19/01/2025 lúc 07:01 (GMT+7)
Breaking News

Chiến trường không tiếng súng-Kỳ 3:Thương lắm những trái tim cô đơn

Không khói lửa, không tiếng súng, không mưa bom bão đạn..., cuộc chiến của hành trình gần 600 ngày “chống giặc Covid - 19” âm thầm mà tàn khốc và đau thương. Chiến trường nơi tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đã đầu quân hơn 24.000 nhân lực y tế tham gia hỗ trợ. Khoảng 2.300 nhân viên trong số đó bị phơi nhiễm khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, 2 điều dưỡng và một bác sĩ ra đi mãi mãi.

Sẵn sàng đối mặt với cam go, thử thách, kiên cường bền bỉ vượt qua mọi bão giông, hiểm nguy; sức mạnh của sự đồng cảm sẻ chia, của tình yêu thương và lòng nhân ái đã chiến thắng “kẻ thù virus” vô hình nguy hiểm. Ở nơi nóng bỏng nhất, trên những địa bàn nguy hiểm nhất, khi nhân dân cần nhất, những “chiến binh áo trắng” Thái Bình xứng đáng là lực lượng chi viện tuyến đầu, làm tròn sứ mệnh cao cả bảo vệ tính mạng và sức khỏe của Nhân dân.

Tạp chí Việt Nam Hội nhập giới thiệu cùng bạn đọc bút ký “Chiến trường không tiếng súng” của tác giả Phạm Nguyễn Hồng Quang phần nào khắc hoạ và truyền tải đến bạn đọc về “chiến trường khốc liệt này”. “Sinh ra trong cõi hồng trần, đời người phải lấy chữ nhân làm đầu”, các anh, các chị những “chiến binh áo trắng” đẹp mãi trong lòng nhân dân.

Rót cốc nước hoa đậu biếc tím xanh một màu thanh nhã đến đặc biệt mời chúng tôi uống, điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Thúy - Khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư bắt đầu ngay câu chuyện, như thể những mảng ký ức đã qua vẫn luôn đồng hành cùng chị, mỗi ngày một đậm nét hơn. Chưa một mũi tiêm phòng, tuổi lại đã khá cao, hoàn cảnh gia đình cũng không thực sự rảnh rang như người khác – vẫn đang rất cần chị với vai trò người vợ, người mẹ, hơn nữa là tấm chân tình của người con dâu hiếu thảo bấy lâu vẫn chăm sóc, nâng niu mẹ chồng gãy cả hai chân không đi lại được, nhưng nhận lời động viên của ông xã “Em cứ đi, mọi việc ở nhà đã có anh lo!” người phụ nữ tưởng chừng nhỏ bé và mềm yếu ấy đã quyết định viết đơn tình nguyện, xung phong tham gia lực lượng y tế chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Những hình ảnh đau thương ở Ấn Độ mãi ám ảnh trong tâm can chị, và vô thức tâm niệm “sống chết cũng phải đi” hối thúc chị nghe ngóng, chờ đợi, chỉ chờ có cơ hội hỗ trợ phòng chống dịch bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Ngày điều dưỡng trưởng họp chốt quân số, chị vui như chưa từng có niềm vui nào ý nghĩa và giá trị hơn thế. Không có nhiều thời gian chuẩn bị, Thúy điện hỏi kinh nghiệm từ các bạn đồng nghiệp đang chi viện cho Bắc Giang, Bình Dương..., may mắn trở thành người chị cả tất bật mua sắm vật dụng, nhu yếu phẩm cho các anh em trong đoàn. Ngày lên đường cũng là ngày giỗ cha, nén tâm nhang cháy đỏ trong lòng chị. Thúy bất giác nhìn qua cửa sổ máy bay, trên những tầng mây trắng, gương mặt cha lúc ẩn lúc hiện, nhưng vẫn nụ cười ấm áp và nhân hậu thân thuộc, ông như đang vẫy tay tạm biệt: “Con gái của ba chắc chắn sẽ làm rất tốt!”.

Sau màn chống giọt bắn như mờ sương vì hơi thở, thậm chí có người thêm cặp kính cận tròn xoe, Thúy vẫn còn nhớ rất rõ những ánh mắt mở to ngạc nhiên của các đồng nghiệp ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cùng với một câu hỏi giống nhau duy nhất dành cho chị: “Chưa tiêm sao dám xung phong đi chi viện, liều thế, không sợ lây nhiễm à?”. Và cũng chính vì lo giữ an toàn cho chị nên suốt thời gian ở đây, chị chỉ được phân công làm công việc hành chính. Nhưng khi nghe đồng nghiệp cùng đoàn kể lại những cảnh tượng đau lòng bên trong buồng bệnh, lòng Thúy như có lửa, chỉ muốn được vào khu điều trị để hỗ trợ mọi người cùng giành giật sự sống cho bệnh nhân.

