03/01/2025 lúc 20:08 (GMT+7)
Breaking News

Chính sách tài chính thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số

Doanh nghiệp muốn có lợi thế cạnh tranh, không bị loại khỏi thị trường thì “con đường” tất yếu là phải chủ động chuyển đổi số. Nhờ đó sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường mới mà mô hình kinh doanh truyền thống không mang lại được. Đây cũng là phương thức để doanh nghiệp thích nghi với những biến động trong môi trường kinh doanh.
Ảnh minh họa - Internet

1. Thực trạng và kết quả thực hiện chính sách thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số

Chuyển đổi số không chỉ là xu thế phát triển tất yếu mà đang trở thành một đòi hỏi cấp bách đối với các doanh nghiệp hiện nay để tồn tại, phát triển và tăng khả năng thích nghi trong bối cảnh dịch Covid-19. Doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước thực hiện chuyển đổi số với sự nhận thức có những chuyển biến tích cực, thể hiện qua tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, sử dụng các nền tảng số và sẵn sàng đầu tư vào các giải pháp số. Tuy nhiên, mức độ chuyển đổi số còn thấp và chưa đồng đều, khi vẫn có một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp chưa bắt đầu thực hiện chuyển đổi số và chưa sẵn sàng để chuyển đổi số. Trong khi đó, việc áp dụng các công nghệ chủ chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá sơ khai.

Mục tiêu chuyển đổi số có sự khác biệt giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Các doanh nghiệp lớn sớm nhận thức được vai trò và áp dụng công nghệ số hơn các DNNVV. Nguyên nhân là do: (i) Rào cản từ bên trong doanh nghiệp như tư duy, nhận thức, thiếu vốn, thiếu cơ sở hạ tầng về công nghệ số, rủi ro rò rỉ dữ liệu, thiếu nhân lực, thiếu thông tin, tâm lý phải thay đổi tập quán kinh doanh…; (ii) Rào cản từ bên ngoài doanh nghiệp như khung pháp lý chưa hoàn thiện, hạ tầng công nghệ thiếu đồng bộ, tốc độ phát triển các doanh nghiệp cung cấp công nghệ chưa cao…

Để chuyển đổi số doanh nghiệp, nhiều chính sách được ban hành để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp như chính sách chi ngân sách nhà nước (NSNN), chính sách thuế, chính sách tín dụng và chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chính sách chi NSNN

Chính sách này được thực hiện thông qua một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Các diễn đàn đã được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, tư vấn trực tiếp, kết nối giải pháp cho doanh nghiệp, xây dựng công cụ đánh giá chuyển đổi số để doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, xây dựng. Đồng thời, tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại Việt Nam cũng được công bố nhằm đưa ra các kiến thức, lộ trình và các giải pháp công nghệ chuyển đổi số độc lập cho doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV tham khảo. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đã xây dựng khóa đào tạo cho doanh nghiệp về chuyển đổi số để cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận kiến thức, nâng cao năng lực chuyển đổi số1. Bên cạnh đó, chương trình đã triển khai các bước ban đầu hình thành mạng lưới chuyên gia về chuyển đổi số và tìm kiếm, sàng lọc những doanh nghiệp sẵn sàng, quyết tâm chuyển đổi số để kết nối chuyên gia hỗ trợ xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Chương trình hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số đã giúp các DNNVV đăng ký tham gia và sử dụng các nền tảng số, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh, chuẩn hóa quy trình và đổi mới mô hình kinh doanh, dựa trên việc sử dụng công nghệ 4.0 như Cloud, trí tuệ nhân tạo (AI)... được triển khai theo hình thức cho thuê phần mềm, cung cấp dịch vụ số tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các chương trình, đề án phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) đều lồng ghép các hoạt động hỗ trợ DNNVV nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tiếp nhận, cải tiến, hoàn thiện, làm chủ công nghệ thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, tìm kiếm, giải mã, chuyển giao công nghệ; xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ doanh nghiệp. Chi NSNN cho KHCN giai đoạn 2016 - 2021 tăng so với các giai đoạn trước.

Chính sách thuế

Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tăng thêm nguồn tài chính, tăng tích lũy nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính sách thuế nhập khẩu khuyến khích phát triển ngành, nghề công nghệ cao, khuyến khích nhập khẩu hàng hóa phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, qua đó góp phần tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số. Về cơ bản, đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KHCN, pháp luật thuế đã có nhiều quy định ưu đãi ở mức cao trong khung ưu đãi của pháp luật thuế.

