19/01/2025 lúc 13:39 (GMT+7)
Breaking News

Chính sách với trí thức để phát triển và hội nhập

VNHN - Trong xu thế toàn cầu hóa với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và truyền thông, với sự phổ biến của Internet, với sự tiến nhanh đến nền kinh tế tri thức thì vai trò và trách nhiệm của trí thức là rất lớn lao. Xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được coi là một trong những chính sách quan trọng.

VNHN - Trong xu thế toàn cầu hóa với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và truyền thông, với sự phổ biến của Internet, với sự tiến nhanh đến nền kinh tế tri thức thì vai trò và trách nhiệm của trí thức là rất lớn lao. Xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được coi là một trong những chính sách quan trọng.

 

Trong xã hội Việt Nam, thời phong kiến không có khái niệm “trí thức”, mà chỉ có nói tới tầng lớp sĩ phu; đến thời Pháp thuộc mới có khái niệm “trí thức”, được dịch từ chữ Intellectue (tiếng Pháp), Intellectual (tiếng Anh).

Có thể hiểu, trí thức là những người lao động trên mọi lĩnh vực, ngành nghề, sử dụng trí tuệ và tài năng của mình trong lao động, sáng tạo, đưa ra những ý tưởng có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế, xã hội. Trí thức không nhất thiết phải là những người có bằng cấp, học vị.

VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC VIỆT NAM

Quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam gắn liền với sự phát triển của đội ngũ trí thức. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ năm 1930 đến nay, trí thức Việt Nam luôn là một lực lượng của cách mạng, luôn xung kích đi đầu trên mặt trận khoa học công nghệ và văn hoá. Trí thức Việt Nam không chỉ là lực lượng sản xuất trực tiếp mà còn làm nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu, tổng kết, khám phá, truyền bá, trao truyền kinh nghiệm cho các thế hệ nối tiếp.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trí thức Việt Nam, bằng công sức và trí tuệ của mình, cùng với khối liên minh công nông đã góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi, thu non sông về một mối, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là công cuộc đổi mới, trí thức Việt Nam góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thay đổi bộ mặt xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ của khoa học công nghệ, trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, trí thức Việt Nam càng có vai trò quan trọng đặc biệt. Họ không chỉ là một lực lượng tiêu biểu cho nguồn trí tuệ của dân tộc, mà còn là một động lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, phát triển văn hóa, phát triển con người và tạo nguồn nhân lực có kiến thức. Mặt khác, trí thức còn là nhân tố quyết định đến sự phát triển nhanh chóng và bền vững của nước ta trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC VIỆT NAM VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC.

Những đóng góp của đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời kỳ đổi mới được Đảng, Nhà nước ta đánh giá và ghi nhận. Tuy nhiên, đội ngũ trí thức còn bộc lộ một số ưu, khuyết điểm sau:

- Ưu điểm: Trí thức Việt Nam hầu hết xuất thân từ nhân dân lao động, có tinh thần yêu nước, có phẩm chất chính trị vững vàng, nhiệt tình, trách nhiệm với đất nước, có năng lực chuyên môn, tiếp cận nhanh với khoa học công nghệ.

- Nhược điểm: Số lượng, chất lượng của đội ngũ trí thức Việt Nam không đồng đều, phân bố chưa hợp lý ở các ngành, các lĩnh vực và vùng miền, thiếu cán bộ khoa học nghiên cứu cơ bản. Số cán bộ khoa học có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành tâm huyết với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ còn thiếu hụt so với yêu cầu và tuổi đời đã cao. Việc đào tạo tiến sĩ những năm qua, do chạy theo số lượng nên làm ồ ạt, chất lượng kém. Hệ quả là hiện nay ở nước ta rất thiếu cán bộ trẻ kế cận có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, có năng lực triển khai công nghệ, tìm tòi, sáng tạo ra công nghệ mới.

Những công trình khoa học của Việt Nam ứng dụng vào thực tế còn hạn chế. Hầu hết các công trình nghiên cứu chưa mang tầm chiến lược vĩ mô, ngang tầm với thời đại, chưa thể hiện tính sáng tạo, đột phá. Số công trình khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế chưa nhiều. Nhìn chung, đội ngũ trí thức của Việt Nam còn có khoảng cách với đội ngũ trí thức của thế giới và ngay với một số nước trong khu vực.

Một số trí thức chưa thực sự coi trọng việc tự đào tạo. Tư tưởng độc lập và khả năng phản biện xã hội với tinh thần xây dựng còn thấp, đôi khi còn thiếu tinh thần hợp tác, kèn cựa lẫn nhau...

NHỮNG ƯU ĐIỂM VÀ BẤT CẬP TRONG CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TRÍ THỨC HIỆN NAY.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn khẳng định vai trò quan trọng của trí thức, coi trí thức yêu nước là một lực lượng cách mạng, là nhân tài, vốn quý của dân tộc.

Cả trước và sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng, Bác Hồ đã có chủ trương tập hợp và xây dựng đội ngũ trí thức để phục vụ kháng chiến và kiến thiết đất nước. Nhiều trí thức Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài, nghe theo tiếng gọi của Đảng đã trở về nước tham gia kháng chiến, phụng sự Tổ quốc. Để có một lực lượng trí thức đông đảo, phục vụ công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước sau khi nước nhà giành được độc lập, từ những năm 50 của thế kỷ XX, hàng nghìn thanh niên Việt Nam được Đảng ta chọn lọc đưa sang Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đào tạo về khoa học kỹ thuật. Đảng và Bác Hồ đã sử dụng nhiều trí thức trong bộ máy nhà nước, trên tất cả các lĩnh vực như tổ chức chính phủ, công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục... Bác Hồ quan niệm rằng, cách tốt nhất để phục vụ lợi ích của công nông là phải đưa những người có đủ tài, đủ đức vào bộ máy nhà nước để phụng sự lợi ích của người lao động.