“Có bao nhiêu ca tử vong?” là câu hỏi thường trực đầy lo lắng của chị mỗi sáng. Con số đó mỗi ngày một nhiều hơn, không còn cách nào khác, chị chỉ biết lăn xả vào phát cơm, mang đồ cho bệnh nhân lên các tầng cao mà không biết mệt, không thấy nặng; dẫu không trực tiếp nhưng cũng góp phần chia sẻ công việc với các lực lượng, và quan trọng hơn, kịp thời giúp người bệnh được động viên, an ủi phần nào trong cơn bi cực. Và như để bù đắp những khao khát cống hiến, sau khi được tiêm phòng, chuyển sang chi viện cho Bệnh viện Dã chiến số 6, Thúy xung phong bổ sung lực lượng ở ngay kíp trực đầu tiên....

Trong suốt buổi trò chuyện cùng chúng tôi, lúc nào đôi mắt điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Thúy cũng đỏ hoe, có lúc giọng chị nghẹn lại không kể tiếp được nữa... Chốc chốc chị lại vội quay đi để kiềm chế cảm xúc, lắc đầu với câu nói đầy thương cảm lúc nào cũng trực chờ trào ra khỏi tâm can chị: “Đau đớn lắm, thương bệnh nhân lắm!”. Do đặc thù của bệnh nhân nhiễm Covid-19 không thể có người nhà đi cùng nên việc chăm sóc toàn diện hoàn toàn phụ thuộc vào nhân viên y tế. Nhiều bệnh nhân phải thở máy, không cử động được, cũng không nói được, điều dưỡng chỉ có thể cảm nhận mong muốn giúp đỡ của họ qua ánh mắt. Điều đó đòi hỏi phải thực sự quan sát, thực sự nhanh nhạy, thực sự để tâm và có trách nhiệm.

Ở ngay ca trực đầu tiên, vừa bước vào phòng bệnh, thoáng nhìn thấy một bệnh nhân to béo gần một tạ thở HFNC đang có dấu hiệu chuyển biến nặng, điều dưỡng Thúy vội lao vào vỗ rung hỗ trợ thở, đồng thời liếc nhìn nhanh số điện thoại ghi trên giường bệnh, kịp thời giúp bệnh nhân gọi điện cho người thân. Chứng kiến ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết, nghe tiếng nói thì thào đau đớn thốt ra khó nhọc từ miệng bệnh nhân trong cơn nguy cấp: “Bố ơi, con sắp chết rồi...”, trái tim Thúy như bị bóp nghẹn... Đưa bệnh nhân chuyển tuyến gấp đi Bệnh viện Chợ Rẫy, lần đầu tiên thao tác và di chuyển trong bộ đồ bảo hộ kín mít, lùng bùng lại thêm cảm giác như ngạt thở vì đeo hai chiếc khẩu trang, Thúy và đồng nghiệp vẫn lấy hết sức chạy đua với thời gian, từng giây, từng phút. Để rồi trượt dài trên con dốc, chiếc bình ô xy bỗng nhiên đổ lăn kềnh khi gần tới xe cấp cứu. Lái xe vô tâm không những không trợ giúp mấy chị em phụ nữ, chỉ đứng một chỗ nhìn, quát tháo... Và, trong lúc làm thủ tục bàn giao cho nơi tiếp nhận mới, bệnh nhân đã phụ công các chị, không kịp chờ đợi. Khi Thúy quay ra xe để đưa bệnh nhân nhập viện, họ đã xuôi tay về với thế giới bên kia ngay trên chiếc xe cứu thương. Thúy thực sự sốc, lòng chị nặng trĩu như đang rơi dần xuống vực thẳm...

Những ngày sau đó, chỉ tính riêng khoa của chị, mỗi ngày cũng có ít nhất 3 – 4 bệnh nhân tử vong. Thực tế khác xa với thời gian chị làm việc ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, khi chưa phải vào buồng bệnh. Song chính cú sốc từ ca trực đầu tiên ở đơn vị chi viện mới đã giúp chị dũng cảm đối diện với thực tế, nhận ra mình càng cần phải quyết tâm vượt qua hơn, bởi phải thực sự có một tinh thần “khỏe” – tinh thần thép mới có thể chăm sóc tốt cho các bệnh nhân, những người không có người thân yêu bên cạnh những lúc nguy kịch nhất, kể cả phút giây chia lìa... Vậy là vừa làm vừa học hỏi, tự đúc rút kinh nghiệm cho bản thân, mỗi ngày bước chân vào buồng bệnh, Thúy quên cả khái niệm thời gian, quay cuồng trong công việc, tìm mọi cách tốt nhất có thể để quan tâm nhiều hơn đến mỗi bệnh nhân, và đặc biệt lưu tâm nhiều hơn đến những bệnh nhân tuổi cao, bệnh nhân không nơi nương tựa, bệnh nhân nặng...