Chính sách tín dụng

Các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV được thành lập ở các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng (TCTD). Số lượng DNNVV được bảo lãnh để vay vốn từ các TCTD tăng qua từng năm. Nhiều doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay thông qua hoạt động bảo lãnh, góp phần nâng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp, hỗ trợ tốt hơn trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, quỹ phát triển DNNVV cũng góp phần hỗ trợ vốn cho các DNNVV đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh; quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đã giúp các doanh nghiệp bước đầu xây dựng các nhiệm vụ KHCN.

Chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

Từ năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hằng năm. Nhờ đó, thứ hạng xếp hạng môi trường kinh doanh và xếp hàng năng lực cạnh tranh của Việt Nam đều tăng hạng, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng ghi nhận những kết quả, tiến bộ trong triển khai thực hiện các nghị quyết này. Bộ Tài chính cũng đã thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính thuế, giảm thời gian nộp thuế; số doanh nghiệp tham gia đăng ký thuế, khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đều đạt 99 - 100%. Hệ thống hóa đơn điện tử được triển khai áp dụng giai đoạn 1 giúp doanh nghiệp giảm chi phí, hỗ trợ quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data), đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số.

2. Những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chính sách thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số

Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số với quy mô nhỏ và manh mún, chủ yếu được triển khai ở cấp địa phương tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong khi doanh nghiệp ở các địa phương khác còn chưa nắm bắt được quá trình chuyển đổi số. Nguyên nhân là do khó khăn trong cân đối ngân sách địa phương nên chưa đảm bảo nguồn để thực hiện các chính sách cho doanh nghiệp chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, chi đầu tư cho KHCN chưa hiệu quả, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động sáng tạo, thiếu sự liên kết với khối tư nhân để tận dụng hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn ở khối này. Nhiều công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận với kinh phí nghiên cứu, áp dụng KHCN mới. Một trong những nguyên nhân là do hoạt động của thị trường KHCN chưa thực sự sôi động và hiệu quả, xuất phát từ tính đặc thù của việc đầu tư nghiên cứu phải chấp nhận nhiều rủi ro, đến việc chuyển giao công nghệ đòi hỏi phải có đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp và mức độ am hiểu về hàng hóa công nghệ phải rất cao… tạo nên những khác biệt của thị trường KHCN so với các thị trường khác.

Ngoài ra, sản phẩm, hàng hóa từ kết quả của nghiên cứu KHCN thường là sản phẩm mới, đòi hỏi sự đảm bảo về chất lượng và những kế hoạch kinh doanh phù hợp, đảm bảo nguồn lực tài chính, chiến lược giới thiệu..., từ đó, cần thiết một nguồn vốn lớn nên thường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các doanh nghiệp KHCN vẫn gặp khó khăn trong khâu thương mại hóa sản phẩm, trong khi các chính sách ưu đãi của Nhà nước mới chỉ tập trung vào việc tổ chức các hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ, mà chưa có những hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…

Quỹ phát triển DNNVV và Quỹ bảo lãnh tín dụng chưa phát huy hiệu quả. Quỹ phát triển DNNVV chủ yếu được triển khai thông qua các ngân hàng đối tác, nhưng ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng thương mại nên các ngân hàng chưa chủ động tham gia, đồng thời, quy trình phê duyệt kéo dài cũng là một rào cản khi doanh nghiệp tiếp cận quỹ này. Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng, có thể khả thi với những tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại là vướng mắc ở các địa phương khác. Ngoài ra, số quỹ bảo lãnh địa phương là 28 quỹ, với tổng vốn khoảng 1.500 tỷ đồng, như vậy, quy mô trung bình rất nhỏ và thiếu tập trung, không đủ khả năng để bảo lãnh cho DNNVV, dẫn đến giảm mức độ tin tưởng của ngân hàng nhà nước đối với khoản bảo lãnh. Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia trong giai đoạn 2015 - 2021 chưa triển khai các hoạt động hỗ trợ tín dụng, do đây là các hoạt động mới, có độ phức tạp và khác biệt so với các hoạt động tài trợ đã từng triển khai của quỹ.

3. Khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số

Việt Nam khẳng định quan điểm phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đẩy nhanh chuyển đổi số đối với một số ngành, lĩnh vực đã có điều kiện, đặc biệt là khu vực DNNVV; thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Do đó, cần hoàn thiện chính sách tài chính hỗ trợ, tạo môi trường thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số ở Việt Nam.