Ngay cả khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn gay go và quyết liệt nhất, Đảng ta vẫn luôn chăm lo đến việc xây dựng đội ngũ trí thức, chuẩn bị cho sự nghiệp xây dựng đất nước sau ngày miền Nam giải phóng. Nhiều trường đại học ở miền Bắc được mở ra để đào tạo nhân tài, nhiều học sinh được cử ra nước ngoài đào tạo về khoa học kỹ thuật.

Năm 1975, đất nước thống nhất, Đảng ta đưa ra chủ trương trọng dụng trí thức yêu nước ở miền Nam cùng với đội ngũ trí thức miền Bắc tập hợp lại thành một lực lượng xung kích trong cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật nhằm đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một nước công nghiệp tiên tiến.

Từ năm 1986 trở lại đây, đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng ta nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức, coi trí thức là động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Đảng ta khẳng định việc phát triển, xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, của các bộ, ban ngành, các địa phương. Từ nhận thức đó, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến phát triển khoa học và công nghệ, coi đây là khâu then chốt trong quá trình phát triển đất nước.

Đảng và Nhà nước luôn khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định ý nghĩa chiến lược của khối liên minh công nhân, nông dân và trí thức, coi đây là nền tảng của cách mạng Việt Nam. Đảng ta luôn nhất quán trong đường lối, chính sách đối với trí thức. Tuy nhiên, trong chính sách của Đảng, Nhà nước đối với trí thức hiện nay vẫn còn có điều bất cập: Chính sách sử dụng, đãi ngộ của Nhà nước đối với đội ngũ trí thức chưa thực sự thóa đáng, chưa tương xứng với những đóng góp của họ. Vì vậy, chưa khuyến khích, thu hút được nhân tài cũng như phát huy hết khả năng vốn có của họ; hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, đồng bộ để thu hút các nhà khoa học nước ngoài và Việt kiều; việc đầu tư cho đào tạo chưa thoả đáng. Chất lượng đào tạo còn hạn chế, thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Đội ngũ các nhà khoa học thực sự còn quá ít ỏi. Các cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, triển khai công nghệ còn lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu với sự phát triển.

XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TRONG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ.

Trong thời kỳ mới, để đào tạo một lực lượng trí thức phù hợp, chúng ta cần có định hướng phát triển cụ thể, yêu cầu mỗi một trí thức phải có khả năng thực tế; đội ngũ trí thức cần được giao nhiệm vụ để tự trải nghiệm, khẳng định mình, thể hiện đầy đủ trách nhiệm công dân với Tổ quốc. Ngược lại, đội ngũ trí thức phải có nghĩa vụ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong giai đoạn phát triển mới đòi hỏi thời gian đào tạo phải được rút ngắn đồng thời phát huy khả năng tự học và tự nghiên cứu để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn và đặt sáng tạo trong công việc lên hàng đầu. Bên cạnh đó, đòi hỏi có những điều kiện để một nhà trí thức hiện đại được tiếp cận với những thông tin mới, có điều kiện nhất định để phục vụ nghiên cứu phù hợp, có điều kiện tranh luận những thông tin trong giới của mình và có điều kiện trực tiếp tham gia vào các công việc trong xã hội mà khả năng của mình có...

Hơn bao giờ hết, Nhà nước cần có hoạch định chiến lược phát triển đội ngũ trí thức trên cơ sở tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, và từ tình hình thực tế của Việt Nam. Cần đẩy mạnh, đầu tư cho giáo dục đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài có trình độ cao cả về số lượng, chất lượng. Nhanh chóng đào tạo đội ngũ trí thức của các ngành, đặc biệt là các ngành công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn. Nhà nước cần có sự liên kết, mở rộng hợp tác với nước ngoài trong việc đào tạo nhân tài.

Để thực hiện điều đó, Nhà nước cần đổi mới cơ chế, chính sách sử dụng, đãi ngộ thỏa đáng, tôn vinh trí thức để thu hút trí thức, nhân tài trong và ngoài nước phục vụ đất nước. Cần tạo những điều kiện cần thiết, tốt nhất để họ nghiên cứu, triển khai công nghệ, phát huy tối đa trí tuệ và năng lực của mỗi cá nhân, tập thể và của đội ngũ trí thức. Đồng thời Nhà nước hoạch định và hoàn thiện cơ chế, hệ thống pháp luật, chủ động hội nhập quốc tế, tạo điều kiện cho các nhà khoa học là Việt kiểu và người nước ngoài làm việc, nghiên cứu, khai thác thông tin, trao đổi học tập, khảo sát thực tế tại Việt Nam.

Một trong những vấn đề cấp thiết là, Nhà nước cần cải tổ lại hệ thống quản lý và tổ chức nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ theo hướng tiếp cận với trình độ của thế giới, tìm ra cách đi có hiệu quả bảo đảm đúng quy luật phát triển, phù hợp với Việt Nam nhằm rút ngắn được thời gian và khoảng cách với các nước phát triển.