker tấn công được vào bo mạch chủ của SupperMicro bằng chip"hạt gạo" như bài điều tra của Bloomberg cũng giống như đã tấn công được vào hệ điều hành Windows của Microsoft, điều đó có nghĩa là tấn công và khống chế gần như toàn thế giới.

Người trong cuộc lên tiếng

Trước bài điều tra phanh phui của tạp chí Bloomberg, những tên tuổi lớn như Apple, Amazon và "người trong cuộc" là SuperMicro ngay lập tức lên tiếng phủ nhận, tuy nhiên giới quan sát cho rằng đó là phản ứng "xù lông nhím" rất "tự nhiên". Bởi dù cho các thương hiệu này có bác bỏ những thông tin mà Bloomberg đưa lên mặt báo nhưng cũng không thể phủ nhận việc mình là mục tiêu tấn công của giới hacker với những sự vụ từng được ghi nhận.

Cụ thể là trong ngày 5/10, trang tin Mashable cho biết cả Facebook và Apple đều xác nhận họ đã tìm thấy phần mềm độc hại trên máy chủ SuperMicro của mình. Theo đó, hồi năm 2015 Facebook đã cảnh báo và tiến hành kiểm tra về sự xuất hiện của phần mềm độc hại trên "một số ít" máy chủ SuperMicro.

Và trang mạng với hơn 2 tỷ người dùng này cho hay sự việc chỉ gói gọn trong "phòng thí nghiệm" của Facebook chứ không hề ảnh hưởng đến người dùng. Tuy nhiên trước thông tin này khiến nhiều người nhớ ngay đến vụ tấn công vào gần 50 triệu tài khoản Facebook vừa mới xảy ra để đánh giá cái gọi là "một số ít" của mạng xã hội toàn cầu này.

Facebook và Apple thừa nhận từng phát hiện phần mềm độc hại trên máy chủ

Còn riêng hãng Apple sau những phản ứng phủ nhận ban đầu thì cũng phải thừa nhận với Mashable rằng họ (Apple) từng nhận ra có phần mềm độc hại trên máy chủ hồi năm 2016, và cho biết đó là lý do hãng này không sử dụng máy chủ SuperMicro từ đó.

Thông tin này cũng gợi cho giới chuyên môn về sự vụ Apple đồng loạt thay 4.000 máy chủ của SuperMicro ở các trung tâm đã có tại Bắc Carolina và Oregon bằng 6.000 máy chủ tại 17 chi nhánh ở Hà Lan, Mỹ và Singapore... mà không giải thích rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, nhà sản xuất iPhone phủ nhận việc liên quan đến SuperMicro trong các sự kiện đó.

Dù có hay không trước việc chip "hạt gạo" như tạp chí Bloomberg đã đăng thì qua sự thừa nhận của 2 "đại gia" công nghệ trên cũng cho thấy về nguy cơ gián điệp từ Trung Quốc luôn cố xâm phạm đến an toàn không gian mạng của Mỹ. 

Việt Nam cũng sử dụng bo mạch của SuperMicro

Tính đến 2015 SuperMicro có mặt ở hơn 100 nước và ở khu vực Đông Nam Á thì sản phẩm của hãng này có mặt ở hầu hết các quốc gia. Riêng Việt Nam có 2 đơn vị phân phối sản phẩm của hãng này là công ty cổ phần Anh Đức và công ty TNHH Viễn thông N.T.C.

Tháng 9 năm 2017 trong buổi giới thiệu về giải pháp lưu trữ, hãng Intel đã giới thiệu dòng máy chủ X11 do SuperMicro sản xuất cho các doanh nghiệp Việt Nam. Và theo xác nhận của Trung tâm an ninh mạng BKAV thì SuperMicro khá thông dụng ở Việt Nam, "tuy nhiên các model được sử dụng ở Việt Nam có bị ảnh hưởng như thông tin chip 'hạt gạo' hay không thì cần phải kiểm tra và xác minh" đại diện BKAV cho biết.

Bo mạch của SuperMicro khá thông dụng ở Việt Nam

Tuy nhiên một số chuyên gia lại cho rằng mục tiêu tấn công hướng đến của những chip "hạt gạo" này là những "ông lớn" của Mỹ nhằm thu thập dữ liệu về bí mật kinh doanh cũng như lĩnh vực an ninh, trong khi hầu hết những sản phẩm của SuperMicro bán ra ở Việt Nam là dành cho người dùng phổ thông nên nguy cơ là rất thấp.

Sau những thông tin được đăng tải trên tạp chí Bloomberg, giới quan sát cho biết đến cuối phiên giao dịch hôm thứ 5 (4/10), cổ phiếu SuperMicro lao dốc hơn 45% còn 9,55 USD, tại một số thời điểm giảm đến 60% xuống còn 8,52 USD. Điều này cho thấy dù đúng hay không, bài báo của Bloomberg cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến SuperMicro./.