Chính sách chi NSNN

Chính sách chi NSNN cần được thực hiện hỗ trợ theo hướng đúng và trúng đối tượng, do nhu cầu rất lớn, nguồn lực có hạn. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu chính sách thúc đẩy chuyển đổi số cho từng nhóm đối tượng doanh nghiệp khác nhau dựa trên các tiêu chí về quy mô, ngành nghề, giai đoạn phát triển… Cùng với đó, đẩy nhanh chuyển đổi số đối với một số ngành, lĩnh vực đã có điều kiện, trong đó chuyển đổi số nhóm doanh nghiệp ngành tài chính - ngân hàng đóng vai trò quan trọng, có ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp khác, do vậy cần được chú trọng, để từ đó tạo trụ cột thay đổi hành vi để doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số.

Ngân sách nhà nước cần tập trung ưu tiên đầu tư vào xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số dùng chung làm nền tảng, tạo điều kiện cho chuyển đổi số. Công tác chi cho KHCN cần được nâng cao hiệu quả thông qua những ưu đãi cho đối tượng các doanh nghiệp mua quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu ứng dụng sử dụng NSNN với quy trình đơn giản, nhanh gọn; hỗ trợ liên kết giữa các tổ chức KHCN và doanh nghiệp để thực hiện các dự án đổi mới công nghệ, ứng dụng kết quả đầu ra; kết hợp chặt chẽ nghiên cứu và phát triển trong nước với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.

Chất lượng nguồn nhân lực cũng cần được nâng cao thông qua việc hỗ trợ kinh phí xây dựng chiến lược tổng thể về đào tạo nhân lực số, ưu tiên các ngành về phân tích dữ liệu, khoa học dữ liệu, AI; doanh nghiệp tham gia các chương trình đào tạo ở trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên đào tạo trực tuyến về chuyển đổi số, thương mại điện tử, KHCN… Đồng thời có thể xem xét tiêu chí hoàn thành khóa đào tạo là một trong những điều kiện để được hưởng các chính sách hỗ trợ khác về chuyển đổi số.

Chính sách thuế

Các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế, phí cần được tiếp tục xây dựng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, đặt tiêu chí chỉ áp dụng với doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi số, hoặc sử dụng các công cụ số/có doanh thu từ thương mại điện tử; hoặc doanh nghiệp trong những ngành, lĩnh vực kinh tế trọng tâm… để tạo động lực chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Tập trung xây dựng và triển khai các chính sách ưu đãi về thuế, phí khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng, cung cấp các dịch vụ số.

Chính sách tín dụng

Tạo dựng hành lang pháp lý thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, chính sách vay ưu đãi để các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV có điều kiện đổi mới công nghệ, trang bị công nghệ mới hiện đại để thực hiện chuyển đổi số. Thông qua các chương trình hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp có kinh phí và cơ hội chuyển đổi số, đầu tư vào hạ tầng, trang thiết bị, máy móc, phần mềm quản trị và đầu tư vào nguồn lực về con người… Thực hiện đánh giá hiệu quả các quỹ phát triển DNNVV, quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các chương trình hỗ trợ của Nhà nước về KHCN, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ NSNN.

Chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

Pháp luật về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cần được rà soát, hoàn thiện theo hướng thuận lợi hóa mạnh mẽ hơn nữa cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Trong đó đặc biệt chú ý đến doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ để phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng số, hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các cơ chế ưu đãi đầu tư để đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm... Đồng thời, cần đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số, trong đó Chính phủ đóng vai trò cầu nối để thúc đẩy chính phủ điện tử và dịch vụ điện tử cho các doanh nghiệp.

(Nguồn: Viện Chiến lược và chính sách Tài chính)

 --------------------------------------------------------- 

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt:

  1. Ngân hàng Thế giới (WB, 2021), Việt Nam số hóa: Con đường đến tương lai.
  2. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI, 2020), Chuyển đổi số: Giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 và phát triển.
  3. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD, 2021), Báo cáo chính sách DNNVV và khởi nghiệp tại Việt Nam.
  4. Watkins J., Nguyen Q.T., Nkhoma M., Vo K.T. & Nguyen L.H.L (2021), Chuyển đổi số ở Việt Nam: Trải nghiệm của DNNVV và DNNN, Đại học RMIT, Trung tâm Xuất sắc về kỹ thuật số.

Tiếng Anh:

  1. Akhlaque, Asya; Frias, Jaime Andres Uribe; Cirera, Xavier (2020), Vietnam - Science, Technology, and Innovation Report: Policy Brief (Vietnamese). Washington, D.C., World Bank Group.
  2. Cirera, Comin, Cruz và Lee (2021), Firm-Level Technology Adoption in Vietnam, Policy Research Working Paper 9567, WorldBank.
  3. IDC-Cisco (2020), Asia Pacific SMB Digital Maturity Study.
...