Ngồi với chúng tôi, chị vẫn nhớ từng tên, từng hoàn cảnh của mỗi bệnh nhân. Có trường hợp bệnh nhân trẻ sinh năm 1996 đồng hương Thái Bình quê Hưng Hà, cứ nhìn thấy chị lại chới với “Chị ơi, cứu em với!.” Nhìn cậu thanh niên trạc tuổi con mình bị khủng hoảng tâm lý, ngày càng thêm suy sụp tinh thần, Thúy tìm mọi cách động viên, trấn an để bệnh nhân vững tâm phối hợp điều trị. Xin chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy được vài ngày, cậu thanh niên lại đề đạt nguyện vọng được quay trở về nơi Thúy chăm sóc. Sức trẻ là vậy, song do quá lo lắng dẫn tới bi quan, không cố gắng vượt qua nghịch cảnh, chàng trai trẻ ấy đã ra đi mãi mãi trên giường bệnh....

Đè thật sâu, nén thật chặt sự ủy mị của phụ nữ, ngăn không cho cảm xúc yếu đuối trực dâng trào như muốn vỡ ra trong lồng ngực những phút sinh ly tử biệt diễn ra thường xuyên, dồn dập mỗi ngày, Thúy càng thấu hiểu, chị không còn đơn thuần là một nữ điều dưỡng, hơn lúc nào hết, chị còn cần là, còn phải là bờ vai ấm áp, là chỗ dựa tinh thần duy nhất sưởi ấm trái tim yếu ớt, mong manh và vô cùng cô đơn của bệnh nhân. Với tâm niệm khắc khoải ấy, bước vào mỗi ca trực, những phút giây đầu tiên bao giờ chị cũng lưu tâm trước hết đến những bệnh nhân đặc biệt.

Bởi thế mà đồng nghiệp đã có lúc trêu đùa hỏi thăm “ông Tằng của chị Thúy” bởi người bệnh già nua này không còn người thân, luôn nằm yếu ớt thở khó nhọc trên chiếc giường gấp ở một góc phòng đón từng thìa sữa chậm rãi, kiên nhẫn của chị. Lúc tỉnh, lúc mê, tưởng chừng ông lão không còn có thể gắng gượng nổi nữa, như chiếc lá vàng xơ xác chỉ cần một làn gió nhẹ thoáng qua cũng đủ lìa cành; ấy vậy mà, có lẽ “sinh ra trong cõi hồng trần, đời người phải lấy chữ nhân làm đầu”, những nghĩa cử chăm chút tận tụy của chị Thúy đã làm hồi sinh một kiếp người. Sâu thẳm lòng mình, niềm vui mang ý nghĩa và giá trị như giây phút điều dưỡng trưởng chốt danh sách quân số đi chi viện lại rưng rưng, nhẹ nhàng lan tỏa ấm nóng trong từng mạch máu, không hẳn vì ông lão chắp hai tay ra biểu hiện cám ơn chị thay cho khẩu ngữ không nói được, mà hơn hết, mạng sống của một con người chị đã góp phần cứu giữ, và hành trình đồng hành cùng người bệnh, chị đã hái được hoa thơm trái ngọt... Ngày trở về, chị dâng lên bàn thờ cha món quà vô giá – Huy hiệu Thành phố Hồ Chí Minh, tấm huy hiệu của UBND Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng duy nhất cho một thành viên của mỗi đoàn chi viện có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thành phố.

Chia tay Sài Gòn, chia tay những “đặc sản” là tiếng còi hú vang vọng đặc quánh cả ngày lẫn đêm trên mọi tuyến phố, là ánh sáng đèn điện lung linh huyền ảo bao phủ những dày nhà cao tầng bên trong kín mít bệnh nhân thở máy, là những bữa cơm khô cong nguội ngắt để từ trưa qua chiều đến đêm không kịp ăn, là những bộ blue ướt sũng có thể vắt ra nước giữa nắng hè chói chang oi ả... Sài Gòn đã hết giãn cách, đã không còn vắng lặng. Thành phố lại hồi sinh, hòa vào nhịp chảy sôi động và náo nhiệt. Ký ức vẫn vẹn nguyên và cuộc chiến chưa kết thúc. Nhưng ở nơi chiến trường không tiếng súng ấy, sẽ còn nhiều, còn rất nhiều chiến binh áo trắng “vì bệnh nhân, bác sĩ đâu cần làm anh hùng”./.

Phạm Nguyễn Hồng Quang